Nguyên Bí thư TPHCM: Tình huống chưa từng có thì giải pháp cũng chưa từng có

0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM
TPO - Theo nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, trước tình hình khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Quốc hội cần có Nghị quyết riêng về sử dụng nợ công để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. 

Ngày 2/10, tiếp xúc với cử tri là các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TPHCM, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM cho rằng việc kinh tế TPHCM tăng trưởng âm là chưa từng có.

Tình hình dịch bệnh làm kinh tế cả nước tăng trưởng thấp nhất trong những năm vừa qua. DN còn hoạt động chỉ chiếm khoảng 20%. Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, đây cũng là tình huống chưa từng có.

Ngoài ra, ông Nhân cho biết số DN duy trì dòng tiền cầm cự được 1 tháng chiếm trên 40%, từ 1-3 tháng chiếm 45%. Chỉ có 15% DN còn nguồn tài chính duy trì hoạt động trên 3 tháng và đây cũng là tình thế hết sức đặc biệt.

“Khi DN không hoạt động, người lao động không có việc làm dẫn tới thu nhập không còn. Đây cũng là tình huống rất đặc biệt. Về mặt kinh tế xã hội, chúng ta đứng trước tình huống đặc biệt chưa từng có trong lịch sử phát triển TPHCM. Cho nên về nguyên tắc, tình huống chưa từng có thì giải pháp cũng chưa từng có”, ông Nhân nói.

Nguyên Bí thư TPHCM: Tình huống chưa từng có thì giải pháp cũng chưa từng có ảnh 1

Do dịch bệnh hoành hành, TPHCM chỉ có 20% doanh nghiệp còn duy trì hoạt động trong tình trạng đặc biệt

Nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM cho rằng nhà nước cần hỗ trợ để DN duy trì dòng tiền tệ để hoạt động, giữ chân, hỗ trợ người lao động, người dân. Khi người dân, người lao động có tiền thì mới kích cầu sản xuất hàng tiêu dùng. Do đó ý nghĩa việc hỗ trợ tiền cho người dân, người lao động rất quan trọng. Đồng thời, 3 lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hoá nghệ thuật cũng cần hỗ trợ để thích ứng với tình hình mới.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, Chính phủ hiện đã có kế hoạch và đang chi khoảng 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ khó khăn cho người dân, DN. Tuy nhiên, gói hỗ trợ này vẫn còn khiêm tốn so với nhu cầu thực tế.

Ông Nhân cho biết trên thế giới, nhiều quốc gia chi hỗ trợ rất lớn. Chính phủ các nước trên dùng nợ công để chi hỗ trợ phát triển kinh tế. Từ kinh nghiệm các nước, ông kiến nghị, đề xuất có gói hỗ trợ ít nhất 6,5% GDP, chủ yếu từ nguồn nợ công (khoảng 410.000 tỷ đồng) để chi hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ người dân, người lao động.

“Cần có Nghị quyết riêng sử dụng nợ công trong tình hình suy giảm kinh tế rất đặc biệt thế này”, ông Nhân nhận định.

Theo Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM Chu Tiến Dũng, trong đợt dịch COVID-19 lần 4, các DN ở hầu hết các ngành nghề, các lĩnh vực ở TPHCM đều rơi vào tình trạng tê liệt, phải đóng cửa, ngừng kinh doanh.

Nguyên Bí thư TPHCM: Tình huống chưa từng có thì giải pháp cũng chưa từng có ảnh 2

Doanh nghiệp phải hoạt động trong tình trạng "3 tại chỗ" trong hơn 100 ngày TPHCM thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch

Trong đợt dịch lần này chỉ có khoảng 20% năng lực sản xuất được duy trì hoạt động theo mô hình “3 tại chỗ”, "1 cung đường 2 điểm đến". Tuy nhiên việc duy trì ở mức chi phí cao, thua lỗ nặng, không thể kéo dài bền vững được… chuỗi cung ứng trong nước và nước ngoài bị đứt gãy nghiêm trọng.

Khó khăn của DN đã làm cho số lượng DN giải thể, đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh cao hơn nhiều so với số thành lập mới. Các DN giải thể, ngừng hoạt động hầu hết là DN nhỏ, siêu nhỏ, hoạt động trong các lĩnh vực vận tải, du lịch, hoặc không thuộc ngành thiết yếu theo quy định.

Theo Hiệp hội DN TPHCM, tính đến tháng 8/2021, TPHCM có 24.000 DN rời khỏi thị trường, chiếm 28,1% và tăng 6,6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên con số thực tế còn cao hơn nhiều vì một số lớn các DN chưa khai báo.

Về tình hình lao động, qua số liệu khảo sát, có tới gần 30% lao động bị mất việc làm. Trong đó, ngành da giày giảm rất sâu ở mức 62%; ngành dệt may giảm 42,6%; ngành dịch vụ lưu trú (khách sạn) giảm 37%; ngành dịch vụ ăn uống giảm 38%...

MỚI - NÓNG