Việc chữa bệnh cho “cụ” Rùa, có lẽ ít người phản đối. “Cụ” là vật thiêng của hồ Gươm, gắn với huyền thoại trả lại gươm báu của vua Lê Thái Tổ, người tạo dựng cả một triều đại hơn 300 năm trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam. Huyền sử là mông lung, nhưng sự tồn tại của “cụ” Rùa hồ Gươm là có thật và hầu như mọi người Việt đều nâng niu linh vật ấy, dù với những ý niệm khác nhau.
Nhưng trong khi “cụ” Rùa nhận được sự quan tâm của các ban ngành, đoàn thể, giới khoa học và người dân, rất nhiều loài vật khác trên đất nước Việt Nam đã không có được sự may mắn ấy, đơn giản vì chúng chẳng được gắn với huyền sử hay giai thoại nào. Những chú khỉ đuôi dài ở Quảng Bình, dù hình dáng hao hao giống người, chỉ khác cái đuôi lộ liễu, vẫn bị người ta lột da, làm thịt.
Dù những sinh linh ấy khi bị làm lông, cạo trắng, nằm lông lốc giống như đứa trẻ, người ta vẫn không động lòng, vẫn ha hả chén chú chén anh với khuôn mặt búng ra rượu bên tô óc khỉ còn loang máu. Những ông hổ chúa sơn lâm oai hùng nơi rừng xanh núi thẳm vẫn có thể kết thúc cuộc đời trong bi thảm: bị phanh thây, ướp đá, nấu cao.
Những chú gấu chó, gấu ngựa dũng mãnh, can trường chốn núi thẳm ngày xưa chắc chẳng thể tưởng tượng đời con cháu mình phải gặm nhấm sự tồn tại sau song sắt, mua vui cho đời trong giây lát bên cạnh việc lâu lâu lại bị đè ngửa chọc kim tiêm chích mật. Tiếng gầm của gấu ai hay?
Mà chẳng phải nói tới những loài thú vốn thuộc về rừng xanh. Ngay trong đời thường, những con vật đã được thuần dưỡng từ bao đời như chó, mèo… ở xứ ta có mấy khi được hưởng một cuộc sống trọn vẹn. Bọn xấu sẵn sàng thòng cái dây thừng vào cổ chú cún của ta lôi về lò mổ, quăng lưới chụp chú mèo dễ thương vốn hằng ngày làm bạn với bé Mi, bé Tít hòng đưa lên đĩa phục vụ những người hâm mộ quán tiểu hổ… Những lúc ấy, bỗng chợt nghĩ, mèo ơi, chó ơi, sao mày không làm rùa cho sướng?
Đành rằng đất nước ta còn nghèo, không thể đòi hỏi cả đội cứu hỏa mang máy bay trực thăng đi cứu một chú gấu như ở Mỹ. Cũng chưa thể nghĩ tới chuyện giải cứu một chú chó sau ba tuần lênh đênh trên biển như ở Nhật.
Nhưng những người yêu thiên nhiên, yêu môi trường Việt Nam vẫn có quyền hy vọng một ngày nào đó, khi đời sống khá lên, bên cạnh những chuyện xài điện thoại cả ngàn đô, xe sang nhiều tỷ đồng, dân ta ai cũng có tình yêu thiên nhiên, thói quen bảo vệ, nâng niu môi trường sống.
Giá mà ai cũng biết yêu thiên nhiên, yêu loài vật một cách thiết thực như chị Tạ Thị Thảo Trang ở Củ Chi, TPHCM (đón về nuôi dưỡng gần 250 con mèo hoang). Những hành động ấy chắc chắn hay hơn, thiết thực với thiên nhiên, môi trường và nhân văn hơn việc “ai đó” cứ phải khoe ngực, khoe mông và nhiều thứ lẽ ra cần được che đậy, để “bảo vệ môi trường”.