Cử tri ngành y tế TPHCM kiến nghị tiêm vắc xin cho trẻ em

0:00 / 0:00
0:00
Cử tri ngành y tế TPHCM kiến nghị tiêm vắc xin cho trẻ em
TPO - Theo một số cử tri là các chuyên gia y tế, khi người lớn đã chích vắc xin ngừa COVID-19 thì làn sóng nguy hiểm sẽ dồn cho trẻ em và tuy tỉ lệ trẻ em tử vong do COVID-19 không cao nhưng ảnh hưởng về lâu dài đối với thể chất và tinh thần của trẻ thì chưa thể lường được.

Sáng 9/10, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức hội nghị trực tuyến tiếp xúc cử tri ngành y tế TP.HCM. Tham dự ở đầu cầu TP Hà Nội có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Tại buổi tiếp xúc, PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cho biết qua báo cáo sơ bộ, TPHCM đã có khoảng 20.000 trẻ em đã mắc COVID-19. Mức độ nguy hiểm đối với bệnh nhân trẻ em thấp hơn so với người lớn nhưng nguy cơ tử vong vẫn cao đối với nhóm trẻ béo phì, có bệnh nền…

PGS TS Nguyễn Thanh Hùng cho biết người dân TPHCM rất lo lắng cho con em trước tác động của dịch COVID-19, nhất là TPHCM dự kiến sẽ mở lại các trường học vào tháng 1/2022.

Theo ông Hùng, kinh nghiệm từ Mỹ cho thấy các đợt dịch trước, trẻ em Mỹ ít bị tác động nhưng với biến chủng Delta, chỉ 2 tuần cuối tháng 9, Mỹ đã có hơn 500.000 trẻ em mắc bệnh do các trường học mở cửa.

“Đến nay, Mỹ có khoảng 5,9 triệu trẻ em nhiễm COVID-19, chiếm khoảng 17% số ca mắc COVID-19 của nước này”, ông Hùng lưu ý.

Chuyên gia này cho biết Việt Nam có 25 triệu trẻ em, trong đó TPHCM có khoảng 1,8 triệu trẻ từ 5-18 tuổi. Tỉ lệ trẻ em tử vong do COVID-19 tuy không cao nhưng các ảnh hưởng lâu dài về thể chất và tinh thần đối với trẻ em chưa lường được.

Cử tri ngành y tế TPHCM kiến nghị tiêm vắc xin cho trẻ em ảnh 1

"Việt Nam cũng vừa phê chuẩn mua 10 triệu liều vắc xin của Cuba. Vắc xin Pfizer cũng được mua và đưa về Việt Nam trong những tháng tới. Nguồn vắc xin để tiêm cho trẻ em đang nằm trong tầm tay. Thay mặt cha mẹ phụ huynh và nhân viên ngành y tế, tôi đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM kiến nghị Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đưa chương trình tiêm chủng cho trẻ em vào chương trình tiêm chủng quốc gia", PGS TS Nguyễn Thanh Hùng bày tỏ.

Cử tri ngành y tế TPHCM kiến nghị tiêm vắc xin cho trẻ em ảnh 2

TPHCM đã có trên 70% người trên 18 tuổi được tiêm mũi 2 vắc xin phòng COVID-19.

Đồng tình, bác sỹ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, cho biết việc tiêm vắc xin đang phát huy hiệu quả, giảm nguy cơ bệnh chuyển nặng và nguy cơ tử vong. Vì vậy, cần sớm tiêm cho trẻ dưới 18 tuổi để bảo vệ đối tượng này.

Theo BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Bộ Y tế mới đây đã cho phép bệnh viện triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho thai phụ. Nhờ vậy, số sản phụ nhập viện và thở máy đã giảm mạnh.

Cụ thể, đầu tháng 8, bệnh viện tiếp nhận 40-50 thai phụ một ngày, trong đó có 10 ca phải thở máy xâm lấn. Từ đầu tháng 8/2021 (thời điểm bắt đầu được tiêm vắc xin) đến nay chỉ còn tiếp nhận trung bình 8-10 thai phụ một ngày, trong đó đáng mừng là không còn thai phụ phải thở máy xâm lấn.

Cử tri ngành y tế TPHCM kiến nghị tiêm vắc xin cho trẻ em ảnh 3

Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM tiếp xúc với cử tri ngành y tế tại điểm cầu TPHCM với sự tham dự của Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi

BS Lê Trường Giang, Chủ tịch Hội Y tế công cộng TPHCM lưu ý: Hiện nay quy định tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người trên 65 tuổi với chỉ tiêu trên 80%, trong khi đó trẻ em vẫn chưa được tiêm. Do đó, chuyên gia này kiến nghị nên giảm chỉ tiêu tiêm cho người trên 50 tuổi xuống còn 70% và dành 10% vắc xin để ưu tiên tiêm cho trẻ em.

Tại buổi tiếp xúc, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết trong đợt dịch vừa qua, mọi nguồn lực đã được huy động tối đa. TPHCM nhận được sự chi viện kịp thời về nhân lực, trang thiết bị y tế, nguồn vắc xin của Trung ương. Nguồn lực này góp phần to lớn giúp bóc tách F0 khỏi cộng đồng, làm giảm đáng kể nguồn lây, giảm số ca tử vong...

Theo bác sỹ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, đợt dịch COVID-19 chưa từng có đã làm lộ ra nhiều hạn chế của hệ thống y tế cơ sở. Cụ thể, hệ thống y tế cộng đồng từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM đến trung tâm y tế quận huyện, trạm y tế phường, xã còn thiếu về nhân sự, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị…

Lãnh đạo Sở Y tế TPHCM cho biết đang xây dựng Kế hoạch “Nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở trong giai đoạn kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn TPHCM" trình UBND TPHCM nhằm từng bước nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở một cách bền vững để chăm sóc sức khỏe nhân dân hiệu quả hơn.

Cử tri ngành y tế TPHCM kiến nghị tiêm vắc xin cho trẻ em ảnh 4

Bác sỹ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM

Thay mặt ngành y tế TPHCM, bác sỹ Nguyễn Văn Vĩnh Châu kiến nghị nhà nước có chính sách phát huy hiệu quả y tế cơ sở, thu hút nhân lực có chuyên môn cho các trạm y tế. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách thu hút y tế tư nhân tham gia phòng chống dịch, tham gia mô hình điều trị F0. Cơ sở tư nhân được thu một số loại chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người mắc COVID-19.

Lãnh đạo Sở Y tế TPHCM cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến Luật khám bệnh, chữa bệnh; sớm có hướng dẫn cụ thể về mô hình bác sĩ gia đình, khám bệnh chữa bệnh từ xa… Ông đề xuất cho bác sĩ đa khoa mới tốt nghiệp chưa có chứng chỉ hành nghề được tham gia điều trị F0 tại cộng đồng và thực hành tại y tế cơ sở để xét cấp chứng chỉ hành nghề.

MỚI - NÓNG