> Tìm cách trọng dụng người trẻ giỏi
Con số khảo sát vừa thu nhận được từ 15 trường đại học trọng điểm của cả nước, phục vụ cho Đề án Thu hút sinh viên xuất sắc, nhà khoa học trẻ lần đầu tiên được đích thân Bộ Chính trị, Ban Bí thư triển khai nhằm xây dựng chính sách thu hút người tài.
Nhìn vào hai con số, thấy lằn ranh vượt trội của trí tuệ thật ít ỏi và mỏng manh. Chưa rõ lắm 30 người ấy giờ đang ở đâu, đã trở thành những “nhà” gì, có thành tựu nghiên cứu nào nổi bật. Nhưng chắc chắn với đà học cũng như khả năng tư duy đỉnh cao ấy, việc nắm trong tay tấm bằng tiến sĩ với họ quá đơn giản.
Một số báo vừa dẫn lời một vị lãnh đạo của Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tại buổi đóng góp ý kiến cho Luật KHCN sửa đổi tổ chức mới đây. Rằng: “Việt Nam nhiều tiến sĩ nhất ASEAN, nhưng số lượng bài báo công bố quốc tế của cả nước trong một năm chỉ bằng số lượng của một đại học Thái Lan …”.
Đồng bào dân tộc sống xung quanh đập thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam) cũng như cán bộ các cấp địa phương thú nhận lần đầu tiên trong đời được tiếp xúc với nhiều nhà khoa học đến thế.
Tất cả đều tỏ ra “kính nhi viễn chi”, khấp khởi hy vọng các “thầy” sẽ sớm bắt được “bệnh” động đất đang nổ ầm ầm. Nhưng điều đọng lại dường như chỉ là mấy phát ngôn gây xóc óc, và sự thật khó tin của quy trình nghiên cứu khoa học, lập báo cáo dự án.
Cán bộ địa phương hỏi, có nên gọi nhiều người trong số đó là nhà khoa học nữa hay không, hay chỉ là những “nhân viên dự án”?
Một câu lạc bộ bóng đá ở nước ngoài luôn cập nhật thống kê từng bàn thắng, chi tiết đến tận tư thế ghi bàn của từng cầu thủ trong suốt lịch sử hàng trăm năm tồn tại.
Nhưng ở ta, hệ thống các công trình nghiên cứu cũng như việc ứng dụng vào cuộc sống ra sao hầu như ai làm nấy biết. Bởi vậy không chỉ bị trùng lặp đề tài một cách phí phạm về thời gian, tiền bạc, mà lâu lâu trên báo chí lại nghe ông này oai oái tố ông kia “cầm nhầm”, “trích dẫn trộm” kết quả nghiên cứu của mình. Rồi chính thành quả nghiên cứu của bản thân ông vừa kêu, sau mới biết cũng được “dẫn” lại của nước ngoài…
Trở lại với câu chuyện những sinh viên xuất sắc hiện nay. Họ hẳn là vốn chất xám đặc biệt quý hiếm. Nhưng liệu có mấy người dấn thân vào cái “nghiệp” làm khoa học đích thực?
Cơ chế đãi ngộ bằng lương, bằng nhà cửa, đề bạt bổ nhiệm liệu có phải đã là tất cả với họ? Nếu vẫn còn đó cơ chế quản lý, điều hành nghiên cứu khoa học quan liêu, ngẫu hứng, xa rời nhu cầu thực tế, các nhà khoa học không được đời sống thôi thúc “đặt hàng”, thì xuất sắc mấy cũng chẳng biết để làm gì.