> Năm 2012, thực hiện giá viện phí mới
Ví dụ cụ thể, người ta đề xuất tăng giá khám bệnh từ 3.000 đồng/lần lên 30.000 đồng/lần. Nhưng trong thực tế, bảng giá ấy đã được các cơ sở y tế “linh động” từ lâu bằng cách “đưa” người bệnh từ diện bảo hiểm y tế sang dạng “tự nguyện”. Vì vậy, nên gọi việc tăng giá bằng cụm từ “công khai hóa dịch vụ y tế” có lẽ nghe hợp lý hơn.
Một trong những lý luận mà cơ quan chức năng đưa ra để bảo vệ ý định tăng giá viện phí là để có nguồn nâng cấp trang thiết bị y tế, hạn chế tình trạng bệnh viện xuống cấp, nhếch nhác. Nhưng trong thực tế, các bệnh viện đã linh động thu theo mức khác với quy định từ lâu mà bệnh viện vẫn nhếch nhác, quá tải thì việc “tăng viện phí” lần này có giải quyết được không?
Và khi các bệnh viện lớn quá tải, xuống cấp, lương y, bác sỹ vẫn thuộc hàng top (báo chí nói, có những bệnh viện tư đã ngỏ ý mời bác sỹ, y tá ở những bệnh viện hàng đầu qua làm với mức lương lần lượt là 50 triệu đồng và 20 triệu đồng mà không được, chứng tỏ lương y bác sỹ ở các bệnh viện trung ương rất khá), công chúng sẽ phải nghĩ thế nào về lý do tăng viện phí?
Đó là chưa đề cập đến một vấn đề lớn hơn: sức chịu đựng của người nghèo. Chắc chắn tăng giá dịch vụ y tế là cú đánh mạnh vào đời sống người nghèo. Họ vốn đã phải trông chờ vào bảo hiểm y tế để phần nào san bớt gánh nặng tiền bạc khi vô phúc phải vào viện, sẽ ra sao khi giá dịch vụ chữa bệnh tiếp tục tăng?
Tăng viện phí mà cơ cấu giá khám bệnh (tiền công khám của bác sĩ, chi phí vật tư tiêu hao cho việc khám bệnh...) chưa được công khai, cơ cấu giá viện phí mới không được tính đúng tính đủ, vẫn chỉ là “thu một phần viện phí” như lâu nay Bộ Y tế thường nói thì e rằng không thuyết phục.
Nhưng có lẽ việc lớn hơn, là đã đến lúc cần tách bạch hai phần cơ bản của hoạt động khám chữa bệnh: khám chữa bệnh công ích (bảo hiểm y tế) và khám chữa bệnh dịch vụ. Ở đâu có sự nhập nhằng, thiếu minh bạch, ở đó nhiều khả năng có tiêu cực, bất ổn.