> Phản đối tàu quân sự Trung Quốc uy hiếp tàu cá Việt Nam
Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam . |
Philippines sẽ phản đối ở cấp Liên Hợp Quốc
Trao đổi với báo chí trong chuyến thăm Brunei ngày 2-6, Tổng thống Philippines, ông Benigno Aquino III, cho biết nước ông đang chuẩn bị văn kiện về 6 hoặc 7 trường hợp Trung Quốc xâm nhập hoặc có hành động khiêu khích ở vùng biển phía tây thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines để gửi lên Liên Hợp Quốc.
“Chúng tôi đang hoàn thiện dữ liệu. Chúng tôi sẽ gửi văn kiện này tới Trung Quốc và sau đó gửi lên một cơ quan thích hợp, gần như chắc chắn là Liên Hợp Quốc”, hãng tin AP của Mỹ dẫn lời ông Aquino.
Tổng thống Philippines cho rằng, giải pháp tốt nhất để khẳng định chủ quyền biển đảo là thông qua ngoại giao. Tuy nhiên, ông Aquino III cũng cảnh báo rằng, không có nỗ lực ngoại giao nào có thể ngăn cản Trung Quốc xâm phạm vùng biển tranh chấp.
Ngoài việc phản đối tàu quân sự Trung Quốc xâm phạm hải phận Philippines hồi tháng trước, Philippines cũng gửi công hàm phản đối việc hai tàu tuần tra của hải quân Trung Quốc ngày 2-3 quấy rối tàu khảo sát MV Veritas Voyager của Philippines đang hoạt động trong hải phận nước này.
Báo Philippine Star hôm 2-6 trích thông báo của Bộ Ngoại giao Philippines cho biết, cơ quan này triệu tập đại diện ngoại giao Trung Quốc tại Philippines hôm 31-5 để phản đối sự việc các tàu hải quân Trung Quốc dựng cột trên biển phía tây của Philippines.
Bộ Ngoại giao Philippines yêu cầu ông Bai Tian giải thích việc một tàu hải giám và tàu hải quân Trung Quốc tiến vào khu vực biển phía tây của Philippines. Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Philippines, những tàu này đã dỡ nhiều vật liệu xây dựng, dựng một số lượng cột không xác định và thả một chiếc phao ở vùng biển đó.
Bộ trưởng Ngoại giao Philippines, ông Albert del Rosario, nói rằng “bất kỳ công trình xây dựng nào của Trung Quốc trên vùng phụ cận chưa có người sinh sống thuộc Iroquois Bank là vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông-DOC” được ký giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc năm 2002. Gần đây, Philippines cũng gửi công hàm phản đối việc 2 tàu tuần tra của Trung Quốc ngày 2-3 quấy rối một tàu khảo sát của Philippines đang hoạt động trong hải phận nước này.
Cuộc triệu tập ngày 31-5 diễn ra sau cuộc họp hôm 27-5 khi Bộ Ngoại giao Philippines bày tỏ quan ngại với Trung Quốc khi truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết nước này có kế hoạch lắp đặt giàn khoan dầu công nghệ tiên tiến nhất trên biển Đông vào tháng 7.
Trong cuộc họp, phía Philippines yêu cầu Trung Quốc chỉ rõ vị trí lắp đặt giàn khoan dầu quy mô lớn và nhấn mạnh Trung Quốc không được xâm phạm lãnh thổ hoặc lãnh hải của Philippines. Trong cả hai cuộc gặp, Philippines và Trung Quốc nhắc lại cam kết của mỗi nước nhằm duy trì ổn định và hòa bình trên khu vực tranh chấp, cũng như cùng nhau duy trì quan hệ song phương tốt đẹp.
Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt cách đây 2 tuần, Tổng thống Philippines cảnh báo một cuộc chạy đua vũ trang có thể xảy ra nếu Trung Quốc tiếp tục chọc tức Philippines bằng can thiệp quân sự trên các hòn đảo.
Gần 2 năm sau khi Trung Quốc chính thức công bố bản đồ “đường lưỡi bò” 9 đoạn làm cơ sở cho yêu sách chủ quyền đối với gần như toàn bộ vùng Biển Đông, Philippines bác bỏ giá trị của bản đồ này trong văn kiện gửi Liên Hợp Quốc đề ngày 5-4.
Theo báo Japan Times của Nhật Bản, một giàn khoan dầu khí mà Trung Quốc sắp lắp đặt có thể là hành động khẳng định tham vọng của Bắc Kinh muốn kiểm soát hầu hết quần đảo, vùng biển và đáy biển ở Đông Nam Á, biến biển Đông thành “ao nhà” của Trung Quốc. Được thiết kế để chịu đựng bão lớn, giàn khoan dầu quy mô lớn này thuộc về công ty dầu khí thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc mang tên CNOOC.
Hãng dầu khí lớn nhất Trung Quốc này cho biết sẽ bắt đầu khoan dầu từ tháng 7. Theo báo Global Times của Trung Quốc, giàn khoan sẽ “giúp Trung Quốc khẳng định sự có mặt quan trọng hơn trên khu vực biển phía nam rộng lớn chưa được khai thác”.
