Hiến kế & tiếp sức

Hiến kế & tiếp sức
TP - Ngày 20-8 diễn ra hai sự kiện rất đáng chú ý. Sự kiện thứ nhất là cuộc gặp gỡ của Thủ tướng chính phủ và các chuyên gia, nhà khoa học để lắng nghe ý kiến, đề xuất về điều hành kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

> GS Ngô Bảo Châu giao lưu với Thủ khoa Hà Nội

Cùng ngày, một cuộc giao lưu, trò chuyện giữa giáo sư Ngô Bảo Châu và 112 thủ khoa vừa tốt nghiệp các trường đại học, học viện ở Hà Nội.

Cuộc gặp của Thủ tướng diễn ra trong bối cảnh Chính phủ nhiệm kỳ mới vừa ra mắt, tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp theo xu hướng xấu đi. Dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2011 đạt 3,2%, thấp hơn năm 2010 và năm 2012 cũng chỉ phục hồi nhẹ.

Trong khi đó, kinh tế Việt Nam vẫn chưa đạt được sự ổn định. Lạm phát có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao, mà nguyên nhân chủ quan được các chuyên gia xem là chủ yếu. Việc cắt giảm đầu tư công chưa mạnh mẽ, chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra.

Lãi suất ở mức cao, gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Áp lực đối với tỷ giá có nguy cơ tăng cao vào cuối năm do dư nợ tín dụng ngoại tệ tăng, cùng với áp lực từ thâm hụt thương mại và lạm phát…

Tại buổi gặp gỡ, các chuyên gia, nhà kinh tế đã thẳng thắn góp ý với Chính phủ, trong nhiệm kỳ mới cần tái khẳng định mạnh mẽ thông điệp của Nghị quyết 11 là tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội.

Tiếp tục chính sách tiền tệ chặt chẽ, đồng thời có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp. Trong dài hạn, Việt Nam cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đặt mục tiêu phát triển ổn định lên hàng đầu. Điều này ngay lập tức nhận được sự đồng tình của Thủ tướng.

Ở sự kiện thứ hai, thực chất buổi giao lưu với giáo sư Ngô Bảo Châu là một hình thức vinh danh các thủ khoa, những người chủ tương lai của đất nước. Sự có mặt của giáo sư Ngô Bảo Châu tại cuộc giao lưu có lẽ càng thêm ý nghĩa, khơi gợi cho mỗi tân thủ khoa những ý niệm mới mẻ về những bước đi tiếp theo của cuộc đời, những nỗ lực cống hiến cho cộng đồng, Tổ quốc.

Hai sự kiện tuy khác nhau nhưng vẫn gặp nhau ở một điểm: sự tôn trọng tri thức, nâng niu tài năng, trân trọng những bậc thức giả. Việc Chính phủ đã lắng nghe tiếng nói của các nhà khoa học, dù tiếp thu ý kiến của họ tới đâu, thực hiện đến mức nào, thì đó vẫn là thái độ trân trọng giới học thuật.

Sự vinh danh các tân thủ khoa, dù có thể mới chỉ là hình thức, dù các thủ khoa ấy mới có được những thành công ban đầu trên con đường học tập, dù để vật chất hóa , hiện thực hóa những kiến thức nhà trường vào công việc sắp tới còn là một chặng đường dài, dù thế vẫn ấm lòng kỳ vọng.

Một xã hội biết tôn trọng và ứng xử đúng mực với tri thức, trí tuệ thì tài năng của con người mới có môi trường nảy nở, phát triển. Và chắc chắn xã hội ấy cần sự trân trọng tri thức, trân trọng giới học thuật một cách thực chất chứ không phải là những lời hô hào hình thức.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG