Chất lượng hay dịch vụ?

Chất lượng hay dịch vụ?
TP - Ngày càng nhiều phụ huynh có nhu cầu cho con em mình theo học tại các trường chất lượng cao dù phải trả nhiều tiền cho chi phí học tập. Tuy nhiên, thế nào là trường chất lượng cao lại là một câu hỏi mà đến thời điểm này các cơ quan quản lý giáo dục vẫn chưa có câu trả lời.

> Bối rối tìm tiêu chí đánh giá trường chất lượng cao

Trường tư: cao thấp đều chung một giỏ

Từ nhiều năm nay, ngày càng đông phụ huynh có xu hướng cho con theo học các trường tư dù họ phải đầu tư một khoản lớn cho chi phí học tập của con em mình.

Theo quy định, mức học phí trường tư căn cứ vào kết quả thỏa thuận của cha mẹ học sinh với nhà trường, cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp, vì vậy mức thu của từng trường rất khác nhau nhưng không dựa vào tiêu chí cụ thể nào.

Điều này tạo không ít khó khăn cho phụ huynh khi chọn trường cho con, đặc biệt là trong bối cảnh hầu hết phụ huynh mù mờ về chất lượng dạy học của các trường.

Thành thử nhiều phụ huynh chọn trường cho con căn cứ vào giá học phí với quan niệm “tiền nào của ấy” và… quảng cáo.

Chị T., một phụ huynh trường Tiểu học Dân lập Thế giới Trẻ em (Hà Nội) kể: “Tôi cho cả hai con học ở trường này với mức học phí 145.472.000 đồng cho cháu lớp 4 và 131.233.000 đồng cho con trai đang học lớp 2, chưa kể những khoản phụ phí khác (năm học 2011 - 2012) mà cứ ngỡ là con được học trường của Singapore, học xong tiểu học thì có thể học tiếp bất kỳ trường công lập nào bên Singapore. Mãi gần đây tôi mới biết hoá ra trường con tôi học chỉ là một trường dân lập học chương trình của Việt Nam và chỉ được bổ sung một số môn tăng cường. Nhưng điều đáng nói là chất lượng dạy học của trường không đảm bảo so với nhiều trường tư khác mà mức thu học phí của họ thấp hơn nhiều lần. So với các cháu cùng khối lớp của các trường ấy, đặc biệt là so với trường công, kỹ năng làm Toán và tiếng Việt của các con tôi đều kém hơn. Trao đổi với nhiều phụ huynh cùng trường tôi được biết không chỉ con tôi mà nhiều cháu cũng như vậy”, chị T. kể.

Nhiều phụ huynh tin vào quảng cáo của các trường (trên website, trong các buổi gặp mặt phụ huynh) tự xưng là trường chất lượng quốc tế, trường chất lượng cao, trường song ngữ… để sẵn sàng chi những khoản tiền, nhiều trường hợp bằng thu nhập cả năm của gia đình bình thường, với hy vọng con mình được học ở môi trường tốt vượt trội.

Đến khi phát hiện ra mình bị hớ thì đã muộn. Hoặc là họ phải cắn răng cho con học hết cấp học, hoặc là phải tìm gia sư dạy kèm cấp tốc để con đủ năng lực năm học sau đó chuyển đến trường khác.

Theo thầy Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng trường THPT Dân lập Đinh Tiên Hoàng, trên thực tế có nhiều trường tư dạy thật chất lượng thật với mức thu học phí tương thích với chất lượng dạy học và chất lượng dịch vụ giáo dục.

Tuy nhiên, do hiện nay các cơ quan chức năng chưa xác định được tên gọi từng mô hình trường cũng như định nghĩa kèm theo mô hình đó. Vì vậy tất tần tật trường tư nằm chung trong một giỏ “trường ngoài công lập”, nhận dạng từng trường ra sao do phụ huynh tự lo liệu.

Trường công: vừa học vừa lo

Năm con chị H. đỗ vào lớp 6 cùng một lúc hai trường: THCS Cầu Giấy (trường công) và THCS Marie Curie (trường tư). Học phí và các chi phí ban đầu của trường Marie Curie cao hơn nhiều so với trường công, 800.000 đồng/tháng chưa kể tiền ăn và bán trú, trang bị đầu cấp 2,5 triệu đồng/năm nhưng chị H. vẫn rất phân vân khi phải quyết định cho con học trường nào.

“So hiện tại thì có vẻ như trường Cầu Giấy hơn mọi mặt. Trường lớp đẹp - khang trang hơn, sĩ số học sinh/lớp học ít hơn. Nhưng tôi nghe nhiều phụ huynh nói học trường này sợ không có tương lai vì lương giáo viên thấp quá khó mà giữ được giáo viên giỏi. Con thì thích học trường Cầu Giấy vì trường đẹp hơn. Cuối cùng tôi chiều con mà cứ lo không hiểu khi con tôi học đến lớp 9 trường có duy trì được phong độ như bây giờ không! ”, chị H. chia sẻ.

Trao đổi với Tiền Phong, bà Bùi Thị Vân Anh, trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy cho biết, trường THCS Cầu Giấy được xây dựng mới hoàn toàn nhằm đáp ứng chủ trương xây dựng mô hình trường chất lượng cao của thành phố.

