Giới chức Indonesia nói có nhiều bằng chứng cho thấy có sự liên hệ giữa vụ đánh bom tự sát và bắn giết xảy ra hôm 14/1 với IS. Như vậy, ngoài khu vực Trung Đông, châu Âu hay châu Mỹ, bàn tay ghê rợn của chủ nghĩa cực đoan đã vươn ra nhiều khu vực khác của thế giới. Người dân Indonesia và các nước láng giềng chắc chắn đã cảm nhận sâu sắc sự nguy hiểm của chủ nghĩa cực đoan khi chứng kiến màn đấu súng ngay giữa ban ngày, ngay giữa thủ đô Jakarta, với những xác chết đầy máu me nằm giữa phố đông người. Không thể nói vì là nước có hàng trăm triệu người dân theo Hồi giáo nên Indonesia phải chịu kiếp nạn này, bởi đa số người Hồi giáo ở Indonesia vẫn yêu chuộng hòa bình và những đảng phái có hơi hướng theo chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan không được đa số người dân nước này tín nhiệm.
Với những gì vừa xảy ra, có thể nói, nhiệm vụ chống IS, chống chủ nghĩa cực đoan nay không còn là chuyện của Mỹ, Pháp, Nga hay một số nước khác mà là câu chuyện của toàn thế giới, kể cả những nước mà bàn tay IS chưa thực sự thò tới. Chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan nói riêng và chống khủng bố, chống những tổ chức cực đoan nói chung nay không còn chỉ liên quan đến các quốc gia có các cộng đồng Hồi giáo và các cường quốc có liên quan trực tiếp. Bởi ở đâu cũng có những kẻ cực đoan, ở đâu cũng có kẻ xấu. Chắc hẳn một số bạn “trẻ trâu” Việt từng lên mạng xã hội “thách thức IS tới Việt Nam” như một trò đùa, trò lấy “số má” trên thế giới ảo nay đã có điều kiện và cơ hội để cảm nhận sự dại dột và vô ý thức của mình. Thế giới không thể cúi đầu trước chủ nghĩa khủng bố, người tốt chiếm đa số không thể bị khuất phục bởi một nhóm những kẻ cực đoan. Nhưng trong cuộc chiến chống IS, cộng đồng thế giới và các quốc gia đi đầu nơi này hay nơi khác, lúc này hay lúc khác vẫn còn giữ những quan điểm riêng, thậm chí vẫn có thể có những toan tính riêng phục vụ lợi ích riêng. Đây chính là lý do một tổ chức bao gồm một vài nhóm người, với những hành động ngông cuồng, phi nhân tính, đi ngược lại những chuẩn mực giá trị mà loài người đã cùng nhau xây dựng, vẫn còn đất để tồn tại.
Do vậy, đoàn kết các quốc gia, các dân tộc, tôn giáo trên thế giới vì mục tiêu chung chống chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan là yêu cầu bức thiết.