Gần, xa Bombay

Gần, xa Bombay
TP - Cái tên Bombay có từ thế kỷ XVI khi người Bồ Đào Nha đến khu vực này. Tôi lại đành tạm lấy lại thương hiệu “Lụa Bombay” nổi danh thế giới mà hầu hết người Việt mình đều biết để nhắc nhớ đến cái tên cũ Bombay này!

>> Những việc Calcutta làm hôm nay, ngày mai Ấn Độ sẽ làm

Gần, xa Bombay ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp gỡ các nhà doanh nghiệp Ấn Độ. Ảnh: TTXVN

Đến thành phố miền biển tây nam lớn hàng thứ hai nước Ấn sau hơn 2 giờ bay từ Calcutta  rồi mà tôi vẫn chưa tường lắm cái sự làm sao thành phố này còn có tên là Mumbai?

Tên Mumbai có từ bao giờ? Na ná như việc Calcutta thành Kolkata  để đoạn tuyệt với sự ám ảnh của chủ nghĩa thực dân một thuở một thời, Bombay trở thành Mumbai cũng chỉ mới năm 1995 đây thôi.

Cái tên Bombay có từ thế kỷ XVI khi người Bồ Đào Nha đến khu vực này. Tôi lại đành tạm lấy lại thương hiệu “Lụa Bombay” nổi danh thế giới mà hầu hết người Việt mình đều biết để nhắc nhớ đến cái tên cũ Bombay này!

Vậy là đã ngót  nửa thế kỷ từ ngày Bác Hồ ghé Bombay trong chuyến thăm Ấn Độ theo lời mời của Tổng thống Jawaharlal Nehru! Tha thẩn lẫn lạ lẫm ngó nhịp đời chật ních xe nghìn nghịt người của cái thành phố đông chật tới hơn chục triệu dân này, tôi lẩn thẩn tự hỏi nơi nao ở thành phố mà Bác đã dừng chân thuở ấy mới có mấy triệu dân?

Nhà quay phim, NSND Nguyễn Đăng Bẩy mới mất cách đây ít ngày, lần ấy trong đoàn báo chí tháp tùng Bác Hồ thăm Ấn Độ đã dựng một bộ phim để đời mà lâu lắm mới thấy mang ra trình chiếu trên truyền hình nhân dịp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Ấn Độ.

Nửa thế kỷ chỉ là cái chớp mắt nhẹ của lịch sử, ấy thế mà Bombay đã vô khối những đổi đời dâu bể. Ấy vậy mà người Bombay trong phim của Nguyễn Đăng Bảy dường như chả hư hao đi bao nhiêu?

Cũng vẫn là những thứ choàng lên đầu hao hao thứ khăn rìu, khăn đóng thời xửa xưa bên ta. Thứ khăn (gọi là Turban) mà Quốc phụ (từ của Tagor gọi Mahahatan Gandhi) khi hành nghề luật sư ở Nam Phi, lúc quan tòa ở thành phố Pretoria bắt ông phải tháo ra thì mới cho hành nghề, ông đã khước từ yêu cầu phân biệt chủng tộc vô lý ấy và bước ra khỏi toà. 

Cũng vẫn chăng đầy đường, đầy phố sắc phục thứ thì gọn ghẽ thứ thì lượt thượt của người Ấn? Nếu có đổi thay chi đó đáng kể chưa phải là sự đông chật lẫn phương tiện chủ yếu đi lại trên phố là loại xe bus hai tầng.

Hơn nửa tiếng đồng hồ có xe cảnh sát dẫn đường rồi mà vẫn chưa qua khu vực của sân bay quốc tế Bombay khổng lồ. Một nửa giao dịch thương mại của quốc gia Ấn Độ được thực hiện qua cảng bể khổng lồ Bombay.

34% GDP của Ấn Độ trông chờ vào hoạt động giao thương của Bombay này. Ngoài đường thủy, đường sắt đường không lẫn đường bộ nghe nói đều khởi nguồn từ Bombay này.

Sự thất vọng hiển hiện trên khuôn mặt màu cà phê sữa của anh tài taxi khi đám phóng viên người Việt từ chối lời chèo kéo những là đưa đến thăm Bảo tàng Hoàng tử xứ Wales của Tây Ấn nằm ngay ở đại lộ mang tên Mahatma Gandhi đây thôi, hoặc nhanh hơn thì vèo cái, tới coi Cổng chào Ấn Độ hoặc nhanh nữa thì đến Đài tưởng niệm chế độ thực dân…

Tiếc đứt ruột (bởi biết đâu, lần đầu tiên nhưng cũng là lần cuối?) nhưng cả bọn đành quày quả về mau để kịp chứng kiến sự kiện đầu tiên trong ngày Thủ tướng ta thăm Bombay. Đó là việc tiếp kiến và cùng ăn sáng với 14 tập đoàn doanh nhân lớn, không riêng chi của thành phố Bombay mà cả Ấn Độ nữa. 

Tiếp đó lại có việc Thủ tướng tiếp chủ tịch Tập đoàn LP Morgan đến chào. Chợt nhớ mùa thu năm ngoái, khởi đầu cho một chuyến thăm song phương với Nhật Bản, các tập đoàn doanh nghiệp hàng đầu xứ Phù Tang cũng có động thái quây quanh Thủ tướng Việt Nam như thế này.