Theo Tân Hoa Xã, CNOOC có kế hoạch đầu tư hơn 922 triệu USD để khoan các giếng dầu khí mới nhằm tăng sản lượng dầu khai thác từ các khu vực nước sâu lên gần 500 triệu tấn vào năm 2020. Lượng đầu tư này được cho là sẽ được đổ vào khu vực biển Hoa Đông, biển Hoàng Hải và biển Đông.
Bản đồ “Đường lưỡi bò” mà Trung Quốc tự vẽ để đòi giành chủ quyền trên 80% vùng biển Đông. Nguồn: Tuổi Trẻ. |
Đối trọng cân bằng sức mạnh
Theo Đài Tiếng nói nước Nga, sự ngang ngược của Trung Quốc đang khiến các bên liên quan ở biển Đông hết sức lo ngại. Vì thế, chính sách mà các quốc gia ASEAN theo đuổi sẽ là tìm đối trọng cân bằng sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc khi nước này công bố vùng lợi ích của họ bao trùm gần như toàn bộ lãnh thổ vùng biển Đông, cũng như sự tấn công, uy hiếp của các tàu hải quân và hải giám Trung Quốc.
Năm ngoái, tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Hà Nội, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói nước Mỹ có “lợi ích quốc gia đối với tự do hàng hải và sự tôn trọng luật pháp quốc tế tại khu vực biển Đông”.
Theo báo The Nation của Thái Lan, nếu không được giải quyết thỏa đáng, những tranh chấp hiện nay sẽ tác động đến sự ganh đua Mỹ-Trung trong khu vực. Chính phủ Philippines tin rằng, bất kỳ vụ tấn công nào đối với tàu của nước này trong khu vực thuộc sự quản lý của họ cũng giống như tấn công trực tiếp vào Mỹ, như được nêu trong Hiệp ước Quốc phòng đã ký giữa Philippines với Mỹ.
Thông tấn xã Bernama của Malaysia hôm 31-5 nói rằng, hải quân Mỹ có kế hoạch tham dự cuộc đối thoại không chính thức của các nước nhằm tìm kiếm chủ quyền trên biển Đông để giải thích lý do sự hiện diện của Mỹ tại khu vực này.
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi nói rằng, sáng kiến này rất quan trọng vì Mỹ muốn nhấn mạnh sự hiện diện của họ nhằm duy trì ổn định trong khu vực được coi là giàu tài nguyên dầu khí này. “Họ cũng muốn bảo đảm rằng, tài nguyên thiên nhiên được chia sẻ và phục vụ nhu cầu phát triển của các nước”, ông Hamidi nói sau khi đón tiếp Đô đốc hải quân Mỹ Robert Williard hôm 31-5.
Theo báo The Nation của Thái Lan, tranh chấp ở biển Đông đe dọa quan hệ ASEAN - Trung Quốc sau 15 năm thực hiện chính sách ngoại giao thận trọng. Quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc sẽ tiếp tục được thử thách mạnh. Nếu không có bộ quy tắc mang tính ràng buộc thì khó dự đoán khu vực biển Đông sẽ có hòa bình và ổn định lâu dài hay không.
* Hoàng Sa là một quần đảo san hô nằm trong khoảng vĩ độ 15o45’ đến 17o15’ Bắc, kinh độ 111o đến 113o Đông, án ngữ ngang cửa vào Vịnh Bắc Bộ, cách đảo Lý Sơn (Cù Lao Ré) thuộc tỉnh Quảng Ngãi khoảng 120 hải lý. Quần đảo gồm trên 30 hòn đảo, bãi đá, cồn san hô và bãi cạn nằm trên một vùng biển rộng từ tây sang đông khoảng 100 hải lý, từ bắc xuống nam khoảng 85 hải lý, chiếm diện tích biển khoảng 15.000-16.000 km2. * Quần đảo Trường Sa ở về phía đông nam nước ta trong khoảng vĩ độ 6o50’ đến 12o bắc; kinh độ 111o 30’ đến 117o20’ đông, gồm hơn một trăm hòn đảo, đá, cồn san hô và bãi san hô, nằm rải trên một vùng biển rộng từ tây sang đông gần 350 hải lý, từ bắc xuống nam hơn 360 hải lý, chiếm diện tích biển từ 160.000 đến 180.000 km2. Đảo gần đất liền nhất là đảo Trường Sa, cách vịnh Cam Ranh (tỉnh Khánh Hoà) khoảng 250 hải lý. Các đảo của quần đảo Trường Sa thấp hơn các đảo của quần đảo Hoàng Sa. Độ cao trung bình trên mặt nước từ 3 đến 5m. Việt Nam là nhà nước đầu tiên xác lập chủ quyền và là quốc gia duy nhất quản lý liên tục, hòa bình, phù hợp các quy định của luật pháp quốc tế đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. |
Thái An tổng hợp