Xung quanh đề án 112: Chỉ 'xẻo' hai dự án đã 'ăn' 3,4 tỷ đồng

Xung quanh đề án 112: Chỉ 'xẻo' hai dự án đã 'ăn' 3,4 tỷ đồng
TP - Sau khi thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Vũ Đình Thuần (nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ kiêm Trưởng ban điều hành Đề án 112) cùng 7 cán bộ liên quan, cơ quan điều tra đang tập trung làm rõ những dấu hiệu tham nhũng, tư lợi của các cán bộ trên trong quá trình thực hiện Đề án 112.

>> Bắt giam nguyên Phó Chủ nhiệm VP Chính phủ Vũ Đình Thuần

Bên cạnh đó, CQĐT cũng sẽ trưng cầu giám định chất lượng các thiết bị tin học được cung cấp trong quá trình triển khai Đề án.

Nâng giá hưởng chênh lệch

Như tin đã đưa, ngoài ông Vũ Đình Thuần, ngày 13/9, CQĐT cũng đã bắt giam một số cán bộ lãnh đạo Nhà xuất bản Tư pháp (Bộ Tư pháp) và Tổng Cty Phát hành sách (Bộ Văn hoá - Thông tin cũ), gồm các ông, bà: Nguyễn Đức Giao (Giám đốc NXB Tư pháp), Bùi Duy Hồng (Phó trưởng phòng Kế hoạch NXB Tư pháp), Nguyễn Thị Phương Hoa và Nguyễn Thị Minh Thiệu (hai Phó Tổng Giám đốc Tổng Cty Phát hành sách), Ngô Thị Nhâm (Phó trưởng phòng Kinh doanh Tổng Cty Phát hành sách).

Ngoài 8 người bị bắt giam hôm 13/9, CQĐT còn khởi tố bị can, cho tại ngoại một cán bộ khác của Tổng Cty Phát hành sách, về tội cố ý làm trái, nâng tổng số bị can trong vụ án lên đến 9 người.

Các cán bộ trên bị khởi tố, bắt giam vì có sai phạm tại các dự án in ấn tài liệu, giáo trình và mua bản quyền phần mềm, các chương trình tin học của Đề án 112.

Theo một nguồn tin, hiện cơ quan chức năng đã làm rõ số tiền thất thoát, thiệt hại qua 2 dự án này lên đến 3,4 tỷ đồng bằng thủ đoạn nâng giá; trong đó việc mua bản quyền phần mềm của Cty cổ phần công nghệ tin học ISA đã gây thiệt hại khoảng 1,3 tỷ đồng; các hợp đồng in ấn gây thất thoát hơn 2,1 tỷ đồng.

Việc tự ý nâng giá trị dự án này được Vũ Đình Thuần cùng thư ký Ban điều hành Đề án 112 Lương Cao Sơn và Giám đốc Cty ISA cùng thỏa thuận thống nhất, mục đích để hưởng tiền chênh lệch.

Gửi giá 30%

Vũ Đình Thuần và Lương Cao Sơn còn thông đồng để nâng giá các hợp đồng in ấn tài liệu, giáo trình Đề án 112 với NXB Tư pháp và Tổng Cty Phát hành sách, theo kiểu “gửi giá”.

Có thông tin cho biết, các cá nhân này đã “gửi giá” theo tỷ lệ khoảng 30% giá trị của gần 30 hợp đồng in ấn. Kết quả, NXB Tư pháp và Tổng Cty Phát hành sách đã in được 9 cuốn giáo trình, số lượng mỗi cuốn là 65.000 bản.

Số tiền chênh lệnh mà 2 đơn vị này “lại quả” cho một số cá nhân ở Ban điều hành Đề án 112 khoảng 2,1 tỷ đồng.

Theo cơ quan chức năng, việc nâng giá trị các dự án của ông Vũ Đình Thuần là trái với thẩm quyền cũng như các quy định hiện hành.

Bởi lẽ, theo Quyết định 137/2001 của Thủ tướng về việc thành lập Ban Điều hành đề án 112, thì Ban này không có chức năng quản lý nhà nước về công nghệ thông tin, không có thẩm quyền thẩm định các dự án, càng không có thẩm quyền thẩm định thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán của các dự án.

Tuy nhiên, trên thực tế, Ban Điều hành Đề án 112 đã tổ chức thẩm định các dự án phần mềm và hướng dẫn Ban Điều hành Đề án 112 các tỉnh, thành thẩm định thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán, trái với các quy định của Nhà nước về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản.

Một dấu hiệu sai phạm khác cũng sẽ được CQĐT làm rõ, là tình trạng nhận thầu các dự án in ấn, mua bản quyền phần mềm, song lại “bán” cho đơn vị khác thực hiện, dẫn đến tăng chi phí cao gấp nhiều lần.

Sau khi trúng thầu, Tổng Cty Phát hành sách và NXB Tư pháp lại “bán” cho tư nhân thực hiện các hợp đồng in ấn, phát hành giáo trình, tài liệu... với giá thấp hơn.

Riêng NXB Tư pháp đã được hưởng lợi khoảng 800 triệu đồng qua các việc làm sai trái trên, và mới nộp được 500 triệu đồng khắc phục hậu quả.

Một nguồn tin cho biết, ngoài 9 cá nhân đã bị khởi tố, còn có nhiều cá nhân, đơn vị khác liên quan đến những tiêu cực tại Đề án 112, và 2 dự án trên mới chỉ là ca “giải phẫu” đầu tiên của CQĐT tại Đề án vốn có nhiều tai tiếng này.

Hiện, vụ án đang tiếp tục được mở rộng điều tra. 

MỚI - NÓNG