Thời gian vừa qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã miễn nhiệm 2 lãnh đạo Ngân hàng Đông Á vì có sai phạm, xin cho biết quan điểm xử lý đối với trường hợp này?
Việc thanh tra toàn diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á được thực hiện theo kế hoạch triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng. Kết quả thanh tra cho thấy trong giai đoạn 2012 trở về trước, ngân hàng này đã có nhiều vi phạm quy định về quản lý tài chính, cấp tín dụng và các hoạt động kinh doanh khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính của ngân hàng này.
Ngày 14/8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định đưa ngân hàng này vào diện kiểm soát đặc biệt. Ngày 20/8, NHNN đã có quyết định đình chỉ quyền và nghĩa vụ của ông Trần Phương Bình đối với chức danh thành viên Hội đồng quản trị và chức danh Tổng Giám đốc; đình chỉ quyền và nghĩa vụ của bà Nguyễn Thị Ngọc Vân đối với chức danh Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á.
Đồng thời cử cán bộ tham gia và chỉ đạo kiện toàn Ban điều hành ngân hàng. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo NHNN và cơ quan chức năng tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp theo Đề án đã được phê duyệt đối với Ngân hàng Đông Á, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền, quyền và nghĩa vụ kinh tế của các bên liên quan và xử lý vi phạm (nếu có) của các tổ chức, cá nhân theo quy định pháp luật.
Được biết, việc CPH doanh nghiệp nhà nước đang chậm, có nguy cơ không hoàn thành kế hoạch đề ra. Chính phủ có giải pháp gì để đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm hoàn thành đúng kế hoạch?
Vừa qua, Chính phủ có nghe Ban Chỉ đạo đổi mới báo cáo qua đó thì thấy, các cơ quan, đơn vị có tích cực và đem lại một số kết quả. Tuy nhiên, so với số lượng đã đề ra thì đúng là việc CPH vẫn còn chậm. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2015 vẫn còn khoảng 89 doanh nghiệp, vì lý do này, lý do khác khó hoàn thành kế hoạch.
Điều này có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có lý do về kinh tế, và chúng ta cũng không CPH bằng mọi giá để dẫn đến thất thoát tài sản. Tuy nhiên, trước việc chậm này, Chính phủ đã yêu cầu đánh giá, làm rõ nguyên nhân và có giải pháp tháo gỡ. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng chỉ đạo xem xét xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị nếu cố tình, hoặc lý do chủ quan nào đó không thực hiện chủ trương CPH.
Thu từ dầu thô chỉ đạt 50,7%
Giá dầu thô thế giới giảm sâu có thể ảnh hưởng đến thu ngân sách. Chính phủ đã có phương án gì để bảo đảm nguồn thu cũng như việc cân đối ngân sách thời gian tới?
Ngay từ đầu năm 2015, trước tình hình giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm mạnh, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng các kịch bản điều hành bảo đảm nguồn thu, cân đối ngân sách nhà nước và tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2015.
Đến hết tháng 8/2015 thu dầu thô chỉ đạt 50,7% dự toán. Các bộ, ngành chức năng đã báo cáo Chính phủ các kịch bản ứng phó, kể cả kịch bản giá dầu tiếp tục giảm sâu. Bộ Tài chính khẳng định với giá dầu như hiện nay, thu ngân sách nhà nước năm 2015 vẫn bảo đảm theo kế hoạch đề ra và quyết tâm thực hiện thu đạt và vượt dự toán.
Tại Hội nghị trực tuyến tháng 6 năm 2015, Bộ KH&ĐT, Bộ Công Thương cho rằng để tăng trưởng GDP đạt mục tiêu 6,2% thì phải khai thác thêm 1-2 triệu tấn dầu thô. Tuy nhiên, giá dầu giảm sâu nên có ý kiến cho rằng không nên khai thác vượt chỉ tiêu trên?
Trên cơ sở kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm 2015, thực trạng các mỏ dầu khí đang khai thác và sau khi rà soát, cân đối tất cả các yếu tố liên quan, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phấn đấu đạt sản lượng khai thác dầu trong nước năm 2015 là 15,74 triệu tấn, tăng 1 triệu tấn so với kế hoạch Chính phủ giao (14,74 triệu tấn), tương đương mức tăng 7%. Tuy nhiên, trong bối cảnh giá dầu giảm mạnh, việc tăng sản lượng khai thác đóng góp không nhiều vào thu ngân sách, trong khi đó, nếu không tính toán kỹ sẽ ảnh hưởng tới an toàn của các mỏ và khả năng khai thác lâu dài.
Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, đánh giá toàn diện các yếu tố ảnh hưởng đến kế hoạch khai thác dầu thô để có được phương án khai thác tối ưu, bảo đảm an toàn mỏ; chỉ đạo điều hành giá xăng dầu phù hợp với diễn biến giá dầu thô. Đồng thời, thúc đẩy sản xuất trong nước, xuất khẩu, tăng thu từ các ngành sản xuất, dịch vụ khác, bảo đảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước, phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP 6,2% trong năm 2015.
Rút kinh nghiệm tuyển sinh ĐH, CĐ
Một số ý kiến cho rằng, về cơ bản kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2015 và xét tuyển đại học, cao đẳng đã giảm áp lực thi cử và lãng phí cho xã hội. Tuy nhiên, kỳ thi vẫn còn không ít hạn chế, bất cập, nhất là khâu xét tuyển. Xin cho biết quan điểm chỉ đạo của Chính phủ về vấn đề này?
Việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 đã được thực hiện theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nhằm làm giảm áp lực thi cử và lãng phí cho xã hội, phản ánh kết quả học tập của học sinh khách quan, chính xác hơn, đáp ứng yêu cầu xét tốt nghiệp cho học sinh trung học phổ thông. Tuy nhiên, trong khâu sử dụng kết quả thi để xét tuyển đại học, cao đẳng đã bộc lộ một số bất cập do lỗi kỹ thuật liên quan đến quy trình đăng ký và thay đổi nguyện vọng, thời gian xét tuyển.
Trước tình hình này, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã nghiêm túc đánh giá, rút kinh nghiệm về những hạn chế, bất cập của tuyển sinh đại học đợt 1 và kịp thời điều chỉnh trong tuyển sinh đợt 2. Cụ thể thí sinh sẽ không điều chỉnh nguyện vọng đăng ký và thời gian đăng ký cũng sẽ ngắn lại. Đồng thời Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tổng kết, đánh giá toàn diện về việc tổ chức kỳ thi và công tác tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng năm 2015, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Một số đơn vị đồng ý dừng thu phí đường bộ
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên, sau khi Bộ GTVT có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét tạm dừng việc thu phí sử dụng đường bộ, VPCP đã có văn bản gửi lấy ý kiến các bộ, cơ quan, địa phương. Đến nay, VPCP nhận được ý kiến của Bộ Tài chính và một số cơ quan liên quan, cơ bản thống nhất với đề nghị của Bộ GTVT. VPCP đang tổng hợp ý kiến của các bộ, cơ quan có liên quan và dự kiến sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép đưa nội dung này vào chương trình phiên họp Chính phủ tháng 9/2015.