Giải cứu

Giải cứu
TP - 1 giờ sáng qua (1-3), chuyến chuyên cơ Boeing 777 của Vietnam Airlines đã cất cánh bay qua Ai Cập để đón những lao động Việt Nam di tản từ Libya về nước.

> Hơn 1.400 lao động đã về nước

Boeing 777 là loại máy bay thân rộng, lớn nhất và hiện đại nhất trong đội bay của hãng Hàng không Quốc gia. Mỗi chiếc Boeing 777 có thể chứa tới trên 300 người. Cũng trong ngày hôm qua, một chiếc Boeing 777 khác bay từ Nội Bài đi Cairo để tiếp tục đưa lao động nước ta về nước.

Vietnam Airlines đã bố trí cho những chuyến bay đặc biệt này những phi công dày dạn kinh nghiệm, những tiếp viên nam khỏe mạnh và giỏi việc, với mục tiêu di tản đồng bào càng nhanh càng tốt. Mỗi chuyến bay dự kiến tốn ít nhất 400.000-500.000 USD và trước mắt do Vietnam Airlines, hay nói đúng hơn, Nhà nước đài thọ.

Không ít người từng nói rằng trong những năm gần đây, xã hội ta có nhiều thứ được liệt vào loại "phú quý sinh lễ nghĩa": Tổ chức Noel, năm mới rầm rộ, phát sốt với dịp lễ Tình nhân Valentine, đền Trần khai ấn trong sự tranh cướp đáng xấu hổ, thậm chí, kể cả việc quá mất thời gian và công sức cứu chữa... cụ Rùa. Hay những dịp kỷ niệm, lễ hội rềnh rang khiến người dân xót lòng vì lo ngại tiền thuế đã bị chi xài phung phí…

Tuy vậy, cũng có những thứ “lễ nghĩa” mà ngày trước không thể có được. Một trong những thứ ấy chính là những phản ứng kịp thời của Chính phủ trước những biến động chính trị- xã hội ở Libya mấy ngày qua.

Nhiều người còn nhớ, trong năm 1991 và 2003, ở Iraq đã nổ ra hai cuộc chiến trong lúc có cả vạn người Việt đang nai lưng dưới trời nắng xứ người, đổ mồ hôi kiếm tiền mong có chút vốn liếng về sau. Tôi còn nhớ một người hàng xóm, đi Iraq lần thứ nhất đầu những năm 1990.

Anh kiếm được chút tiền, về mua được mảnh đất cất nhà. Rồi anh lại qua Iraq, hy vọng sau vài năm có thêm vốn kinh doanh. Nhưng chiến tranh Iraq năm 2003 đã dẹp tan mọi nỗ lực của anh. Trải qua nhiều ngày trời lê la bằng đường bộ, không người thân, không nơi trợ giúp, tiền bạc gần như cạn kiệt, anh may mắn vượt qua biên giới Iraq, tới được Ả rập Xê - út, để rồi từ đó bay về Việt Nam khi trên người chỉ còn một bộ quần áo. Những ký ức ấy được anh đúc kết lại bằng hai từ "kinh hãi".

Năm nay, tình trạng tương tự đã lặp lại ở Libya; tuy vậy, thời thế giờ đã khác. Khi bạo loạn xảy ra tại thủ đô Tripoli và nhiều thành phố của Libya, Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng vào cuộc để giải cứu 10.000 lao động Việt Nam đang kẹt lại nước này.

Bộ máy chính trị và cơ sở vật chất đã được huy động tổng lực: Bộ Lao động- Thương binh& Xã hội, Bộ Ngoại giao, các tổ chức ngoại giao, nhân dân vào cuộc giải cứu với sự phối hợp chỉ đạo của một bộ trưởng và hai thứ trưởng chuyên trách, bố trí chuyên cơ Boeing 777, chuẩn bị tình huống thuê máy bay quân sự, tàu biển… sẵn sàng đưa đồng bào về nước.

Trách nhiệm của giới chủ thầu, chủ sử dụng lao động tạm thời được gạt ra một bên với mục tiêu: Không để một người Việt nào bị đói, bị kẹt lại nơi xứ người đang trong cơn hỗn loạn.

Ai đã từng xem bộ phim "Giải cứu binh nhì Ryan" chắc đều có cảm nhận về tình người, tình đồng đội, trách nhiệm của cá nhân với tổ quốc và trách nhiệm của tổ quốc đối với mỗi công dân. Nhưng đó có thể chỉ là trên phim ảnh.

Hôm nay, chúng ta đã thấy cuộc giải cứu ấy đang diễn ra trong thực tế, dù với hoàn cảnh khác. Đành rằng, đất nước chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn, khiếm khuyết, giá vàng nhảy múa, tiền tệ căng thẳng, lạm phát gia tăng, nạn tham nhũng chưa thuyên giảm...

Nhưng nếu đời sống người dân còn được thực tâm chăm lo, sự an nguy của người dân được quan tâm thấu đáo, và luôn có những phản ứng kịp thời khi hữu sự thì chắc chắn những nhà lãnh đạo đất nước sẽ “ghi điểm” cao trong con mắt của quốc dân.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Bất ngờ về người vừa ngồi ghế Chủ tịch VNG
Bất ngờ về người vừa ngồi ghế Chủ tịch VNG
TPO - Đầu năm 2023, ông Lê Hồng Minh đã rời chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị VNG, người thay thế là ông Võ Sỹ Nhân. Đến nay, ông Nhân từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân và ông Minh quay lại ghế chủ tịch. Hiện vị trí tổng giám đốc của công ty này đang bỏ trống.