Xét xử “bầu” Kiên: Ngân hàng ACB được gia hạn kinh doanh vàng

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên tại tòa sáng 22/5. Ảnh: Bảo Thắng
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên tại tòa sáng 22/5. Ảnh: Bảo Thắng
TPO - Sáng 22/5, HĐXX tập trung thẩm vấn các nội dung liên quan kinh doanh vàng tại Công ty Cổ phần Phát triển Sản xuất và Xuất nhập khẩu Thiên Nam (Nguyễn Đức Kiên làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, đại diện theo pháp luật). Bị cáo buộc đã có hành vi kinh doanh trái phép, tuy nhiên, với câu trả lời của vị đại diện Ngân hàng Nhà nước, câu chuyện lại rẽ sang hướng khác…

Không được phép nhưng vẫn kinh doanh?

Theo truy tố của Viện KSND Tối cao, Công ty Cổ phần Phát triển Sản xuất và Xuất nhập khẩu Thiên Nam (Công ty Thiên Nam), có ngành nghề kinh doanh sản xuất hàng may mặc, thêu ren, kinh doanh xuất nhập khẩu các sản phẩm ngành công nghiệp nhẹ, thủ công mỹ nghệ, kinh doanh bất động sản (trừ đất đai), với vốn điều lệ 11 tỷ đồng.

Ngày 30/11/2009, Tổng Giám đốc Công ty Thiên Nam - ông Lê Quang Trung - đã ký văn bản thỏa thuận với Ngân hàng Vietbank về việc Công ty Thiên Nam nhận chuyển giao, kế thừa và tiếp tục thực hiện hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính giữa Vietbank và Ngân hàng ACB.

Theo đó, Công ty Thiên Nam tiếp nhận toàn bộ trạng thái kinh doanh giá vàng ngoài lãnh thổ Việt Nam (còn được gọi là kinh doanh vàng trạng thái, kinh doanh giá vàng hoặc kinh doanh vàng ghi sổ, vàng tài khoản), với khối lượng trạng thái bán tương đương hơn 2.900 tỷ đồng, và khối lượng trạng thái mua tương đương hơn 141 tỷ đồng.

Thực hiện thỏa thuận trên, Công ty Thiên Nam liên tục đặt lệnh bán vàng để tất toán trạng thái mua. Đơn cử tháng 12/2009, Hội đồng quản trị Công ty Thiên Nam ủy quyền cho Nguyễn Đức Kiên thực hiện giao dịch trạng thái vàng của công ty, thông qua hệ thống điện thoại ghi âm tại Ngân hàng ACB. Đặc biệt, trong hai ngày 27 và 28/4/2010, “bầu” Kiên đặt 6 lệnh mua trạng thái vàng, trị giá hơn 52 triệu USD.

Viện KSND Tối cao kết luận, từ tháng 11/2009 đến tháng 7/2010, Công ty Thiên Nam tiếp nhận và thực hiện việc mua, bán trạng thái vàng trên tài khoản ở nước ngoài, tổng số tiền hơn 9.700 tỷ đồng.

Như vậy, theo cáo buộc, mặc dù Công ty Thiên Nam không được phép kinh doanh vàng vật chất và vàng trạng thái, nhưng ông Kiên đã chỉ đạo Công ty Thiên Nam ký hợp đồng với Ngân hàng ACB để kinh doanh vàng trạng thái trên tài khoản nước ngoài và trong nước, với số tiền hơn 11.700 tỷ đồng.

Cũng theo cơ quan truy tố, thông qua 6 công ty, Nguyễn Đức Kiên đã kinh doanh tài chính và kinh doanh vàng trạng thái trái phép, số tiền hơn 21.000 tỷ đồng.

Đã được cấp có thẩm quyền cho phép?

Để làm rõ hơn việc Ngân hàng ACB có được phép kinh doanh vàng hay không, HĐXX cho gọi vị đại diện của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, hồi đầu năm 2010, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01 yêu cầu các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đang kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài phải chấm dứt mọi hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài trước ngày 31/03/2010.

Quyết định này buộc các ngân hàng tất toán trạng thái vàng, bao gồm trạng thái vàng cho phòng ngừa rủi ro giá vàng từ chuyển đổi vàng huy động lẫn trạng thái cho các nhu cầu vàng trên tài khoản sàn vàng trong nước. Và đây là tiền đề cho hàng loạt các quyết định tiếp theo, yêu cầu các ngân hàng chấm dứt toàn bộ hoạt động huy động và cho vay vàng.

Với mốc thời gian này, vị chủ tọa ‘xoáy” vào phiên giao dịch trong hai ngày 27, 28/4/2010, “bầu” Kiên đã đặt 6 lệnh mua trạng thái vàng, với số tiền hơn 52 triệu USD.

Nghe đến đây, bị cáo Kiên xin giải thích nhiều lần, nhưng bị chủ tọa ngắt lời. Mặc dù vậy, bị cáo này vẫn cố khẳng định: “Chính tôi là người ký văn bản trình Thủ tướng xin gia hạn”.

Có một tình huống khá thú vị đã xảy ra, khi ngay trong phần thẩm vấn đại diện Ngân hàng Nhà nước, trả lời câu hỏi: “Khi đã có văn bản cấm từ năm 2010, Ngân hàng Nhà nước có văn bản nào khác liên quan nội dung này không?”, vị này lại khẳng định, sau đó Ngân hàng Nhà nước có ban hành văn bản (khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng) để gia hạn thêm trường hợp của Ngân hàng ACB

“Gia hạn đến thời gian nào? Chỉ riêng ACB hay còn các ngân hàng khác?” – chủ tọa đặt câu hỏi với đại diện Ngân hàng Nhà nước. “Dạ, văn bản này gia hạn đến tháng 7/2010. Đây là quy định chung cho các ngân hàng”.

MỚI - NÓNG