Diễn đàn doanh nghiệp hai nước sáng ngày hôm qua có khá nhiều doanh nhân Ấn từng xây nên nhiều thương hiệu nổi tiếng xứ Ấn nhưng hội tụ ở Bombay này mới là nhiều “thứ dữ”. Họ là lực lượng chủ chốt để yểm trợ cho chính sách hướng Đông của Chính phủ Ấn Độ nhắm vào kinh tế ASEAN mà thị trường Việt Nam là trọng tâm?

Trên căn phòng to rộng của khách sạn Oberoi trông thẳng ra biển Ấn Độ dương lộng gió, 14 đại gia Ấn ngồi cùng ăn sáng với Thủ tướng Việt Nam: Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc các Tập đoàn ESSAR Group, Reliance Tele, TATA Iternational, GAIL, NIIT, TATA Motors, TATA Chemicals, TATA Teleservices, TATA (TCS, SATYAM, INFOSYS)…

Chủ tịch Tập đoàn RELIANCE, chuyên về lĩnh vực công nghệ thông tin, phát âm tiếng Anh giọng Mỹ, cao ráo phong độ thẳng thắn cùng Thủ tướng Việt Nam rằng, ông biết môi trường kinh doanh và sự đổi mới (từ “Đổi mới” được ông dùng bằng tiếng Việt) là qua đánh giá của tổ chức quốc tế, báo chí quốc tế và qua thực tiễn mà ông từng khảo sát ở Việt Nam.

Chủ tịch nhiệt thành mời Thủ tướng ta chiều nay bớt chút thời gian đến thăm Tập đoàn và thăm khu trung tâm công nghệ được mệnh danh là Thành phố tri thức của Ấn Độ…

Ông chủ Tập đoàn viễn thông - người giàu thứ tư ở Ấn Độ, và cũng là người được tạp chí Fobes xếp vào tốp 1.500 người giàu nhất hành tinh - sau bữa trưa ông đãi Thủ tướng Việt Nam và đoàn tại tư dinh, mặc dù trời mưa tầm tã nhưng vẫn tận tình đưa cả đoàn đi ngang dọc thành phố, thực chất là hàng chục ngôi nhà - những tổ hợp nghiên cứu thử nghiệm vô số những phần mềm tiện ích khác nhau trải dài mấy kilômét vuông để Tập đoàn làm giàu và phục vụ cho quốc kế dân sinh.

Ông chủ Tập đoàn, không giấu rằng nhiều năm qua ông đã bí mật cho người điều nghiên thị trường viễn thông tại Việt Nam. Ông cũng quá rành là hiện tại Việt Nam không chỉ có một chợ viễn thông như trước đây mà đã khá xôm tụ nhưng sắp tới ông vẫn quyết định đầu tư vào Việt Nam với  một phương thức độc đáo và chắc chắn hữu hiệu.

Dường như cuộc thăm gặp lẫn ăn sáng vừa rồi chỉ là cú hích là chất xúc tác cho cuộc Diễn đàn quy mô của doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Ấn Độ được tổ chức ngay sau đó. Thênh thang một phòng họp Regent lớn của khách sạn Hinton Tower mấy trăm chỗ ngồi không còn một ghế trống. Hàng trăm doanh nhân, đại diện nhiều Tập đoàn, Cty tại Bombay đã tham dự diễn đàn.

Mặt tiền khách sạn bên bờ Ấn Độ dương thênh thang nhưng luôn đông chật xe đỗ, bữa nay lại càng thêm đông chật. Bombay mấy bữa nay âm u, mưa lắc thắc rồi rả rích suốt thế mà doanh nhân Bombay vẫn tìm tới Hinton Tower.

Phát biểu của Thủ tướng tại diễn đàn doanh nhân ở Calcutta hôm qua không trùng lặp với hôm nay nhưng vẫn toát lên thông tin mang đậm cốt cách của một người chủ xướng lớn nhằm quảng bá cho môi trường, phương cách đầu tư làm ăn tại Việt Nam. 

Sau khi tiếp kiến một số doanh nhân và Tập đoàn kinh tế lớn Ấn Độ và dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ, Thủ tướng cùng Đoàn Việt Nam đã đến thăm Khu Công nghệ Thông tin Knowledge City của Tập Đoàn kinh tế Reliance, được mệnh danh là thành phố tri thức và dự cuộc chiêu đãi của Chủ tịch tập đoàn Reliance.

Hồi 15 giờ 50 ngày 5/7, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã rời Bombay bắt đầu chuyến thăm New Delhi. Tại New Delhi, Thủ đô Ấn Độ, chiều tối 5/7, Thủ tướng và đoàn đại biểu Việt Nam thăm Sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ. Trước đó, Thủ tướng và đoàn cũng tới thăm kỳ quan Qutub Minar (cột sắt Delhi được dựng từ 1.500 năm)

Ngày 6/7, Lễ đón chính thức Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ được tổ chức trọng thể tại Dinh Thủ tướng Thủ đô New Delhi.

Xuân Ba
Truyền từ Mumbai

MỚI - NÓNG