Bão Washi làm ướt quặng?
Trước hết chúng ta có các thông tin sau: Lúc 7h ngày 25-12-2011, tàu Vinalines Queen (VQ) hành trình theo hướng 240 độ. Đến tọa độ 20-00N; 123-47.1E, phía đông bắc đảo Luzon-Philippines, tàu thông báo bị nghiêng 18 độ. Sau khi bị nghiêng, tàu có ý định quay về hướng tây nam, tức vùng đông bắc của đảo Luzon để tránh gió đông bắc cấp 8-9. Ngay sau đó tàu bị mất liên lạc.
Tàu VQ có trọng tải 56.040 tấn, dài 190 m, rộng 32 m, mớn nước 12,1 m, tốc độ trung bình 13,5 hải lý/h. Hàng hóa vận chuyển gồm 54.400 tấn quặng nikel rời. Quặng nikel có hệ số xếp khoảng 0,538 m3/tấn, nên hàng hóa nằm phần đáy tàu. Cũng theo thông tin ban đầu, tàu VQ đến Morowali, Indonesia, vào lúc 17h ngày 11-12-2011.
Với các thông tin trên, có thể hình dung một kịch bản đã xảy ra đối với VQ như sau:
Từ cảng xếp hàng Morowali đến vị trí tàu bị nghiêng phía đông bắc đảo Luzon có cự ly khoảng 1.500 hải lý. Với tốc độ 13,5 hải lý/h, tàu đã rời cảng Morowali 4,63 ngày, có nghĩa là vào chiều hoặc tối 20-12-2011.
Ngày 17-12-2011, bão Washi đổ bộ cảng Cagayan Deo Ro thuộc thành phố cùng tên của Philippines, làm hơn 1.400 người chết và mất tích. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư, sau khi rời quốc đảo này, bão Washi di chuyển theo hướng tây và tây nam và suy yếu dần, gây mưa trên vùng bán kính hàng trăm km. Từ nơi bão đổ bộ vào Philipiines đến cảng xếp hàng Morowali cách nhau 1.400 km đường chim bay. Như vậy có khả năng mưa làm ướt hàng vào những ngày 17,18,19 và 20 - 12-2011.
Tôi tin rằng sự chuẩn bị hàng hóa để xếp là nghiêm túc. Vì trong thương mại quốc tế các điều khoản rất rõ ràng.Nhưng bão Washi có thể làm ảnh hưởng đến độ ẩm của lô hàng vào những ngày cuối cùng khi tàu xếp hàng.
Sự ảnh hưởng độ ẩm có thể xảy ra ở một trong hai trường hợp hoặc cả hai. Thứ nhất, hàng bị ẩm trước khi xếp xuống tàu do bão Washi.
Thứ hai, hàng có thể bị ẩm do mưa đột xuất, hầm hàng đóng không kịp. Khi hầm hàng đóng chậm gây ướt hàng trong hầm thì chủ tàu sẽ chịu trách nhiệm.
Để biết chính xác các sự việc hàng bị ướt trước khi xếp hay bị ướt do đóng hầm chậm, cần hồi cứu các tài liệu ghi chép của đại lý tại cảng xếp hàng.
Về Luzon tránh gió - Rủi ro cao
Chưa có nguồn tin chính thức xác nhận tàu nghiêng bên phải hay trái. Xét về logic, tàu đang chạy hướng 240 độ và gặp gió đông bắc và bị nghiêng. Như vậy, tàu chỉ có thể bị nghiêng về bên trái. Sau khi nghiêng trái, tàu lại có ý định quay về phía tây nam so với vị trí của tàu lúc bị nghiêng để tránh gió mùa. Đây chính là vấn đề cần phải bàn.
Sáng 25-12-2011, thời tiết lạnh. Tại Hà Nội tối 24-12-2011, nhiệt độ ngoài trời 140C. Như vậy nhiệt độ vùng biển khi tàu VQ bị nghiêng cũng khoảng từng ấy nếu không muốn nói còn lạnh hơn do có gió mạnh. Xét về tâm lý, thuyền viên có thể ngại ra ngoài cabin. Tuy nhiên, vẫn có thể có những ai đó cảnh giác và mặc áo phao khi tàu bị nghiêng.
Không rõ ai là người đề xuất đưa tàu về Luzon tránh gió. Chính cú quay tàu về trái khi tàu đang bị nghiêng trái 18 độ và lại bị gió đông bắc ép mạnh vào mạn phải có thể đã làm lật nhanh tàu.
Chúng ta biết, khi tàu đang hành trình, mọi thiết bị đều được buộc chắc chắn và chống lại mọi sự rời ra dù bị lắc mạnh. Khả năng lật nhanh có thể khiến thuyền viên không kịp phản ứng như ra khỏi ca bin để phát tín hiệu cấp cứu.
Có người cho rằng, trong trạng thái trên, nên bình tĩnh cho tàu chạy về hướng đông-đông bắc (hướng 75 độ) để gió đông bắc thổi vào mạn trái và dùng nước dằn tàu (ballast) để cân bằng lại tàu, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng xuồng cứu sinh. Với tàu lớn như VQ, lượng nước ballast chắc đủ để cân bằng tàu. Đợi cho đến khi giảm gió đông bắc thì mới nên quay lại hướng 240 độ.
KS Doãn Mạnh Dũng
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội KHKT&Kinh tế Biển TP HCM