Rick and Morty:

Ý nghĩa cuộc sống trong một ‘vũ trụ vô nghĩa’

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Không ai tồn tại có chủ đích. Không ai thuộc về bất cứ đâu. Tất cả mọi người đều sẽ chết. Đi coi TV nhé?” – Morty Smith.

Cái ý tưởng rằng tất cả con người trên Trái Đất đều được sinh ra và tồn tại với những mục đích cao cả đã xuất hiện từ rất lâu, có thể thấy qua nghệ thuật, tôn giáo, khoa học,... Tuy nhiên câu hỏi vẫn là có phải mục đích sự tồn tại của chúng ta đã được định đoạt sẵn ngay từ lúc ra đời, hay chính mỗi cá thể phải tự đi tìm ý nghĩa cuộc đời họ?

Ý nghĩa cuộc sống trong một ‘vũ trụ vô nghĩa’ ảnh 1

Gia đình Smith với những con người kỳ quặc

Rick and Morty là một trong những show hoạt hình được yêu thích nhất hiện nay nhờ vào óc hài hước “méo mó” của biên kịch. Tuy nhiên, ở đây yếu tố thu hút người xem nhất là tính chất triết học trong từng câu thoại của nhân vật Rick và Morty.

Nhân vật trung tâm của series phim này là Rick Sanchez - một nhà khoa học điên loạn, một con sâu rượu và là kẻ luôn xem mình là người thông minh nhất vũ trụ (quả đúng là như vậy). Rick coi thường tất cả mọi thứ xung quanh, từ luật pháp, quy luật cuộc sống cho tới tình cảm con người: “… thứ mà con người gọi là ‘tình yêu’ chỉ là phản ứng hóa học nhằm thúc ép động vật giao phối với nhau thôi”. Tuy nhiên chính sự thông minh bậc nhất lại là thứ khiến Rick đau khổ, càng lấn sâu vào khoa học, ông càng nhận ra sự vô nghĩa của cuộc sống. Thật vậy, nếu bạn có khả năng du hành tới những vô hạn vũ trụ và dòng thời gian khác nhau với vô hạn bản thể của mình, thì liệu bạn còn giữ ý niệm rằng bản thân mình là một cá thể độc nhất không? Đối mặt với một hố đen hư vô như vậy, Rick chỉ biết tìm tới rượu chè và những cuộc phiêu lưu mạo hiểm chết người. Dù sao thì câu cửa miệng của ông vẫn là: “Wubba lubba dub dub” (Tôi đang rất đau đớn. Làm ơn hãy cứu tôi).

“Điều đáng sợ hơn việc không tồn tại, hoặc không biết lí do tại sao ta tồn tại chính là tồn tại mà không có ai để chia sẻ cuộc sống này”

Will Schoder

Đối lập với Rick trong series này không phải là Morty mà là Jerry - bố của Morty. Đúng với câu nói “Ngu si hưởng thái bình”, Jerry là một nhân vật thất bại nhất trong phim. Ông thất nghiệp, không có tiếng nói trong gia đình cũng không được con cái tôn trọng, ông chỉ biết trốn chạy khỏi mọi vấn đề trong cuộc sống và đợi người khác cảm thấy thương hại mà cứu giúp. Nhưng để ý kĩ thì Jerry luôn có vẻ vui tươi và hài lòng với cuộc sống xung quanh hơn tất cả những thành viên còn lại. Ông vui vẻ chấp nhận một cuộc sống tầm thường mà không màng tới việc phải đi tìm ý nghĩa cuộc sống. Chính sự ngờ nghệch ấy đã biến ông thành một người hạnh phúc so với một Rick giỏi giang nhất vũ trụ.

Thông qua Rick và Jerry, phim thể hiện hai tư duy đối lập khi đối mặt với câu hỏi về ý nghĩa hiện sinh. Bạn có thể nắm giữ mọi kiến thức khoa học trong vũ trụ và cảm thấy trống rỗng bên trong, hay bạn là một người ngờ nghệch, ngây thơ nhưng lại cảm thấy hài lòng với những điều bình thường mà mình có. Cách bạn chọn để phản hồi lại sự vô nghĩa của cuộc sống sẽ không thay đổi sự thật rằng cuộc sống này không có nghĩa lý gì, nhưng nó lại giúp ta tìm thấy ý nghĩa trong từng việc mà ta làm. Những dòng mô tả trên khiến Rick có thể được xem như là một người theo chủ nghĩa hư vô (nihilism), nhưng thực chất Rick lại thiên về chủ nghĩa hiện sinh (existentialism) nhiều hơn.

