Xung quanh việc đấu thầu thuốc: Lãnh đạo Cục Dược nói gì?

Người nghèo, người khám chữa bệnh theo BHYT thường không nắm rõ chất lượng, hàm lượng của thuốc (ảnh minh họa). Ảnh: Hồng Vĩnh.
Người nghèo, người khám chữa bệnh theo BHYT thường không nắm rõ chất lượng, hàm lượng của thuốc (ảnh minh họa). Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Xung quanh một số vấn đề tiêu cực trong đấu thầu dược phẩm,Tiền Phong đã có cuộc phỏng vấn với ông Đỗ Văn Đông - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế.

Xin hỏi ông có biết những nhóm lợi ích thao túng đấu thầu thuốc đang xảy ra tại Việt Nam không? Cục Quản lý Dược có nằm trong nhóm lợi ích đó không khi mà nhiều vụ đấu thầu thuốc vẫn tiếp tục sai phạm? Nếu biết, với tư cách nhà quản lý, các ông có biện pháp gì để xử lý?

Việc đặt câu có hay không việc Cục Quản lý Dược nằm trong nhóm lợi ích thao túng đấu thầu chứng tỏ người hỏi không hiểu về công tác đấu thầu thuốc, và chức năng của cơ quan quản lý nhà nước.

Cục Quản lý Dược với chức năng quản lý Nhà nước về dược và giá thuốc đã tích cực tham gia với đơn vị đầu mối về quản lý đấu thầu của ngành y tế là Vụ Kế hoạch Tài chính của Bộ Y tế và các đơn vị liên quan tham mưu cho cơ quan liên ngành (Bộ Y tế, Bộ Tài chính) ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu thuốc nhằm tăng cường công khai, minh bạch và đảm bảo cạnh tranh công bằng trong đấu thầu thuốc. Nói vậy để hiểu rằng, Cục Quản lý Dược không trực tiếp tham gia tổ chức triển khai đấu thầu ở các đơn vị, nên không có lợi ích gì ở đây để mà có nhóm. Việc tổ chức đấu thầu, chấm thầu do Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm, Chính phủ đã phân cấp rõ ràng.

Trong quá trình triển khai đấu thầu của các đơn vị, những trường hợp sai phạm trong công tác đấu thầu thuốc do không thực hiện đúng các quy định hiện hành về đấu thầu mua thuốc nếu phát hiện sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Và thực tế cho thấy, nếu địa phương nào, cơ sở nào có sai phạm trong công tác đấu thầu đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Xung quanh việc đấu thầu thuốc: Lãnh đạo Cục Dược nói gì? ảnh 1

 Ông Đỗ Văn Đông - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế.

Xin ông cho biết có hay không việc ưu tiên giá rẻ thay vì ưu tiên chất lượng thuốc tốt?  Là cơ quan tham vấn cho lãnh đạo Bộ Y tế về vấn đề dược phẩm, các ông có hình thức gì để ngăn chặn những tiêu cực đó?

Theo quy định tại Luật Đấu thầu, quy trình đấu thầu thuốc phải thực hiện thông qua các bước:

Bước 1: Đánh giá về năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu phải đảm bảo đạt yêu cầu để đảm bảo khả năng cung ứng thuốc khi trúng thầu.

Bước 2: Đánh giá về tiêu chuẩn kỹ thuật theo hồ sơ mời thầu bao gồm các tiêu chí kỹ thuật liên quan đến chất lượng thuốc và việc đảm bảo chất lượng thuốc trong quá trình cung ứng thuốc.

Bước 3: Đánh giá về giá để lựa chọn thuốc trúng thầu là bước được thực hiện cuối cùng chỉ đối với các mặt hàng thuốc đáp ứng yêu cầu tại bước đánh giá về tiêu chuẩn kỹ thuật.

Do đó, việc cho rằng quy trình đấu thầu thuốc ưu tiên giá rẻ thay vì ưu tiên chất lượng thuốc là không có cơ sở và không hiểu các quy định hiện hành về đấu thầu thuốc cũng như quy định tại Luật Đấu thầu.

Ngoài ra, đối với đầu thầu mua thuốc, Thông tư liên tịch số 01/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 19/1/2012 của liên Bộ Y tế - Tài chính đã quy định việc phân nhóm thuốc nhằm đảm bảo các cơ sở y tế có thể lựa chọn được các thuốc đáp ứng với yêu cầu điều trị với mức giá phù hợp thông qua đấu thầu.

