> Bộ GD&ĐT sẽ kiến nghị giải thể trường yếu kém
> Vẫn còn nhiều băn khoăn
Ảnh minh họa: Hồng Vĩnh. |
Đây là những thông tin được đưa ra tại hội nghị trực tuyến sơ kết 1,5 năm thực hiện Chỉ thị số 296/CT-TTG của Thủ tướng và tổng kết năm học 2010-2011 khối các trường đại học, cao đẳng, diễn ra ngày 29 - 10 tại Hà Nội.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, năm 2006, cả nước có 18 trường được thành lập (trong đó sáu trường mới thành lập), năm 2007 có 11 trường thành lập (10 trường mới); năm 2008 có 10 trường thành lập (tám trường mới); năm 2009 chín trường thành lập (năm trường mới); năm 2010 là 12 trường thành lập (bốn trường mới) và 2011 có 14 trường thành lập (một trường mới).
Như vậy, trong hai năm 2006-2007, trung bình mỗi năm có 20 trường được thành lập, còn từ năm 2008 đến nay, trung bình 11 trường/năm.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, số trường mới thành lập lên tới hàng chục trường mỗi năm nhưng chất lượng còn kém: “Qua thanh tra một số trường cho thấy, có những trường mở 10 ngành nhưng chỉ có 50 giảng viên cơ hữu, mỗi ngành chỉ có một hay ba giảng viên, chưa bằng trường THPT, trung cấp chuyên nghiệp tốt; diện tích sử dụng trên một sinh viên chỉ có 0,9 m2, cơ sở vật chất hoàn toàn thuê mướn”- Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Luận cho rằng, điều này giải thích vì sao một số trường không thu hút được thí sinh: “Thí sinh và phụ huynh có quyền lựa chọn trường học và chắc chắn họ sẽ không chọn những trường chất lượng kém. Năm tới, Bộ sẽ xem xét chỉ tiêu giao cho các trường dựa trên số giảng viên cơ hữu và diện tích phòng học, phòng thí nghiệm để lấy chất lượng làm trọng”.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng khẳng định: “Chính phủ chủ trương không chạy theo số lượng mà nâng cao chất lượng. Đó là yêu cầu bức thiết nhất hiện nay đối với giáo dục đại học”.
Chỉ tiêu hệ tại chức giảm
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định, sẽ điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh của các trường trên cơ sở số lượng giảng viên và điều kiện cơ sở vật chất: “Thời gian qua, việc giao chỉ tiêu của Bộ chưa chính xác, có những trường được tăng chỉ tiêu đột biến. Sẽ phải điều chỉnh lại đối với những trường hợp này”.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, những năm qua, xã hội nói nhiều về chất lượng hệ vừa học vừa làm (hệ tại chức làm), trong khi chỉ tiêu hàng năm rất lớn, chiếm 50% trong số sinh viên hiện nay. Trong hai năm 2010 và 2011, giảm dần chỉ còn 80% và 60% (chỉ tiêu hệ tại chức so với chính quy).
Điều đáng bàn là việc tuyển sinh hệ tại chức hiện nay chủ yếu giao cho các trường tự làm. “Hệ chính quy thì tuyển sinh nghiêm ngặt, cả xã hội vào cuộc trong khi hệ tại chức thì khoán trắng cho các trường; quy định bằng cấp như nhau. Vì thế, nên để hệ này và tuyển sinh chính quy không được chênh lệch nhau nhiều về chất lượng đầu vào” - Phó Thủ tướng nói.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, hiện nay Bộ giao hai Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TPHCM; những trường đại học trọng điểm nghiên cứu, đề xuất phương án tuyển sinh để Bộ thảo luận. Phương án nào tối ưu nhất, Bộ sẽ sử dụng.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, Bộ GD&ĐT đang kêu gọi các trường hiến kế với bộ phương án thay đổi tuyển sinh trong tương lai: “phương án tuyển sinh phải bảo đảm không để xảy ra tình trạng luyện thi tràn lan, phương án thi đảm bảo công bằng, có cơ chế để xã hội, cơ quan chức năng kiểm tra giám sát” - Bộ trưởng nói.