Xung quanh vụ lùm xùm Huyền Thư: Cuộc chiến đạo thơ, còn tiếp?

TP - Giải thưởng đã rút, một người đưa lời xin lỗi nhưng người kia không thỏa mãn vì nó không rạch ròi chính-tà, đó mới chỉ là một phần diễn biến cuộc chiến đạo thơ sốt xình xịch mấy ngày qua.

Nhiều sạn trong sẹo, lỗi ai?

Mới đọc nhanh cuốn Sẹo độc lập vừa bị Hội Nhà văn Hà Nội thu hồi giải, đã thấy nhiều cấn cái về bản quyền tác giả.

Trong tập thơ, nhiều bài ghi đề từ “gửi” người nọ, “băn khoăn”, “a dua” cùng người kia. Bài Câu hờ hững có dòng mở ngoặc “Trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Bình Phương”, nội dung đại khái nói về buổi câu sáng, trưa, chiều, đêm- nội dung thì không hẳn câu mấy con cá. Bản thân Nguyễn Bình Phương có bài thơ Buổi câu hờ hững lấy làm tên tập thơ gồm 35 bài của mình. 

Trong bài thơ mà tựa chính là tựa cả tập thơ, có câu Mỗi người một chiếc cần câu buông lơi, còn vụ đi câu của mình, Phan Huyền Thư có lúc tả Cuối cùng hờ hững cũng xuất hiện. Không biết khi thi triển cả một tứ thơ của thi hữu- “buổi câu hờ hững”, tít thì gọt bớt một chữ dùng làm tít của mình, không một dòng chú thích cũng chả in nghiêng hoặc ngoặc kép, tác giả nữ ở tư thế ơ thờ hờ hững hay có tính toán chút đỉnh.

Đầy những câu thơ của bạn bè văn hữu được trích dẫn kiểu như vậy - không một dòng chú thích, nhiều nhất chỉ ngoặc kép. “Vườn vẫn thức một mùi hương đi vắng”- không đánh hoa thị ở dưới bài là thơ Lê Đạt thì có chắc ai ai cũng biết không? (có bản in thơ Lê Đạt ghi Vườn chợt thức một mùi hoa đi vắng, Vườn chợt thức một mùi hương đi vắng)

Bìa hai Sẹo độc lập có ghi: “Phan Huyền Thư xuất hiện trong nhiều tuyển thơ Việt Nam dịch và xuất bản tại Anh, Pháp, Hàn Quốc, Đức, Nhật, Úc, Thụy Điển, Mỹ...”. Có chắc độc giả nước ngoài, thơ trong sách được dịch ra, biết ai vào ai mỗi khi thơ của họ được âm thầm trích dẫn trong các bài kiểu như trên kia?

Cả bài thơ Trần Tuấn có câu ấn tượng nhất Trong cái đầu tử tội/Chờ phát súng hồ nghi thì đã nằm gọn lỏn trong bài Một nắng của Phan Huyền Thư. Bài này ghi là viết cho Trần Tuấn và Lê Vĩnh Tài, nhưng câu thơ vẫn không có nổi một dòng hoa thị này ngoài Trần Tuấn liệu nhiều người biết là của anh không? Vân vân. Nói nhiều sạn trong “Sẹo” là còn quá nhẹ.

Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội nhận định hôm thu hồi giải thơ năm nay trên một tờ báo: “Lỗi chính của tác giả và người biên tập, nhà xuất bản. Nhưng nói gì thì chúng tôi cũng có phần lỗi khi sau trao giải thì có chuyện. Tuy nhiên, không ai đọc được hết và nhớ được hết thơ của mọi nhà”. Thiết tưởng những người cầm cân nảy mực phải tinh tường hơn người thường chứ nhỉ để nhận ra ít nhất vài ví dụ như trên?

Xung quanh vụ lùm xùm Huyền Thư: Cuộc chiến đạo thơ, còn tiếp? ảnh 1 Một trang thơ, được cho là của web: isach.info, có giới thiệu thơ Phan Huyền Thư trong đó có bài “Buổi sáng”. Nguồn: Facebook PN Thường Đoan.

Kết được chưa?