Cục Quản lý Dược với chức năng tham mưu cho Bộ Y tế về lĩnh vực quản lý dược đã phối hợp với các đơn vị liên quan đã đề xuất với Bộ Kế hoạch đầu tư bổ sung phương pháp đánh giá lựa chọn nhà thầu kết hợp giữa kỹ thuật và giá trong Luật Đấu thầu sửa đổi năm 2013 nhằm tăng cường yếu tố đánh giá về chất lượng thuốc.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Chất lượng thuốc trong nước không biết sẽ đi về đâu khi chính các công ty trúng thầu không có nhà máy sản xuất mà thuê doanh nghiệp khác gia công”. Các ông với tư cách nhà quản lý có nắm được vấn đề này không? Các ông nhận định thế nào về việc này?

Gia công thuốc là hoạt động thương mại phù hợp với quy định tại Luật Thương mại và Thông tư số 23/2013/TT-BYT ngày 13/8/2013 của Bộ Y tế hướng dẫn hoạt động gia công thuốc.

Về chất lượng thuốc, việc cho rằng thuốc trúng thầu không đảm bảo chất lượng là hoàn toàn không có cơ sở và không hiểu quy định về đấu thầu thuốc vì: Thuốc tham dự thầu phải được lưu hành hợp pháp. Mà theo quy định tại Luật Dược, tất cả các mặt hàng thuốc để được phép lưu hành trên thị trường Việt Nam phải thực hiện theo quy trình đăng ký chung, thống nhất và chặt chẽ về các hồ sơ pháp lý, hồ sơ kỹ thuật theo đúng quy định chung của các nước ASEAN (ACTD) về hội nhập quốc tế về đăng ký thuốc và phải được thẩm định đầy đủ theo quy trình về pháp lý, tiêu chuẩn kỹ thuật đạt yêu cầu trước khi cấp phép. Đối với nhà máy sản xuất thuốc phải đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO-GMP) hoặc của EU, PIC/s. Theo nguyên tắc GMP, tất cả các mặt hàng thuốc trước khi đưa ra lưu hành trên thị trường đều phải được nhà sản xuất kiểm tra chất lượng đạt yêu cầu. Do đó, với các quy định pháp lý hiện hành của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, thuốc đã được cấp số đăng ký lưu hành phải đảm bảo chất lượng và an toàn, hiệu quả khi sử dụng.

Ngoài ra, thuốc sau khi được cấp số đăng ký lưu hành, hệ thống kiểm nghiệm (các Viện kiểm nghiệm trung ương và các Trung tâm kiểm nghiệm trên toàn quốc) thực hiện công tác hậu kiểm về kiểm tra chất lượng thuốc, vì thuốc là mặt hàng đặc biệt, khó bảo quản và lưu trữ hơn các mặt hàng tiêu dùng thông thường, trong quá trình lưu thông trên thị trường do khí hậu, điều kiện bảo quản, phân phối có thể ảnh hưởng đến chất lượng thuốc. Tất cả các trường hợp hậu kiểm không đạt tiêu chuẩn chất lượng theo hồ sơ đăng ký lưu hành sẽ bị xử lý theo quy định (thu hồi, rút số đăng ký lưu hành). Cục Quản lý Dược đã và đang làm rất quyết liệt vấn đề này.

Vì vậy nói rằng thuốc trúng thầu không đảm bảo chất lượng là không có cơ sở và không hiểu quy định về đấu thầu thuốc cũng như các quy định liên quan về quản lý chất lượng thuốc. Cho đến giờ này, chưa có bất kỳ báo cáo nào về việc thuốc trúng thầu không đảm bảo chất lượng điều trị. Ví dụ: trước những ý kiến cho rằng thuốc trúng thầu giá thấp, không đảm bảo chất lượng tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Kiểm nghiệm thuốc TP Hồ Chí Minh tiến hành lấy mẫu kiểm tra thuốc trúng thầu vào các bệnh viện trên địa bàn, kết quả cho thấy 100%  thuốc trúng thầu năm 2013-2014 tại Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đều đạt yêu cầu về chất lượng.

Thông tư mới nhằm siết lại đấu thầu thuốc tập trung, so với những thông tư cũ có phải nhiều kẽ hở không khi mà trong lần đầu tiên tổ chức đấu thầu tập trung nhiều địa phương như Đắk Lắk, Hậu Giang… làm sai nhưng đổ lỗi do nguyên nhân lần đầu thực hiện theo quy định mới?

Việc ban hành các thông tư đều được cơ quan quản lý nhà nước thực hiện theo quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó đã lấy ý kiến của các đơn vị liên quan bao gồm các đơn vị sẽ triển khai thực hiện xây dựng văn bản. Ngoài ra, sau khi văn bản ban hành, Bộ Y tế đều phổ biến văn bản cho các đơn vị liên quan, trong đó có hướng dẫn việc triển khai thực hiện và giải đáp các vướng mắc.

Do đó, đơn vị nào thực hiện không đúng các quy định tại văn bản quy phạm pháp luật khi đã có hiệu lực thì phải bị xử lý vi phạm theo quy định.

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.