Sáng 7/10, Tổ Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị 2 (TPHCM) đã tiếp xúc trực tuyến với cử tri quận 1, 3 và Bình Thạnh trước kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XV.
Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri bày tỏ lo lắng trước tình trạng hàng nghìn người dân tự phát rời TPHCM và các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 để trở về quê bằng nhiều phương thức, kể cả đi bộ trên quãng đường dài hàng trăm, thậm chí cả nghìn km.
Cử tri Đoàn Mạnh Hường (quận Bình Thạnh), cho rằng các địa phương không thể ngăn cản người dân trở về quê. Vấn đề cần quan tâm hiện nay là chính sách hỗ trợ cho bà con về từng đợt để tránh lây lan và bùng phát dịch bệnh tại các địa phương.
Theo bà Trương Thị Minh Dung, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận 1, thời gian qua, công nhân về quê nhiều nên nhiều doanh nghiệp thiếu hụt lao động "xanh". Trong khi đó, doanh nghiệp thường xuyên phải tăng ca. Vì vậy, sắp tới, chính quyền các địa phương cần hỗ trợ TPHCM đón công nhân về lại thành phố làm việc khi dịch bệnh đã được kiểm soát hoàn toàn.
Liên quan đến đời sống công nhân lao động, cử tri Đặng Quốc Hùng (quận 1), cho rằng đã đến lúc TPHCM phải tính đến việc xây nhà ở cho công nhân để cải thiện cuộc sống và đảm bảo an toàn phòng chống dịch, nhất là TPHCM đã xác định không thể thực hiện chiến lược "zero F0".
Thay mặt Tổ ĐBQH, đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TPHCM đã ghi nhận ý kiến của các cử tri.
Đại tá Nguyễn Sỹ Quang cũng dành thời gian trao đổi lại một số vấn đề cử tri quan tâm. Về xây dựng nhà ở cho công nhân và nhà ở xã hội, ông thừa nhận còn rất nhiều việc thành phố phải giải quyết.
Người dân từ TPHCM tự phát trở về quê ngay sau khi thành phố nới lỏng giãn cách xã hội |
Đại tá Quang kể, trong giai đoạn TPHCM thực hiện giãn cách "ai ở đâu ở yên đó", nhiều công nhân gặp khó khăn vì trong một phòng trọ nhỏ nhưng có tới 4-5 người ở, không đảm bảo các tiêu chí sống cơ bản.
Dù thực hiện "ai ở đâu ở yên đó" nhưng dịch vẫn lây lan rất nhanh ở khu đông công nhân như quận Bình Tân, Bình Thạnh... "Chúng tôi xuống thăm, thấy bà con không thể ở trong nhà 24/24. Phòng trọ chỉ để ngủ thôi", ông Quang nói và cho biết trong các chiến lược phục hồi kinh tế, TPHCM đã có chính sách xây dựng nhà công vụ, nhà công nhân, nhà ở xã hội để đảm bảo tiêu chuẩn sống tối thiểu cho người dân và phòng chống dịch.
Về việc người dân trở về quê tự phát, đại tá Nguyễn Sỹ Quang chia sẻ sau 4 tháng bị ảnh hưởng dịch bệnh, sự chống chịu của nhiều người đã đến ngưỡng, gần như không còn chịu nổi.
Ông kể: “Tối 30/9, tôi ở Bình Chánh tiếp xúc nhiều người thì thấy cuộc sống bà con rất khó khăn dù chính quyền các cấp, các ngành đã hỗ trợ. Hầu hết là lao động tự do, tựu trung chỉ có một nguyện vọng là phải về quê, đúng là không thể ngăn bà con được".
Lãnh đạo Công an TPHCM cho biết trước tình trạng trên, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ đã chỉ đạo và TPHCM cũng phối hợp với các địa phương để thu xếp cho người dân về quê trật tự, an toàn.
“Cũng vì việc người dân tự phát về quê rất nguy hiểm nên thời gian qua, TPHCM đã cố gắng hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân tiếp tục ở lại làm việc”, đại tá Nguyễn Sỹ Quang nhấn mạnh.
Đại tá Nguyễn Sỹ Quang lưu ý việc TPHCM và các địa phương nới lỏng giãn cách sẽ kéo theo tỷ lệ tội phạm tăng vì lưu lượng người ra đường lớn. Các tội phạm đặc trưng như cướp giật, tín dụng đen... sẽ diễn biến rất phức tạp. Công an TPHCM đã có kế hoạch cao điểm trấn áp và đưa nhóm tội phạm trên vào diện trọng điểm để kiểm soát.