Bình ổn tinh thần

Bình ổn tinh thần
TP - Trên 12 triệu người Việt Nam, chiếm khoảng 14% dân số đang mắc 10 loại rối loạn tâm thần thường gặp, cần được chăm sóc sức khỏe. Thống kê được Bộ Y tế công bố tại hội nghị tổng kết Dự án “Bảo vệ sức khoẻ tâm thần cộng đồng” giai đoạn 2006-2010 vừa diễn ra tại thành phố Đà Nẵng. Con số không hề nhỏ, bởi sau đó là biết bao hệ lụy tác động đến từng gia đình và toàn xã hội.

Ngoài các yếu tố chủ quan, thì sự căng thẳng thường trực, cảm giác bất an của đời sống là tác nhân chính đưa đến vấn nạn trên.

Chúng ta đang quyết liệt thực thi mọi biện pháp để bình ổn giá. Nhưng các biện pháp trực tiếp bình ổn tinh thần thì chưa có nhiều.

Thực tế, nhiệm vụ bình ổn giá cả hiện vẫn chưa được như mong muốn. Giá cả vẫn tăng. Xăng dầu, gas, điện, nước, kéo theo sự leo thang của mọi chi phí tối thiểu nhất cho đời sống thường nhật của mỗi con người. Thuế thu nhập cá nhân lạc hậu nhưng chậm được điều chỉnh nhằm giảm bớt gánh nặng cho mâm cơm gia đình.

Sập nhà cao tầng giữa thủ đô, sập mỏ khai thác đá ở một số nơi, xe ô tô bẹp trên đường lửa đều đều... Tất cả đâu có mới. Như chẳng mới mẻ gì những “hung thần” xe ben, xe điên chạy lồng lộn giữa phố phường. Chẳng mới mẻ gì nạn kẹt xe, nạn triều cường ngập nước.

Vẫn nhan nhản nạn mua bán bằng cấp, chạy quyền chạy chức, vẫn có những người có tâm tài thực sự bị đẩy ra bên lề cuộc sống. Vẫn nhức nhối nạn tham nhũng. Rồi thiên tai dịch họa, ô nhiễm môi trường, áp lực thi cử học hành, sự vô cảm, thậm chí đôi khi tàn bạo giữa người với người …

Trước vô vàn sức ép như vậy nhiều người trở nên nhạt nhòa nhân bản, dẫn đến nhiều hành vi manh động, bạo liệt. Nhẹ hơn thì trầm cảm stress, rối loạn lo âu, hoang mang bất an …

Chữa tâm thần không chỉ đưa bệnh nhân vào bệnh viện, mà còn là phòng bệnh, phát hiện, ngăn chặn sớm và phục hồi chức năng tại cộng đồng. Đó là trách nhiệm của ngành y tế. Nhưng gốc rễ vẫn là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, xã hội.

An ninh chính trị xã hội, an ninh lương thực, an ninh năng lượng - tài nguyên, môi trường…, tất cả đều vì mục tiêu an ninh con người, đang được thể hiện dưới mục tiêu “an sinh xã hội”, một định hướng chiến lược của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn hiện nay.

Nhiều giải pháp xóa đói, giảm nghèo, trợ cấp cho các đối tượng chính sách, đối tượng gặp khó khăn được dự liệu. Nhưng đó hẳn là những điều kiện cần nhưng chưa đủ. Cần phải loại bỏ cả hiện tượng lẫn căn nguyên những tác nhân gây căng thẳng thường trực đã liệt kê trên đây cũng như tăng cường các yếu tố bình ổn tinh thần.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG