Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt mốc kỷ lục 48,6 tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sáng 29/12, tại hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến cho biết, năm 2021 kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản ước đạt mức cao kỷ lục 48,6 tỷ USD, tăng gần 15% so với năm trước, vượt mục tiêu đề ra 4,6 tỷ USD.

Trong đó nông sản chính ước đạt 21,49 tỷ USD (tăng 13,5%); lâm sản chính 15,96 tỷ USD (tăng 20,7%); thủy sản trên 8,89 tỷ USD (tăng 5,6%); chăn nuôi 434 triệu USD (tăng 2,1%).

Theo lãnh đạo Bộ NN&PTNT, đáng chú ý năm 2021, tiếp tục có 10 nhóm mặt hàng chủ lực của ngành nông nghiệp có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó có tới 6 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều; gạo, cao su). Thặng dư thương mại toàn ngành 6,44 tỷ USD, giảm 40,8% so với năm 2020.

Năm nay, giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp tăng 2,85 - 2,9%, trong đó nông nghiệp tăng trên 3,18%, lâm nghiệp tăng trên 3,85%, thủy sản tăng trên 1,85%; tỷ lệ che phủ rừng 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới 68,2%; kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 48,6 tỷ USD.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, thời gian tới, ngành NN&PTNT xác định từng bước chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương; tập trung thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, coi đây là giải pháp đột phá tạo động lực mới cho tăng trưởng, phát triển ngành

Bộ NN&PTNT cũng sẽ phối hợp với Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại các nước xây dựng các kênh trao đổi, cung cấp thông tin các thị trường xuất khẩu trọng tâm như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc… để phân tích, đánh giá, dự báo thị trường trong và sau dịch bệnh, từ đó đề ra giải pháp ứng phó kịp thời, linh hoạt; phối hợp, đồng hành với các địa phương kết nối cung cầu và tìm giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản, đưa nông sản vào các hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng, tham gia các sàn thương mại điện tử.

Đặc biệt, ngành nông nghiệp thực hiện cơ cấu ngành đi vào thực chất, hiệu quả hơn; quy mô và trình độ sản xuất được nâng cao, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa trên cơ sở phát huy các lợi thế từng vùng, miền, chuyển dịch theo hướng hiện đại.

MỚI - NÓNG