Phát hoảng nhận 13,9 triệu tin nhắn rác mỗi ngày

Chị Nguyễn Thị H. rất bức xúc vì mỗi ngày phải nhận hàng chục tin nhắn rác. Ảnh: N.H
Chị Nguyễn Thị H. rất bức xúc vì mỗi ngày phải nhận hàng chục tin nhắn rác. Ảnh: N.H
TP - Theo nghiên cứu mới nhất của Công ty An ninh mạng Bkav Security, sáu tháng đầu năm 2015 tình hình phát tán tin nhắn rác ở Việt Nam tiếp tục gia tăng so với cùng kỳ 2014. Số lượng tin nhắn rác phát tán mỗi ngày lên tới 13,9 triệu tin, hơn 0,4 triệu tin so với năm 2014.

Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội cho rằng, nếu không quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của nhà mạng thì sẽ không thể ngăn chặn triệt để tin nhắn rác. Vì thế, Sở TT&TT Hà Nội đề xuất phải công khai khen, chê các nhà mạng trong việc chặn tin nhắn.

Thông tin trên đưa ra tại Hội nghị giao ban thực hiện chỉ thị số 82/CT-BTTTT của Bộ trưởng Bộ TT&TT về chặn tin nhắn rác do Sở TT&TT Hà Nội tổ chức hôm qua.

Một phút có thể kích hoạt hàng nghìn sim

Theo ông Nguyễn Tiến Sỹ, Trưởng phòng viễn thông, Sở TT&TT Hà Nội, thời gian qua, Sở đã tiến hành thanh tra với 30 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung, xử phạt vi phạm hành chính hơn 717 triệu đồng, thu hồi hai đầu số 19006668 và 19006804. Tuy nhiên, tin nhắn rác vẫn là vấn đề nhức nhối. 

Ông Dư Văn Chỉnh, Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội  cho biết, đây là vấn đề bức xúc của nhiều cấp “chúng tôi đi họp, lãnh đạo thành phố bảo các anh phải làm sao chặn tin nhắn rác đi chứ”. Bà Phan Lan Tú, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cho biết, tin nhắn rác được nhiều đại biểu chất vấn trong kỳ họp HĐND thành phố.

Các chuyên gia nhiều lần chỉ ra, mấu chốt của việc chặn tin nhắn rác nằm ở việc quản lý thuê bao trả trước do phần lớn tin nhắn rác hiện nay được phát tán từ sim rác.  

Tuy nhiên, theo Sở TT&TT Hà Nội, các nhà mạng chưa quyết liệt trong việc xử lý đối với các thuê bao di động trả trước  đăng ký thông tin không chính xác. Số lượng thuê bao di động trả trước đăng ký thông tin không chính xác bị ngừng hoạt động là rất ít.

Sở TT&TT Hà Nội cho biết thêm, dù các nhà mạng đều đã đầu tư, xây dựng, quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao di động trả trước. Tuy nhiên trên thực tế, độ tin cậy, chính xác của cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao trả trước còn rất thấp. 

Ông Nguyễn Văn Minh, Chánh thanh tra Sở TT&TT Hà Nội cho biết, hiện nay trên thị trường có phần mềm kích hoạt sim. Một phút có thể kích hoạt hàng nghìn sim, tốc độ bung sim rác ra thị trường là rất lớn.

Theo ông Sỹ, cần lấy doanh nghiệp viễn thông di động và quản lý thuê bao di động trả trước làm điểm đột phá để chặn tin nhắn rác. Nếu không quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của doanh nghiệp viễn thông di động thì sẽ không thể ngăn chặn triệt để tin nhắn rác bởi doanh nghiệp viễn thông mới là đơn vị trực tiếp chặn.

 “Việc chặn tin nhắn rác phải là một tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng cung cấp dịch vụ của các doanh nghiệp viễn thông di động. Phải có khen, chê với nhà mạng làm được, nhà mạng làm chưa được và công bố rộng rãi trước dư luận để tăng trách nhiệm của nhà mạng”, ông Sỹ nói.

Khách hàng phải được biết các dịch vụ đang dùng

Đại diện Phòng Văn hóa Thông tin quận Thanh Xuân đề nghị: “Ngày nào tôi cũng nhận được tin nhắn rác thông báo kết quả xổ số. Tôi mất hai lần đến điểm giao dịch của Viettel để giải quyết, mỗi lần mất đến 2 giờ đồng hồ. Có đại diện Viettel ở đây, tôi cũng muốn được làm rõ”.

Đại diện Viettel cho biết, thông báo kết quả xổ số hăng ngày là bản tin dịch vụ của một đầu số cung cấp dịch vụ nội dung. Theo quy định, người dùng phải đăng ký thì mới được cung cấp dịch vụ này. Người dùng muốn biết mình đang dùng những dịch vụ nào có thể nhắn tin về đầu số 1228.

Thời gian qua, có tình trạng nhiều thuê bao “bỗng dưng” sử dụng nhiều dịch vụ di dộng mà không hay biết, số tiền bị trừ đều đặn hăng tháng. Trước thực tế này, ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính đề xuất các nhà mạng hăng tháng phải nhắn tin đến các thuê bao, thông báo những dịch vụ mà họ đang sử dụng.

“Chúng tôi cũng có đầu số 456 để nhận phản ánh tin nhắn rác. Thuê bao nào nhận được tin nhắn rác cứ chuyển trực tiếp đến đầu số này, không mất phí để chúng tôi xử lý”, ông Lịch nói.

Sở TT&TT Hà Nội cho biết, thời gian tới sẽ mời chủ thuê bao của các số điện thoại liên hệ trong tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo đến làm việc. Sau đó sẽ đề nghị doanh nghiệp viễn thông ngừng cung cấp dịch vụ đối với các số điện thoại liên hệ trong tin nhắn rác. 

Sở cũng đề nghị nhà mạng khắc phục các sai phạm đối với các cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao của doanh nghiệp, ngừng hoạt động đối với các thuê bao không cung cấp đủ và đúng thông tin theo quy định. 

Tiến hành rà soát tổng số thuê bao mà các cá nhân, tổ chức đã đăng ký, kiểm tra xử lý vi phạm đối với các điểm đăng ký thông tin thuê bao sai phạm và chấm dứt hợp đồng với những điểm không thực hiện việc khắc phục các sai phạm.

Theo ông Nguyễn Khắc Lịch, việc ngăn chặn tin nhắn rác là vấn đề lớn, phức tạp, phải triển khai đồng bộ các giải pháp, từ vấn đề quản lý thuê bao trả trước đến việc khuyến mãi của nhà mạng. Bộ cũng đang dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định 77 về phòng chống tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo.

13,9 triệu tin nhắn rác mỗi ngày

Theo nghiên cứu mới nhất của Công ty An ninh mạng Bkav Security, sáu tháng đầu năm 2015 tình hình phát tán tin nhắn rác ở Việt Nam tiếp tục gia tăng so với cùng kỳ 2014. Số lượng tin nhắn rác phát tán mỗi ngày lên tới 13,9 triệu tin, hơn 0,4 triệu tin so với năm 2014.

MỚI - NÓNG