Tuy nhiên, đã 3 mùa tuyển sinh trôi qua, trường vẫn hoạt động theo cơ chế của một trường công lập bình thường do thành phố chưa ban hành quy định cũng như tiêu chuẩn trường chất lượng cao.

Mức ngân sách chi cho trường cũng theo mức 3,7 triệu đồng/học sinh/năm. Mức thu học phí năm ngoái cũng chỉ 20.000 đồng/học sinh/tháng. Trong khi đó điều kiện vật chất của trường rất tốt, có đủ phòng học bộ môn, các phòng chức năng, phòng tập đa năng, bể bơi…; sĩ số học sinh chỉ 40 em/lớp; giáo viên được tinh chọn từ lực lượng giáo viên giỏi trong quận và thành phố.

“Cũng may là chưa có giáo viên nào bỏ trường đi. Chúng tôi vẫn động viên các thầy cô cố gắng bám trường chờ chính sách mới”, bà Vân Anh nói.

Được biết, theo chủ trương của thành phố, từ nay đến năm 2015 mỗi quận huyện phải có ít nhất một trường công lập chất lượng cao ở mỗi cấp học. Trường chất lượng cao sẽ không phải chịu áp lực tuyển sinh theo tuyến mà bất kỳ phụ huynh nào có nhu cầu đều có thể đăng ký cho con theo học.

Ở cấp THCS, hiện nay mới duy nhất quận Cầu Giấy có trường chất lượng cao. Do nhu cầu của phụ huynh quá lớn nên các kỳ tuyển sinh vào trường THCS Cầu Giấy khá căng thẳng. Chẳng hạn năm nay, ngoài 60 suất tuyển thẳng, trường tuyển 180 chỉ tiêu thì số học sinh dự thi vào trường lên đến 1.520 em.

Chất lượng cao hay dịch vụ chất lượng cao?

Theo ông Phạm Hữu Hoan, Trưởng phòng GD Trung học, Sở GD&ĐT Hà Nội, hiện nay Sở đã có dự thảo tiêu chuẩn đánh giá giáo dục chất lượng cao trình UBND thành phố.

Mỗi bậc học sẽ có tiêu chuẩn riêng. Riêng bậc trung học (chung cho cả THCS và THPT), dự kiến trường đạt chất lượng cao phải đạt 80/100 điểm trong 5 tiêu chuẩn.

Mỗi tiêu chuẩn có nhiều tiêu chí khác nhau (được lượng hóa bằng điểm), trong đó tiêu chuẩn chương trình, hoạt động giáo dục và kết quả giáo dục chiếm tới 45 điểm trên 11 tiêu chí.

“Trong quá trình dự thảo việc xác định khái niệm “giáo dục chất lượng cao” hay “dịch vụ giáo dục chất lượng cao” rất được nhiều ý kiến đóng góp. Rốt cục, chúng tôi quyết định ngả theo theo quan điểm trường “giáo dục chất lượng cao”, trong đó đặt nặng vấn đề quá trình tổ chức dạy học và kết quả giáo dục”, ông Hoan nói.

Theo nhiều cán bộ quản lý các trường phổ thông, nếu căn cứ vào các tiêu chuẩn trong dự thảo quy định thì không phân bao quát hết các mô hình trường học hiện nay, đặc biệt là với các trường tư.

“Có thể một số trường công cần tiêu chuẩn này vì đó là căn cứ để các cấp có thẩm quyền ban hành quy định mức học phí. Nhưng các trường tư thì không cần vì học phí của trường tư là do thỏa thuận giữa nhà trường với phụ huynh chứ không chịu sự quy định của cấp quản lý nào”, hiệu trưởng một trường tư thục giải thích.

Theo hiệu trưởng này, ngành GD&ĐT cần phân loại cụ thể hơn các mô hình trường học như trường chất lượng cao, trường dịch vụ chất lượng cao, trường song ngữ, trường quốc tế… Căn cứ vào sự phân định này, phụ huynh sẽ dễ dàng hơn trong việc lựa chọn trường học cho con em mình.

Tuy nhiên, theo cô Nguyễn Minh Thuý, Phó Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Siêu, các trường tư cũng rất nóng lòng chờ quy định: “Chúng tôi rất cần một cơ chế để hoạt động vì từ trước đến nay chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động chuyên môn, tổ chức dạy học ở nhà trường dù dạy thật học thật. Ví dụ, chúng tôi tổ chức học 2 buổi ngày (và điều này đã được Bộ GD&ĐT khuyến khích), nghĩa là ngày học 8 - 9 tiết, nhưng sổ đầu bài và sổ báo giảng chưa có sổ nào rải ra 8 - 9 tiết. Thành ra chúng tôi dạy thật, dạy không cắt xén chương trình, thậm chí còn dạy kỹ hơn cả chương trình nhưng vì không có cơ chế mà nếu trên kiểm tra thì trường làm sai”, cô Thuý nói.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Hữu Độ, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, dù Bộ GD&ĐT chưa có quy định về trường chất lượng cao nhưng sắp tới thành phố cũng sẽ ban hành quy định tạm thời. "Sau khi có tiêu chuẩn chúng tôi sẽ kiểm tra, qua đó chấn chỉnh lại cách gọi của từng trường. Những trường được công nhận chất lượng cao sẽ do Sở hoặc UBND TP kiểm tra, đánh giá, công nhận. Các trường ngoài công lập không thể tùy tiện gắn mác chất lượng cao cho mình được”, ông Độ nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG