Căn cớ để làng Tre tổ chức chỉ giản dị mà không kém phần thuyết phục là nhận làng có ông Thành Hoàng, nhân vật chính trong câu chuyện cổ tích mà con dân Việt ai cũng biết: Cây tre trăm đốt.
Hội mở. Có mấy quan chức kéo về đi hội. Khai hội, dân làng diễn lại tuồng tích Cây tre trăm đốt.
Xem xong, vị quan thứ nhất bình: Rất thâm thúy! Công thức ngàn xưa vẫn nguyên giá trị. Thưa già làng, tập đoàn chúng tôi hiện vẫn áp dụng câu thần chú kinh điển ấy đấy.
Già làng hỏi lại: Khách quan áp dụng thế nào?
Vị quan này đáp: Khi làm ăn đổ bể để trốn nợ, tôi phi tang thương hiệu liền hô: Khắc xuất! Khắc xuất! Tập đoàn liền chia ra mấy chục đơn vị nhỏ. Đến khi trời yên biển lặng, muốn khoa trương thanh thế để huy động vốn, tôi liền hô: Khắc nhập! Khắc nhập! Thế là thành tổng công ty, tập đoàn trở lại.
Dân làng vỗ tay rần rần: Giỏi quá! Giỏi quá!
Vị quan thứ hai cười tỉa: Chuyện xuất, nhập các đơn vị ấy chỉ là thuần túy cơ học. Kế thừa tinh hoa của cha ông thời nay phải đẩy nó lên trình độ nghệ thuật. Thế mới đúng là hậu sinh khả úy.
Vị quan thứ nhất vặc: Đừng nổ và chém gió nhá! Ông đã làm được gì?
Vị quan thứ hai thủng thẳng: Tôi đây quản lí con người. Dư luận bảo đông để ăn không ngồi rồi hả? Tôi khắc xuất, cho tinh giản ngay, trấn an dư luận. Còn đến khi dư luận lao xao, sao có đến mấy trăm ngàn cử nhân nhổ cỏ á? Khó gì, tôi bèn hô khắc nhập điền vào chỗ trống. Lo bị xuất: Chạy! Muốn được nhập: Chạy! Tôi làm thế cũng là theo tinh thần định luật bảo toàn và chuyển hóa… ghế đấy, phải không dân làng?
Vỗ tay! Vỗ tay! Và vỗ tay…