Xung đột biên giới càng đẩy Ấn Độ về phía Mỹ

Người biểu tình Ấn Độ đốt hàng Trung Quốc ở New Delhi ngày 18/6 ảnh: Reuters
Người biểu tình Ấn Độ đốt hàng Trung Quốc ở New Delhi ngày 18/6 ảnh: Reuters
TP - Mỹ và các đồng minh từ lâu đã muốn kéo Ấn Độ tham gia nỗ lực cạnh tranh với Trung Quốc. Giờ đây, một vụ đụng độ nghiêm trọng vừa xảy ra ở biên giới Trung - Ấn có vẻ đang đẩy Delhi về hướng đó. 

Trong nhiều năm qua, Mỹ và các đồng minh cố gắng thuyết phục Ấn Độ trở thành đối tác gần gũi hơn về kinh tế và quân sự để đối chọi với các tham vọng của Trung Quốc, nhưng Delhi không mặn mà tham gia. Trong tuần này, ý tưởng về sự đối đầu đó trở nên hiện hữu hơn cả khi binh lính Trung Quốc và Ấn Độ ẩu đả nhau trong vụ bạo lực tồi tệ nhất trên biên giới hai nước trong 45 năm qua, khiến 20 lính Ấn Độ thiệt mạng và gây thương vong không rõ số lượng cho phía Trung Quốc.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi từng nói công khai về khả năng Ấn Độ đóng vai trò lớn hơn ở khu vực và thế giới. Nhưng các nhà phân tích nói rằng sự việc vừa qua sẽ là bài kiểm tra nghiêm túc nhất để xem Ấn Độ có sẵn sàng hay thực sự muốn đương đầu với một cường quốc đang cố mở rộng lãnh thổ và lợi ích của mình ở nhiều phía hay không.

Trong tháng này, Ấn Độ ký một thỏa thuận quốc phòng với Úc để cho phép hai bên sử dụng căn cứ quân sự của nhau. Delhi dự kiến sẽ mời Canberra tham gia đợt tập trận hải quân cùng Nhật và Mỹ nhằm củng cố những nỗ lực của nhóm Bộ tứ, gồm Úc, Nhật, Mỹ và Ấn Độ, nhằm đối phó với sự phô trương sức mạnh của Trung Quốc trên biển.

Nỗ lực của Ấn Độ nhằm đóng vai trò lớn hơn trong các tổ chức đa phương cũng đang được xúc tiến. Ngày 17/6, nước này trúng cử vào vị trí thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Trong tháng 5, Ấn Độ giành được ghế chủ tịch ban điều hành của Tổ chức Y tế thế giới, sau đó nhanh chóng ủng hộ lời kêu gọi điều tra nguồn gốc đại dịch COVID-19, điều Trung Quốc đang nỗ lực ngăn chặn.

Nhưng Ấn Độ vẫn đi sau Trung Quốc về sức mạnh quân sự và kinh tế. Điều đó có thể khiến các lãnh đạo Ấn Độ tạm dừng lại trước nguy cơ leo thang xung đột vũ trang với Trung Quốc ở vùng biên giới trên dãy Himalaya, sau khi xảy ra vụ xung đột chết người đầu tuần này.

“Ấn Độ sẽ phải xúc tiến cả 3 lĩnh vực - quân sự, kinh tế và chính trị”, Samir Saran, chủ tịch Observer Research Foundation, một tổ chức nghiên cứu ở Delhi, nói với báo New York Times.

Nỗ lực tìm trật tự mới

Các tướng Trung Quốc và Ấn Độ vẫn tiếp tục gặp nhau ở vùng biên giới để tháo ngòi căng thẳng. Một quan chức Ấn Độ ngày 19/6 xác nhận thông tin Trung Quốc đã thả 10 lính của họ từ tối hôm trước. Nhưng dân làng và ảnh vệ tinh cho thấy cả hai bên vẫn huy động lực lượng đến biên giới. Hôm qua, ông Modi lên lịch họp kín với các lãnh đạo đối lập để thảo luận về điều tiếp theo Ấn Độ sẽ làm.

Dù Ấn Độ có quân đội thuộc hàng đông nhất thế giới, nhưng nỗ lực hiện đại hóa và nâng cao năng lực cạnh tranh của lực lượng đang vấp phải nhiều khó khăn. Năm nay, Ấn Độ chi 74 tỷ USD ngân sách cho quốc phòng, trong khi Trung Quốc chi 178 tỷ USD. Ngân sách quốc phòng của Ấn Độ hầu hết chỉ được chi để trả lương.

Về kinh tế, Ấn Độ đã sẵn sàng dùng thị trường rộng lớn của mình để tạo sức ép lên Trung Quốc. Hồi tháng 4, Delhi thông qua luật quy định chính phủ phải phê duyệt bất kỳ dự án đầu tư nào từ Trung Quốc, trong bối cảnh các công ty Trung Quốc đang tìm kiếm thị trường bên ngoài. Ngày 18/6, Reuters đưa tin Ấn Độ có kế hoạch tăng thuế lên hàng hóa Trung Quốc.

Dù sức mua tiềm năng của thị trường là một công cụ để Ấn Độ gây sức ép với Trung Quốc, Delhi còn xa mới đạt tới sức chi tiền và cho vay vốn mà Trung Quốc đang làm để gia tăng ảnh hưởng toàn cầu. Nhưng giới chức Ấn Độ vẫn theo đuổi ý tưởng dùng thể chế dân chủ của mình để cạnh tranh với Trung Quốc, và virus corona tạo cơ hội để Delhi nhấn vào luận điểm đó.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.