Theo Bộ NN&PTNT, trong 11 tháng của năm 2021, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 19,3 tỷ USD (tăng 13,7%); lâm sản chính đạt khoảng 14,3 tỷ USD (tăng 20,9%); thủy sản đạt trên 7,9 tỷ USD (tăng 3,5%); chăn nuôi ước đạt 393 triệu USD (tăng 4%); nhóm đầu vào sản xuất trên 1,5 tỷ USD (tăng 25,9%). Tính chung 11 tháng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đã đạt gần 43,5 tỷ USD (tăng 14,2%).
Đáng chú ý, nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua liên tục tăng cao về giá trị như: Cà phê, cao su, gạo, nhóm hàng rau quả, hồ tiêu, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, sản phẩm chăn nuôi; sản phẩm gỗ; mây, tre, cói thảm; quế,… Trong đó, cao su, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu.
Một số mặt hàng như hồ tiêu dù khối lượng xuất khẩu giảm nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng (tăng 54,4%) nên giá trị vẫn tăng 44,0%. Cà phê khối lượng giảm 4,4% nhưng giá trị xuất khẩu vẫn tăng 5,9%. Ngoài ra, một số mặt hàng khác tăng giá trị như: Rau quả (tăng 8,6%); gỗ và sản phẩm gỗ (tăng 20%); mây, tre, cói thảm (tăng 42,2%); quế (tăng 14,7%).
Mỹ tiếp tục trở thành thị trường nhập khẩu nông sản Việt Nam lớn nhất với giá trị trên 11,9 tỷ USD (chiếm 27,5% thị phần), tiếp theo là Trung Quốc với gần 8,4 tỷ USD (chiếm 19,2% thị phần); Nhật Bản đạt gần 3 tỷ USD (chiếm 6,9%); Hàn Quốc đạt khoảng 1,9 tỷ USD (chiếm 4,4%)…
Ngoài ra, Việt Nam cũng tăng vọt nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản với giá trị 39,2 tỷ USD (tăng 39% so với cùng kỳ năm 2020), nâng giá trị xuất siêu của Việt Nam đạt gần 4,3 tỷ USD (giảm 56,5% so năm ngoái).
Bộ NN&PTNT cho biết, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản với các nước Peru, Úc, Braxin, Trung Quốc, Mỹ, ASEAN, Nga, Séc…, đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ thực hiện đề án “Nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”.