Người theo chủ nghĩa hư vô tin rằng bản chất cuộc sống không có một ý nghĩa và giá trị nội tại. Họ cho rằng sự tồn tại của loài người thật nhỏ bé và không có mục đích nào. Fredrick Nietzsche phân chủ nghĩa hư vô thành hư vô chủ động (active nihilism) và thụ động (passive nihilism). Người hư vô thụ động sẽ thấy cuộc sống này vô nghĩa và họ sẽ tách bản thân khỏi bất kì ham muốn và khát vọng để giảm thiểu sự đau khổ xuống thấp nhất có thể. Mặt khác, hư vô chủ động phá vỡ những giá trị cũ, sai lầm của bản thân và bắt đầu tự tạo dựng ý nghĩa riêng cho cuộc sống của mình. Từ đây, Nietzsche cùng những triết gia khác tạo nên khái niệm chủ nghĩa hiện sinh.

Khá tương đồng với hư vô, chủ nghĩa hiện sinh cũng tin rằng bản chất cuộc sống không có một ý nghĩa và giá trị nội tại. Tuy nhiên điểm khác biệt nằm ở chỗ người theo chủ nghĩa hiện sinh sẽ tự tạo ra một ý nghĩa cuộc sống một cách chủ quan, bằng cách kết hợp ý chí tự do, sự tự nhận thức, và trách nhiệm cá nhân. Nói gọn lại, sự khác biệt giữa hai chủ nghĩa này chính là: Chủ nghĩa hư vô cho rằng không đâu trong vũ trụ có ý nghĩa nội tại, còn chủ nghĩa hiện sinh lại tìm cách để lí giải điều này. Mục tiêu cuối cùng của hiện sinh là mỗi người phải tự tạo giá trị và ý nghĩa chủ quan cho cuộc sống của chính họ.

Từ đó, có thể thấy thoạt đầu Rick tưởng chừng như không coi trọng bất cứ điều gì, mọi thứ đối với ông đều vô nghĩa. Ông đấm nhau với quỷ dữ và báng bổ mọi loại tôn giáo. Nhưng càng về sau càng nhận ra rằng Rick rất yêu thương những đứa cháu của mình mặc dù ông ít thể hiện ra bên ngoài. Ông trân trọng những chuyến phiêu lưu cùng Morty và Summer và sẵn sàng thỏa hiệp với Jerry để Morty được phép đi chơi cùng ông. Ông hi sinh bản thân để cứu Morty (mùa 2 tập 1) hay đầu thú để gia đình Smith được trở lại cuộc sống bình thường (mùa 2 tập 10). Có lẽ do Rick với tư cách một nhà khoa học siêu việt đã chứng kiến mọi sự ngẫu nhiên và sự vô hạn của các thực tại khác nhau trong vũ trụ, nên ông nhận ra rằng những thứ ở trước mắt mình đây mới là điều quan trọng nhất, và Morty cùng với nhà Smith mang ý nghĩa đặc biệt hơn bất kì mục đích tồn tại nào của Rick.

Quay lại câu nói đầu bài viết của Morty, cậu nhóc 14 tuổi đã nói với người chị Summer khi cô mới phát hiện ra mình là cái thai ngoài mong muốn của bố mẹ. Mặc dù câu nói này nghe có phần tiêu cực, nhưng lại chứa đựng một thông điệp tích cực. Với những người như Summer, họ dễ bị suy sụp khi nhận ra rằng cuộc đời mình không mang bất kì ý nghĩa đặc biệt hay một mục đích cao cả. Còn đối với Rick và Morty, cuộc đời từ trước đến nay vẫn vô nghĩa như vậy. Thế nên tại sao ta lại không quên đi sự khủng hoảng hiện sinh và thay vào đó tập trung tận hưởng những điều nhỏ bé quanh ta, như là cùng nhau xem TV? Mặc dù đôi khi ta khó chấp nhận sự thật rằng một ngày nào đó mọi thứ ta từng làm sẽ tan vào hư vô. Nếu cứ mải mê suy nghĩ quá nhiều về mục đích của sự tồn tại của bản thân, ta sẽ quên đi những thú vui của cuộc sống này. Có lẽ nên học hỏi Rick ở khía cạnh này, ông không quá xem trọng những chuẩn mực và ý kiến của xã hội, mà chỉ tập trung vào những người mình yêu mến.

Thông điệp lớn nhất ở đây không phải là khuyến khích chúng ta dừng việc tìm kiếm ý nghĩa hiện sinh, mà thay vào đó hãy tự hỏi bản thân rằng liệu ta có thấy cuộc sống này có ý nghĩa khi ở bên cạnh người yêu mến và làm những việc ta yêu thích hay không?

MỚI - NÓNG