Ngày 4/5, mạng xã hội lan truyền video Xuân Lan giao lưu với khán giả tại rạp chiếu phim. Theo đó, Xuân Lan có những chia sẻ xoay quanh việc bộ phim Cái giá của hạnh phúc nhận đánh giá tiêu cực.
“Trước khi vào rạp, tôi trải qua một cú sốc lớn, chúng tôi bị review một cách rất oan ức. Có những người không xem phim vẫn review chê tan nát. Các bạn xem cái kết, các bạn có hiểu không? Vậy mà có người cho rằng cái kết phim Cái giá của hạnh phúc là loạn luân, rác rưởi và không chấp nhận được. Đoàn phim bị oan vì những review tiêu cực, thậm chí họ không xem phim hoặc cố tình không hiểu”, Xuân Lan nói.
Xuân Lan cũng lý giải việc cô đưa nhân vật Phong với tình tiết LGBTQ+ trong phim không phải để "câu view".
Nữ diễn viên cho biết cô luôn luôn lồng ghép yếu tố này trong các sản phẩm, show diễn của mình để ủng hộ cộng đồng LGBT. Trong tương lai, Xuân Lan khẳng định vẫn tiếp tục làm như vậy để thể hiện tình yêu của mình dành cho LGBT.
Trước đó, Xuân Lan lên tiếng đối chất với nhà phê bình Lê Hồng Lâm khi người này chỉ ra những điểm hạn chế của bộ phim Cái giá của hạnh phúc.
Xuân Lan cho rằng những bình luận ác ý của Lê Hồng Lâm kéo theo hệ lụy không nhỏ đến phim. Thậm chí, cô đáp trả nhà phê bình không thiện chí, cố ý dùng từ phản cảm để "đập búa" Cái giá của hạnh phúc.
Hành động của Xuân Lan gây không ít tranh cãi. Nhiều khán giả cho rằng việc nhà phê bình đánh giá phim là bình thường, nhưng nhà sản xuất, diễn viên đáp trả, phản bác ý kiến là bất thường. Nếu thiện chí, Xuân Lan nên lắng nghe, rút kinh nghiệm hơn là “cãi tay đôi”, bất bình trước những ý kiến chê bai phim.
Bàn luận về vấn đề này, nhà nghiên cứu văn hóa nêu quan điểm: “Việc người mẫu Xuân Lan phản biện những đánh giá của nhà phê bình Lê Hồng Lâm cũng là lẽ bình thường. Bởi vì không ai hiểu tác phẩm nghệ thuật bằng chính tác giả của nó. Nhưng chính vì quá hiểu tác phẩm của mình, đôi khi nhà sáng tạo rơi vào tình trạng nhận thức chủ quan, độc đoán trong quan điểm. Quan trọng nhất vẫn là thái độ trong khi phê bình, phản biện như thế nào mà thôi. Vì lợi ích chung hay chỉ chăm chăm bảo vệ cái tôi chủ quan, sở thích của mình”.
Diễn xuất của Thái Hòa được khen nhưng kịch bản phim bị chê nhiều drama, tiêu cực. |
Chuyên gia nhận định một bài phê bình dù hay hay dở cũng chỉ là một góc nhìn lý luận về một vấn đề hay một tác phẩm. Nó không phải và không bao giờ là ‘lời sấm truyền’ hay ‘một bản án’ đối với tác phẩm sáng tạo. Nếu quan niệm xem nhà phê bình như ‘đao phủ’ và xem bài phê bình như ‘bản án’ đối với sản phẩm sáng tạo nghệ thuật là chúng ta đang sai về nhận thức thẩm mỹ.
“Nếu tác phẩm của nhà sáng tạo có giá trị thì hàng nghìn bài phê bình, phản biện đi nữa cũng không bao giờ chết được, ngược lại, chính những ý kiến phê bình sẽ làm cho tác phẩm ấy trở nên giá trị hơn. Giống như vàng thử lửa vậy. Đã là vàng tốt thì gặp ngọn lửa lớn sẽ càng tỏa sáng rực rỡ”, nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang cho hay.
Hiện, bộ phim Cái giá của hạnh phúc đạt doanh thu hơn 25 tỷ đồng sau 2 tuần ra rạp. Dự án lép vế hoàn toàn trước nhiều dự án công chiếu sau này. Với thực tế đó, Cái giá của hạnh phúc được dự đoán không đạt doanh thu như kỳ vọng, thậm chí nhà sản xuất có thể phải chịu thua lỗ.