> Từ 1-3: Giá điện tăng bình quân 15,28%
Tuy nhiên, để hạn chế những tác động từ việc tăng giá điện đến người nghèo, gia đình chính sách, đối tượng này sẽ được hưởng mức hỗ trợ dự kiến có thể ở mức 40% trong 50 kWh điện tiêu thụ đầu tiên.
Dự báo năm 2011 tình trạng cắt điện không giảm dù giá điện tăng. Ảnh: Xuân Phú. |
Trao đổi với Tiền Phong xung quanh việc tăng giá điện từ 1-3 tới, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hội Năng lượng Việt Nam, cho rằng mức tăng trên là thấp hơn so với đề xuất của EVN, xin tăng 40%. Bản thân Hiệp hội Năng lượng đề nghị tăng lên mức gần 7 cent/kWh (tương đương tăng 400 đồng lên 1.485 đồng/kWh tính theo tỷ giá 1 USD = 20.693 đồng).
Nếu được tăng theo mức đề nghị của Hiệp hội sẽ giúp ngành điện có vốn đầu tư, và quan trọng nhất là hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào ngành điện. Cùng với đó là người dân, doanh nghiệp có ý thức tiết kiệm điện. Giá điện hiện nay quá thấp, khoảng 5 cent/kWh tính theo tỷ giá mới, không tạo được ý thức tiết kiệm trong người dân và doanh nghiệp.
Theo ông Ngãi, với mức tăng trên, không cải thiện tình hình cấp điện trong năm nay. Việc cấp điện sẽ được cải thiện chừng nào giá điện của ta được nâng lên mức 7 cent/kWh. Ngân hàng Thế giới còn đề nghị phải nâng lên 8 cent. Hiện giá điện trong giá thành sản xuất của các doanh nghiệp chỉ ở mức 5% - 10% nên có nâng lên cao hơn cũng không bị ảnh hưởng nhiều.
Ông Trần Viết Ngãi, cho biết: Nếu so với các nước, hiện giá điện Việt Nam gần như thấp nhất. Giá điện ở Campuchia hiện là 18 cent/kWh (khoảng 3.724 đồng/kWh tính theo tỷ giá 1 USD = 20.693 đồng), Nhật Bản là 14 cent/kWh (2.897 đồng/kWh), Malaysia, Indonesia, Singapore và cả Trung Quốc cũng đã trên 10 cent/ kWh (trên 2000 đồng/kWh). |
Cái quan trọng là các doanh nghiệp thấy tiền điện ở mức như vậy thì phải giảm tổn thất điện năng, giảm tiêu hao điện để giảm lỗ. Hiện có tình trạng một số doanh nghiệp có mức lợi nhuận rất cao như thép, xi măng… là nhờ giá điện ở ta quá rẻ.
Ông Ngãi cho rằng, mức tăng giá điện 165 đồng (tương đương 15,28%) không giải quyết được hết các vấn đề của ngành điện. Mức tăng này chỉ giúp EVN tăng thêm hơn 10 nghìn tỷ đồng lợi nhuận nhưng nếu so với lượng vốn cần tới 40.000 tỷ đồng xây một nhà máy nhiệt điện chạy than công suất 1.200 MW thì không thấm vào đâu. Điều đáng nói, mùa khô thiếu điện là EVN phải chạy dầu mà chạy dầu, lỗ cực lớn. Cứ một ngày chạy dầu và mua điện từ nước ngoài như vậy lỗ cả trăm tỷ đồng. Tính cả mùa khô mấy tháng thì lỗ biết bao nhiêu nghìn tỷ.
“Tôi khẳng định, mất điện, thiếu điện còn nguy hiểm hơn là tăng giá điện rất nhiều. Đến nay chưa ai tính được nếu mất điện trong một tháng hoặc cắt điện ở mức 3 tỷ kWh trong mùa khô như dự kiến trong năm nay thì tác động tới sản xuất, tới nền kinh tế ra sao”- Ông Ngãi nói.
Người nghèo sẽ được trợ giá 40%
Về việc hỗ trợ cho người nghèo khi tăng giá điện, một thành viên Tổ điều hành xây dựng giá điện, cho biết: Quan điểm khi tăng giá điện là với các hộ nghèo, Nhà nước vẫn có chính sách hỗ trợ đối với 50kWh tiêu thụ đầu tiên của điện sinh hoạt. Dự kiến, phương án hỗ trợ sẽ là các hộ dân vẫn trả tiền điện theo mức kWh sử dụng, nhưng được hoàn trả lại từ quỹ chính sách xã hội.
Theo một đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), biểu giá điện cụ thể cho từng đối tượng sử dụng đang được tính toán và dự kiến sẽ hoàn tất trong tuần này. Việc hỗ trợ dự kiến sẽ theo nguyên tắc các hộ nghèo được trợ giá 40% trong 50kWh điện bậc thang đầu tiên. Cũng theo tính toán của EVN, mức tăng giá này chưa đủ bù đắp hết các chi phí, lợi nhuận dự kiến của ngành điện vẫn bằng 0.
Còn theo ông Ngãi, để hỗ trợ người nghèo khỏi những tác động của việc tăng giá điện, Hiệp hội đã đề nghị 2 phương án. Theo đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ giá trong 50 kWh điện đầu tiên với mức giá bán hợp lý, thấp hơn giá thị trường cho các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, cán bộ hưu trí, cán bộ công nhân viên hưởng lương không có thu nhập khác và học sinh, sinh viên.
Còn với các hộ sử dụng điện có mức sống trung bình trở lên và doanh nghiệp sản xuất thì áp dụng giá bán điện theo thị trường với mức giá 7-8 cent/kWh.
Nếu tính đủ giá điện phải tăng 62% Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính), cho hay, đề xuất mức tăng giá điện 165 đồng/Kwh là đã có cân nhắc toàn diện đến tác động đối với sản xuất kinh doanh, đến tiêu dùng, mặt bằng giá chung và tính ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu tính đủ các yếu tố đầu vào thì giá điện phải tăng khoảng 62%, nhưng mức tăng lần này 165 đồng/Kwh chỉ tính một số chi phí mới phát sinh, không để ngành điện lỗ thêm, không tính lợi nhuận phải lùi và phải phân bổ dần một số chi phí đã và sẽ phát sinh cho một vài năm sau để giá điện không tăng quá cao. |