Xuất khẩu cá tra giảm hơn 30% nửa đầu năm 2020

Do xuất khẩu ảm đạm, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng qua chững ở mức thấp, quanh mức 18.000-18.200 đồng/kg
Do xuất khẩu ảm đạm, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng qua chững ở mức thấp, quanh mức 18.000-18.200 đồng/kg
TPO - Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, nửa đầu năm 2020, xuất khẩu cả nước đạt trên 3,5 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó giảm sâu nhất là cá tra (-31%), cá ngừ và mực bạch tuộc đều giảm 20%.

Theo Vasep, dịch COVID-19 không thuyên giảm trên thế giới tiếp tục ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các thị trường trong quý II/2020.

Sau khi giảm 16% trong tháng 5/2020, đạt gần 640 triệu USD, xuất khẩu thủy sản trong tháng 6 tiếp tục giảm 10% ước đạt 626 triệu USD. 

Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu thủy sản cả nước ước đạt trên 3,5 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng lưu ý, giảm sâu nhất là cá tra (-31%), cá ngừ và mực bạch tuộc đều giảm 20%, các loại cá biển khác giảm nhẹ 2%. Chỉ có tôm giữ được mức tăng khiêm tốn gần 3%.

Theo Vasep, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu ảnh hưởng đến ngành thủy sản thế giới, khiến cho tiêu thụ thủy sản giảm, xu hướng thay đổi, đơn đặt hàng giảm 35- 50%.

Giãn cách xã hội khiến sản xuất trong nước và thương mại quốc tế đình trệ: DN bị thiếu nguyên liệu chế biến, vận tải và thanh toán khó khăn, thiếu vốn để duy trì và phục hồi hoạt động.

Theo Vasep, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc, Hàn Quốc giảm mạnh trong 2 tháng đầu năm, từ tháng 3, dịch lắng xuống ở Trung Quốc và bùng phát ở các nước châu Âu và Mỹ khiến xuất khẩu sang những thị trường này bị ảnh hưởng mạnh.

Tính đến hết tháng 6, xuất khẩu thủy sản sang EU giảm sâu nhất (-35%), sang Mỹ giảm 6%, sang ASEAN giảm 17%, sang Hàn Quốc giảm 9%, Trung Quốc giảm 3% và sang Nhật giảm 5%.

Chỉ có một vài thị trường tăng nhẹ nhập khẩu từ Việt Nam là Anh và Canada nhưng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng xuất khẩu thủy sản của cả nước.

Theo nhận định của Vasep, trong 2 tuần gần đây, sau tin đồn virus corona có trong thủy hải sản nhập khẩu, thị trường Trung Quốc đã bị xáo trộn, giao dịch đình trệ.

Trung Quốc siết chặt kiểm tra hàng nhập khẩu, khiến cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam (tôm, cá tra) sang thị trường này cũng bị chững lại và giá giảm.

Trong khi đó, theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT)cho biết, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong tháng qua chững ở mức thấp, quanh mức 18.000-18.200 đồng/kg đối với cá tra loại I (700-900g/con).

Các doanh nghiệp lớn hầu như không bắt cá ngoài mà chủ yếu đang bắt trong hệ thống liên kết, các công ty nhỏ, đơn vị gia công bắt cá ngoài rất ít.

Thị trường vẫn diễn biến chậm do tình hình xuất khẩu vẫn ảm đạm với lượng đặt hàng mới yếu, lượng tồn kho cao cùng với giá xuất khẩu thấp.

Nguồn cung hạn chế đã hỗ trợ giá tôm sú nguyên liệu trong nước trong tháng 6/2020, trong khi đó giá tôm thẻ chân trắng giảm do vào vào vụ thu hoạch, nguồn cung dồi dào.

Khi nào thị trường thủy sản hồi phục?

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản nhận định, đối với cá tra, nếu trong quý III/2020, tình hình dịch bệnh tại các nước đang là tâm dịch nằm trong tầm kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh mở cửa trở lại, xuất khẩu cá tra mới có cơ hội phục hồi.

Trong khi đó, theo dự báo mới từ các doanh nghiệp, khả năng giá tôm sẽ được duy trì ở mức tốt ngay đầu quý III, sớm một tháng so với hai năm gần.

Còn theo Vasep, dù nhu cầu có thể suy giảm, nhưng mức giảm vẫn thấp hơn so với nguồn cung, nên khả năng giá tôm tiếp tục duy trì ở mức tốt cho người nuôi.   

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.