Dù quy hoạch đường sá nơi này được tiếng là thông thoáng, bài bản nhất trong hệ thống các đô thị lớn của cả nước. Dù rằng, theo thống kê, Đà Nẵng hiện mới có gần 3.600 ô tô và gần 600.000 xe máy.
Nhưng thành phố đã tính trước vấn nạn ùn tắc, khi dự báo cứ 5 năm số lượng các phương tiện này sẽ tăng gấp đôi.
Từ hai năm trước, Đà Nẵng cũng đã quy định các công trình xây dựng mới quy mô 3 tầng trở lên tại các trục đường khu vực trung tâm thành phố thuộc 3 quận trung tâm buộc phải có tầng hầm để xe. Ngay cả nhà dân cũng không loại trừ.
Một sự đối nghịch về cung cách quản lý đô thị, khi những ngày này người dân Thủ đô đang rối ruột vì đột ngột bị cắt mấy trăm điểm trông giữ xe mà không có sự chuẩn bị trước. Cũng chưa có cả phương án bố trí các điểm giữ xe mới thích hợp. Hàng triệu phương tiện thiết thân với việc đi lại làm ăn, học hành, sinh hoạt của người dân không biết “treo” ở đâu. Hậu quả là thi nhau tống vào các ngõ ngách, tuồn cả vào sân trường, cơ quan, bệnh viện, hoặc dở bài cùn đậu ngay chỗ cấm chấp nhận chịu phạt.
Nghịch lý, khi tại các đô thị lớn nhất nước vẫn ráo riết kêu gọi đầu tư các kiểu, rồi bao nhiêu đất vàng trung tâm thi nhau mọc lên các đô thị cao tầng, các trung tâm thương mại to vật vã, nhưng việc đầu tư xây các điểm trông giữ xe công cộng lại hầu như ít được đoái hoài. Hỏi đến, thì người có trách nhiệm trả lời gọn lỏn: Loại hình đầu tư này các doanh nghiệp ít mặn mà! Chưa kể một số bãi giữ xe ngầm đã khởi công đây đó, nhưng ì ạch kéo rê từ năm này qua năm nọ.
Các công trình hoành tráng thi nhau cắt băng khánh thành, riêng các bãi giữ xe thì ngổn ngang đắp chiếu. Việc chủ động buộc xây tầng hầm với nhà dân, tụ điểm kinh doanh cao tầng mặt phố khi cấp phép xây dựng cũng chưa được đề cập đến…
Mỗi người khi tham gia giao thông đều phải tập trung quan sát, tất nhiên là trong tầm mắt trước mũi xe. Nhưng điều hành một cỗ xe quản lý khổng lồ gắn liền với quyền lợi của hàng triệu dân, thì không chỉ nhìn trước mũi xe, mà phải nhìn xa hơn. Dù cái "xa hơn" ấy chẳng có gì là cao siêu. Còn với cung cách quản lý theo kiểu “đuổi gà qua đám giỗ” thế này, hết cấm, lại buông rồi lại cấm thì chẳng biết đến bao giờ dân mới hết khổ !