“Xóm 77” giữa Sài Gòn

Những gánh hàng rong trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận 5, TPHCM)
Những gánh hàng rong trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận 5, TPHCM)
TP - Tại một chung cư cũ thuộc khu vực Cầu Ông Lãnh, quận 4, TPHCM, có một xóm lao động mà nhiều người hay gọi là “xóm 77” - xóm của những người đi xe mang biển số Bình Định. Nơi đây tập hợp gần trăm phụ nữ với nghề “buôn gánh bán bưng”...

Xóm thành lập từ những năm sau giải phóng, đến nay đã có nhiều thế hệ, nhiều đứa con thành đạt từ những gánh hàng tần tảo ấy. Họ làm công việc truyền đời, cam chịu và nhẫn nhịn để nuôi sống gia đình không chỉ ở quê nhà mà cả ở đất Sài Gòn đắt đỏ.

Xóm của phụ nữ tha hương

Dù là ngày chủ nhật, đến chung cư cũ này cũng khó để gặp cảnh cả “xóm” quần tụ đầy đủ. Họ bắt đầu đi làm từ 4 giờ sáng, đến khi thành phố chìm trong đêm, họ mới lọ mọ trở về với đôi quang gánh. Người ta chỉ nghe cái giọng đặc sệt xứ “nẫu” khi gần rạng sáng mới hay họ đã về nhà. Ở đây, những đêm muộn đều nghe thì thào nhỏ to: “Hôm nay bà bán được bao nhiêu hàng. Đủ để đóng học phí thằng Tí không?”. Hay như: “Đã gom được tiền cho người thân nhập viện chưa?”.

“Cố lên em ơi! Gia đình gánh trên vai chúng ta, nó nặng gấp trăm ngàn lần cái thúng bánh tráng ở góc nhà”. 

Chị Đào động viên đồng nghiệp

Chị Nguyễn Thị Oanh, 33 tuổi, quê ở Bình Định, có “thâm niên” hơn 5 năm trong nghề ở đây. Lúc mới bước chân vào đất Sài Gòn, chị nhận vé số đi bán nhưng, sau đó được các chị đồng hương giúp đỡ, chị đã mua một đôi quang gánh và chuyển về sống với bà con ở khu vực Cầu Ông Lãnh này. Chị Oanh là một trong số gần 100 phụ nữ là người Bình Định, vì vậy, khu vực chung cư ở Cầu Ông Lãnh được mọi người gọi vui là “xóm buôn gánh bán bưng” hay “xóm 77”. Dù là những người buôn thúng bán mẹt nhưng chị Đào cho biết, xóm luôn sống với truyền thống “lá rách ít đùm lá rách nhiều”. “Ai khó khăn khi vào thành phố mưu sinh sẽ được những người đi trước chỉ dẫn mối để làm ăn”- chị Đào chia sẻ. 

Hôm chúng tôi đến “xóm 77” khi trời đã tối mịt, thấy chị Hạnh, một phụ nữ ở xóm này ngồi khóc nhớ con sau khi buông đôi quang gánh. “Cố lên em ơi! Gia đình gánh trên vai chúng ta, nó nặng gấp trăm ngàn lần cái thúng bánh tráng ở góc nhà”- chị Đào thủ thỉ vào vai người đồng hương. Những lúc có người mệt mỏi, nhớ con, nhớ quê, hầu như mọi người đều dành cho nhau những lời động viên. 

Hơi ấm đồng hương, sự đùm bọc, yêu thương hầu như ủ tỏa cả khu chung cư này đã mấy chục năm nay. Những lần như vậy, chị Hạnh và nhiều người khác, dù nhớ con cái, vẫn phải tích cực để làm ăn. Ai cũng hiểu họ vào đây là “ra đi là để tốt hơn ở nhà”. “Nghề buôn “mẹc” chỉ dành cho những ai chịu khó, bởi vì mỗi ngày phải đi bộ cùng đôi gánh hàng luồn lách giữa hang cùng ngõ hẻm mới có “ăn””- chị Hạnh tâm sự. 

“Xóm 77” giữa Sài Gòn ảnh 1 Mỗi buổi tối các chị phải bưng hàng để bán ở những khu vực có đông quán nhậu
Có khi thấy họ ở những khu công viên, trường học, lúc thấy ở bến xe buýt… Nhưng, theo những người có kinh nghiệm thì những khu vực dễ kiếm sống nhất đó là Hồ Con Rùa, khu vực các ngã tư, ngã ba gần các khách sạn thuộc quận 1… Bởi vì, những khu vực ấy đông khách qua lại và có những du khách nước ngoài thường ghé mua, nên thu nhập cũng khá. 

Chị Nguyễn Thị Ngọc, 42 tuổi, quê ở Bình Định vào xóm này 20 năm nay, cho biết: “Nghề này cũng… dễ kiếm sống, nếu chịu khó, siêng năng. Mỗi ngày bán hàng có thể thu lời từ 200-400 nghìn đồng/ngày. Vậy chi ra, mỗi tháng cũng kiếm được từ 6 đến hơn 10 triệu đồng”. Cũng theo chị Ngọc, có người “vô mánh” mỗi tháng thu cả 15 triệu đồng. 

“Nhưng cũng tùy người bán giỏi hay không. Số tiền đó chúng tôi tích góp đến cuối tháng rồi quyết toán lo phí nhà trọ, phần để ăn uống, còn đồng nào đều gửi về quê để nuôi gia đình”- chị Ngọc tâm sự. Dù khó khăn, mỗi tháng gần 100 chị em xa quê xóm này cũng đóng góp một phần nhỏ 20-50 nghìn đồng/ mỗi người để làm “quỹ xóm”. “Số tiền này để lo cho chị em không may đau ốm hoặc gửi về quê lo ma chay, hiếu hỷ”- chị Ngọc kể.

