Ai quản xả lũ ?

Ai quản xả lũ ?
TP - Đợt lũ lụt bất thường vừa qua tại miền Trung khiến hàng chục người thiệt mạng, hàng ngàn ngôi nhà chìm trong biển nước, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

 > Xả lũ gây thiệt hại phải bồi thường

Bất thường ở chỗ, không mưa bão, sóng to gió lớn gì ghê gớm, ấy vậy mà nước từ đâu cứ ào ào đổ về nhanh như điện, dân không kịp trở tay.

Cụ Nguyễn Duy gần 80 tuổi (thôn Cẩm Toại Trung - xã Hòa Phong, Hòa Vang, Đà Nẵng), cả đời sống dưới hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn, nói với PV Tiền Phong : “Những năm gần đây, khi các nhà máy thủy điện (NMTĐ) hình thành, lũ tàn phá ghê gớm hơn. Tôi không biết cao trình thấp trình, điều tiết lũ là gì, nhưng cứ tích nước rồi xả kiểu này hạ du còn ngập dài”.

Lũ chồng lên lũ, nhân tai chồng lên thiên tai.

Trao đổi với báo chí bên lề QH sáng 10 - 11 về vấn đề Tiền Phong nêu “Bỏ lọt trách nhiệm thủy điện xả lũ” trong dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Bộ trưởng TN&MT Nguyễn Minh Quang thừa nhận thời gian qua chúng ta đã quá ưu tiên thủy điện. Ông Quang cũng cho rằng, đây là vấn đề liên quan tới nhiều bộ như TN&MT, Công Thương, NN & PTNT.

Ngược với miền Trung, miền Bắc lại đang có dấu hiệu khô cạn. Tại cuộc họp bàn về quy trình vận hành điều tiết nước mùa cạn ngày 11-11, TTXVN cho hay : Sự gia tăng tình trạng cạn kiệt có nguyên nhân từ các công trình thủy điện chỉ chú trọng lượng nước để phục vụ phát điện.

Quy trình vận hành các hồ thủy điện ở miền Bắc chưa thể hiện được nhiệm vụ điều tiết nước ổn định cho mùa cạn và tiêu thoát lũ cho mùa mưa bão. Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai cho rằng, cần rà soát lại quy hoạch các thủy điện, để không làm tăng thêm lũ vào mùa mưa, đảm bảo nguồn nước vào mùa kiệt.

Theo Báo Thanh Niên , trong hai đợt lũ vừa qua ở Thừa Thiên-Huế, cả thủy điện Bình Điền và Hương Điền đều xả thẳng lũ về hạ du với lưu lượng lớn hơn lưu lượng nước về hồ, chứ không “điều tiết” như đã hứa hẹn.

Như vậy đã rõ, thủy điện đang là tác nhân làm tồi tệ thêm thiên tai lũ lụt và hạn hán trên dải đất hình chữ S – trái ngược hoàn toàn với mục tiêu trị thủy cao đẹp vẽ ra trên giấy của hầu hết các dự án. Vấn đề ở chỗ, trong cả trăm hồ đập thủy điện lớn nhỏ trên hệ thống sông ngòi chằng chịt cả nước, không thấy bàn tay chỉ huy của một nhạc trưởng.

Ai sẽ là người cầm trịch, điều khiển và kiểm soát cả trăm “quả bom nước” đang sẵn sàng xả về xuôi mùa lũ ? Ai là người buộc những hồ nước mát lành kia phải hé van chảy về những cánh đồng đang héo khô mùa kiệt ? Ai là người điều tiết, cân đối giữa nhiệm vụ phát điện và trị thủy ?

Thủy điện vừa và nhỏ một thời đua nhau được cấp phép, đua nhau băm nát các dòng sông, nhưng lại chẳng có ai quản lý, điều tiết chung cả hệ thống. Một lần nữa, câu chuyện muôn thủa của quản lý và trách nhiệm lại nhức nhối vang lên ! V.H

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG