Đấu giá kỷ lục 15 triệu USD cho một bản thảo khoa học của Einstein

0:00 / 0:00
0:00
Chân dung Albert Einstein và một trang bản thảo vừa được bán đấu giá 15 triệu USD.
Chân dung Albert Einstein và một trang bản thảo vừa được bán đấu giá 15 triệu USD.
TPO - Albert Einstein, nhà vật lý người Đức, được biết đến là người đã hủy bỏ hầu hết các công trình nghiên cứu của mình.

15 triệu USD cho một bản thảo khoa học

Ngày 23/11 vừa qua, bản thảo dài 54 trang do Albert Einstein và kỹ sư người Thụy Sĩ Michele Besso viết chung đã được bán đấu giá với giá kỷ lục 13,3 triệu euro (tương đương 15 triệu USD) bao gồm các loại thuế phí. Tài liệu viết tay dài 54 trang này phác thảo các tính toán dẫn đến thuyết tương đối tổng quát của Einstein.

Theo nhà đấu giá Christie's, nơi tổ chức cuộc đấu giá, bản thảo đã lập kỷ lục mới cho tài liệu khoa học có chữ ký đắt nhất từng được bán. Danh tính của người mua vẫn chưa được tiết lộ, dù Christie's lưu ý rằng cuộc đấu giá đã thu hút sự quan tâm của người mua trên khắp thế giới.

Bản thảo này do Einstein và Besso viết trong khoảng thời gian từ tháng 6 năm 1913 đến đầu năm 1914, khi hai người kiểm tra các phương trình cuối cùng, nền tảng cho thuyết tương đối tổng quát của Einstein .

Theo Christie's, 26 trang của bản thảo do Einstein viết, 24 trang do Besso viết và ba trang được viết chung bởi hai người. Nhiều trang cũng có ghi chú bên lề, trong đó có chữ "stimmt!" (tiếng Đức có nghĩa là "Nó hoạt động!") được Einstein viết bên cạnh một trong những phương trình của ông.

Nhà đấu giá Christie lưu ý rằng, bản thảo này rất đặc biệt vì sự hiếm có của nó, bởi lẽ Einstein hiếm khi giữ bản thảo các văn bản và thư từ của chính mình. Trong khi đó, Besso lưu giữ phần lớn công việc của mình với Einstein cho hậu thế. Nhờ có Besso, bản thảo này là một trong hai bản thảo còn sót lại cho thấy nền móng cho sự ra đời của thuyết tương đối tổng quát.

Đây là bản thảo khoa học đắt giá nhất thế giới nói chung và của Einstein nói riêng. Tháng 5 năm 2021, một bức thư của Einstein gửi cho một nhà vật lý đối thủ , trong đó có phương trình E = mc2 nổi tiếng của ông, đã được bán đấu giá với giá 1,2 triệu USD. Năm 2017, hai mẩu ghi chú ngắn mà Einstein viết tặng cậu bé đưa thư tại khách sạn ở Tokyo, trong đó có mẩu ghi chú mô tả "công thức" hạnh phúc của ông, đã được bán với giá 1,5 triệu USD.

Các tính toán dẫn đến thuyết tương đối của Einstein

Theo nhà đấu giá Christie, nhà vật lý nổi tiếng người Đức Albert Einstein đã cùng viết bản thảo này với kỹ sư người Thụy Sỹ Michele Besso, ở Zurich, từ tháng 6 năm 1913 đến đầu năm 1914.

Mặc dù đây không phải là bản thảo cuối cùng, nhưng bản thảo Einstein-Besso viết chung cho thấy quá trình thử và dung sai trong các phép tính. Khi các phương trình về tính tương đối của chuyển động quay được chứng minh là đúng, Einstein hào hứng viết ở lề một trong những trang giấy, "Stimmt!" (tiếng Đức có nghĩa là "Nó hoạt động!")

Mặc dù tài liệu có những sai sót, nhưng cuối cùng nó đã dẫn đến thuyết tương đối tổng quát của Einstein, trong đó nói rằng lực hấp dẫn không phải là một lực xảy ra giữa các vật thể trong không gian mà là một biến dạng của hình học không gian và thời gian. Lý thuyết này cuối cùng được Einstein công bố vào năm 1915, khoảng một năm sau bản thảo Einstein-Besso viết chung. Trước đó, năm 1905, Einstein đã công bố thuyết tương đối đặc biệt.

Theo Christie's, trong bản thảo đấu giá này có một số phần bị gạch chéo hoặc xé ra và các trang có vết hoen ố. Như vậy, sau hơn một thế kỷ, thuyết tương đối của Einstein vẫn là phương trình đúng để mô tả bất kỳ hiện tượng hấp dẫn nào, nhất là trong nghiên cứu vũ trụ, hố đen, sóng hấp dẫn... ngày nay.

Einstein và Besso đã gặp nhau tại một buổi hòa nhạc khi cả hai đang là sinh viên tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ ở Zurich, nơi Einstein nghiên cứu vật lý và Besso nghiên cứu kỹ thuật. Sau đó, hai người trở thành những người bạn lâu năm của nhau. Besso mô tả sự hợp tác của họ là sự kết hợp giữa đại bàng (Einstein) và chim sẻ (Besso) và chim sẻ có thể bay cao hơn dưới cánh của đại bàng.

Albert Einstein đã đoạt giải Nobel vật lý năm 1921.

Theo Live Science, ABC news
MỚI - NÓNG