Trên facebook của Phan Ngọc Thường Đoan hôm qua đưa một bài thơ lạ (lại lạ) in trên một trang sách điện tử: Buổi sáng, tác giả: Phan Huyền Thư. Các bình luận viên fb Thường Đoan cho biết thời điểm bài này “lên khuôn” là năm 2011, không biết thực hư thế nào? Bài Buổi sáng (không phải Bạch lộ nhé) với từng dấu phẩy đều của Thường Đoan lại ghi tác giả Phan Huyền Thư, giả dụ vừa mới được tải lên, dám nghi ai chơi xỏ Thư lắm! Thấy khổ chủ Thường Đoan la làng: “Phan Huyền Thư nói không đọc Buổi sáng của Thường Đoan chỉ nghe nhạc Phú Quang, nhưng cái này là cái gì đây?”.

Trong thư xin rút giải thưởng, Phan Huyền Thư xin lỗi báo giới: “Không riêng gì trong lĩnh vực thi ca, ngay cả trong công việc viết lách kiếm sống hàng ngày, như viết đề cương, kịch bản phim tài liệu, không riêng gì cá nhân tôi, các nhà biên kịch phim tài liệu cũng đã có những lần phải tham khảo, sử dụng những tin tức, câu chuyện có thật mà các bạn đưa lên báo chí truyền thông như những chất liệu phụ trợ cho ý tưởng kịch bản phim của mình. Đó cũng là điều tôi cần cảm ơn và xin lỗi các nhà báo. Mặc dù, khi thực sự đi vào sản xuất rất ít khi những thông tin, dữ liệu đó được thực hiện”. Tóm lại, rất ít là có hay không, và nếu có thì chưa từng ghi nguồn?

Dù không muốn cũng phải nhớ lại, năm 2007, Phan Huyền Thư ngoài hai vụ bị tố đạo văn (poster Thanh Tâm Tuyền và Ngô Kha), thành viên của một diễn đàn còn chỉ ra sự giống nhau giữa poster Nguyễn Bính trong Ngày thơ Việt Nam do Phan Huyền Thư viết, với bài báo dài kỳ của Trần Đình Thu- Nguyễn Bính, thi sĩ giang hồ

Họ chỉ ra sự giống nhau về ảnh và tựa “Nguyễn Bính thi sĩ giang hồ”- thôi thì không sao, nhưng còn cái này, được một người tên là Thi Thơ cho là lạ: “Câu “Nhưng ngồi giữa chợ để uống say mà gọi thế nhân ơi cũng thật là thú vị” trong poster số 2 về Nguyễn Bính là nguyên văn câu trong kỳ 9 bài báo Trần Đình Thu”. (Bài báo Thanh Niên ra trước Ngày Thơ vài tháng). Chuyện này bé thôi, không đáng, nhưng để thấy có cái poster con con mà cũng lười để mang tiếng.

Đạo văn từ thành phố lớn đến tỉnh lỵ nhỏ, đạo báo đạo ảnh đạo tranh - sự đã thường. Cho nên trong làn sóng sục sôi vừa qua, vẫn có luồng ý kiến cho rằng có gì đâu mà ầm ĩ, nhất là bây giờ giải đã rút, quá đủ rồi nên lập tức khép lại mọi chuyện. Tình cờ lạc vào một trang web trước đó chưa từng biết đến là langven.com, thấy một bạn đọc bình thường viết thế này cách nay 8 năm: “Vấn” đề không phải là đánh người đã xin lỗi (vừa xin lỗi xong quay lại phỉ báng người mình xin lỗi) hay đánh người ngã ngựa (chẳng những không ngã mà còn bóng bẩy hơn). Cô ấy đạo văn một hay một trăm lần chẳng còn quan trọng nữa, nhưng không nói thì một chuyện thế này sẽ thành bình thường ở phường”. 

Về chuyện nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan phát biểu không chấp nhận lời xin lỗi Phan Huyền Thư dành cho chị, có thể thấy ai đó muốn một tỉ số hòa chứ Thường Đoan chắc không. Có khi chả được hòa mà còn gay go, khôn lường ấy chứ. Như Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội nhận định: “Biết đâu khi tìm được chứng cứ, bản chất vụ việc sẽ lật ngược”. Thế thì có muốn dừng cũng không được nữa rồi.

MỚI - NÓNG