Gom góp dạy con thành tài

Bao lần đi qua khu vực đường Nguyễn Văn Cừ, đoạn trước ĐH Khoa học Tự nhiên, quận 5, cảnh thường gặp là những gánh hàng với những thức quà vặt đơn giản như: Bánh tráng trộn, xoài, ổi, bịch bắp rang, khô bò hay trứng ngang, trứng lộn,… lại xuất hiện trên đôi quang gánh nặng trĩu của các chị. Khi khách hàng thưa dần cũng là lúc các chị thường tụ họp ở khu vực đường này với bữa cơm mang theo. Những câu chuyện trong bữa ăn thông thường là: “Sáng giờ bán được nhiều không?”, “Con cái ở nhà ra sao?”, “Tết này có thu xếp về nhà được không?”, hay “Tết về rồi có định quay lại?”… 

“Xóm 77” giữa Sài Gòn ảnh 2 Những thức quà vặt đơn giản như: Bánh tráng trộn, quả xoài, quả ổi, bịch bắp rang, khô bò hay những quả trứng… trên đôi quang gánh
Khi hỏi chuyện, chị Trần Thị Tuyết Thanh, quê ở thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định vào đây buôn bán được 6 năm, nhanh nhảu: “Ở quê khổ quá nên mới vô đây chú ơi”. Vừa thoăn thoắt gọt xoài, chị Thanh vừa nói chuyện. “Chồng và con vẫn đang ở quê, tui vô đây một mình mấy năm nay. Dù buôn bán vất vả nhưng lúc nào cũng có đồng ra đồng vào, lo cho con cái được”- chị Thanh khoe. Từ lúc chồng chị bị bệnh rồi mất sức lao động, gia đình chỉ trông chờ vào chị. Thấy sinh kế của gia đình ngày càng chật vật, 2 con còn nhỏ đang tuổi ăn tuổi học, chị đã đón xe vào đất Sài Gòn mưu sinh. Nhiều đêm, chị nhớ con đến thắt lòng nhưng chỉ biết nuốt nước mắt vào trong. 

Chị Thanh kể: “Ngoài quê chỉ có mảnh vườn, thửa ruộng, muốn kiếm sống cũng khó với nhà có nhiều miệng ăn”. Kể từ ngày vào đây, mỗi tháng chị Thanh bán và kiếm số tiền lời từ 8-10 triệu đồng. Số tiền này là ước mơ chưa bao giờ có với vợ chồng chị ở quê khi bươn chải làm thuê vài tháng. “6 năm nay, 2 đứa con đều ăn học đến nơi đến chốn nhờ vào gánh bánh tráng, trái cây này”- chị kể. Khi hai đứa con sinh đôi vào học lớp 10 ở quê, cũng là lúc chị Trần Thị An, gia nhập “xóm 77”.

10 năm nay, nhờ đôi quang gánh này, hai con chị từ có chỗ dựa học hành tốt, cùng thi đậu vào hai trường đại học ở TPHCM và nay đã ra trường đi làm. “Chưa bao giờ tôi ngừng nghỉ làm việc. Mỗi tháng kiếm được 10 triệu đồng và đủ chi phí cho hai con học hành”. Chị An chia sẻ. Chị An không giấu niềm tự hào, các con đã thành tài, đã đi làm và giúp đỡ được bố mẹ. 

3 đứa con tưởng như phải nghỉ học vì gia đình khó khăn, chị Hồ Thị Hạnh, 45 tuổi ở Bình Định được một đồng hương gọi vào TPHCM nhập hội buôn bán. Từ bánh tráng trộn, đến me, xoài, cóc ổi, sau đó chị Hạnh chọn bán đồ lưu niệm, bản đồ dạo ở các tuyến đường trung tâm quận 1 cho khách du lịch. Mỗi ngày may mắn chị Hạnh bán được 500 nghìn đồng, có khi khách còn “bo” cho cả 100 nghìn đồng. 

Mỗi tháng ước tính chị Hạnh thu về gần 10 triệu đồng. “Có tiền, 3 con được đi học, tui còn xây được cái nhà mơ ước mấy chục triệu để tránh mưa tránh gió nữa”- chị khoe. Theo chị, đời cha, mẹ đã khổ thì không thể để cho các con khổ tiếp. Vì vậy chị tự dặn lòng và phấn đấu cố gắng dậy sớm hơn, cố gắng bán nhiều hơn để có tiền nuôi gia đình, lo học phí để các con ở nhà được đi học thành người có ích. 

Buổi chiều, đi qua cổng trường ĐH khoa học tự nhiên trên đường Nguyễn Văn Cừ, quận 5 những tiếng rao: “Bánh tráng…!, gỏi xoài, bò bía” vang đặc sệt chất giọng Bình Định. Chúng tôi tấp vào, người phụ nữ nói giọng Bình Định vừa thoăn thoắt bán vừa kể chuyện, mới hay họ đều ở “xóm 77”.

“Do gần Tết nên các chị trong xóm 77 đều tranh thủ thời gian để kiếm tiền. Giai đoạn này khách du lịch nhiều hơn nên bán tốt. Mọi cư dân của xóm đều tranh thủ để kiếm thêm ít tiền, đón xe về quê ăn Tết cùng gia đình” - Chị Ngọc tâm sự.

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.