Xoay xở trong đại dịch, sếp du lịch bán hàng online

0:00 / 0:00
0:00
Anh Hoàng Ân làm bánh bán online
Anh Hoàng Ân làm bánh bán online
TP - Đại dịch COVID kéo dài gần 2 năm qua khiến ngành du lịch thực sự gục ngã. Từ “con gà đẻ trứng vàng” giờ ngắc ngoải như gà… thải loại.

Kỳ 1: Vẫy vùng

Năm 2018, khi mở công ty du lịch chuyên về những tua kỹ năng ngoại khóa, tua vừa chơi vừa học ngoài trời khá độc đáo, anh Hữu Vinh – Giám đốc Công ty du lịch Ðất Ngọc (Q. Bình Tân, TPHCM) không thể ngờ có ngày mình phải đi bán hàng online mưu sinh.

Sếp du lịch bán hàng online

Có hơn 20 năm kinh nghiệm trong việc xây dựng những tua du lịch độc đáo, anh Hữu Vinh đã tổ chức cả trăm tua du lịch homestay (ngủ nghỉ tại nhà người địa phương) không giống ai. Cụ thể, đó là tua đi thăm và khám phá các vùng đất ở các tỉnh Nam Trung Quốc, tua đi Miến Điện….

Chỉ trong thời gian ngắn, du khách có thể được trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa, được sống, được hoà mình với những vùng đất mới mẻ, kỳ thú. Các tua du lịch do anh Vinh tổ chức không lớn nhưng mở nên luôn được lòng du khách trong và ngoài nước.

Năm 2018, khi ra riêng và thành lập Đất Ngọc, anh Vinh cũng xác định sẽ xây dựng các tuyến du lịch “độc” như thế. Công ty hướng tới xây dựng các tua mang tính địa phương, gần gũi để có đông khách tham gia. Gần 2 năm sau khi thành lập, Đất Ngọc đã tổ chức khảo sát những tua dã ngoại tại các địa phương như cao nguyên Lâm Viên, các tỉnh miền Tây…

Rồi đại dịch COVID- 19 ập đến, các dự tính dài hơi của anh Vinh đã trở thành… công cốc. Các công ty du lịch đóng cửa, các tuyến mở ra cả tháng có khi chỉ nhận được vài lời hỏi thăm của khách.

“Suốt hơn một năm qua chúng tôi cố cầm cự. Mỗi khi hết dịch, mở cửa chỉ được vài chuyến nhưng không thể duy trì được lâu bởi, vì đến lúc chuẩn bị lên đường lại phải ngưng vì dịch COVID-19… Không thể cứ bị động mãi, chúng tôi quyết định chuyển hướng làm ăn. Tôi đã thành lập công ty Vfood chuyên bán online những sản vật độc đáo của miền Tây Nam bộ cho những người sành điệu muốn thưởng thức” - anh Hữu Vinh chia sẻ.

Để phát triển những mặt hàng online, anh Vinh đi tới những vùng đất mình từng xây dựng tua trước đây. Tự mình trải nghiệm, tìm tòi các sản vật độc lạ về thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng trong nước để cung cấp cho khách hàng có nhu cầu....

Anh Vinh kể, một trong những sản phẩm du lịch trước đây là thưởng thức đặc sản địa phương nên khi chuyển qua bán hàng đặc sản online, anh đã có trong tay các mối quan hệ để có thể tìm được nhiều sản vật ngon, độc đáo. Rồi từ những kinh nghiệm dẫn tua, anh xây dựng website, quảng bá cho các mặt hàng của mình.

“Tôi không chọn cách quảng bá bằng cách giới thiệu về chất lượng sản phẩm, tôi chỉ chia sẻ những trải nghiệm của mình, những dấu ấn của món ăn đã gắn liền với lịch sử, với cuộc sống của từng vùng đất. Như món cá thòi lòi, cá lưỡi trâu gắn liền với cuộc sống khẩn hoang Nam bộ… Phần còn lại là khách hàng tự cảm nhận” - anh chia sẻ bí quyết.

Xoay xở trong đại dịch, sếp du lịch bán hàng online ảnh 1

Anh Hữu Vinh làm shipper giao hàng cho khách

“Giãn cách xã hội, cả ngày vòng qua vòng lại chỉ tìm xem chiều nay cả nhà ăn món gì? Hú hồn hú vía, bắt ngay được ông anh thất lạc nhiều mùa của mình đang kinh doanh thực phẩm sạch đậm chất dân dã. Mình đặt luôn một lô thức ăn từ quê gửi lên. Ngon ơi là ngon với tất cả đặc sản miền Tây thu nhỏ. Khô cá lóc, cá dứa, bồn bồn, cà na, trái quả đủ thứ các loại... Mình xắn tay vào bếp làm luôn một đĩa khô cá chiên tỏi ớt, nước mắm ngon nức lòng. Mình mua hàng và giới thiệu sản phẩm đến mọi người…”. Hữu Vinh thường chọn lối viết quảng bá cho sản vật của mình như thế.

Hữu xạ tự nhiên hương

Theo anh Hữu Vinh, dù chỉ mới ra đời nhưng công ty Vfood của anh đã bắt đầu có sự chuyển mình khi đã có nhiều khách hàng quan tâm. Những đơn đặt hàng từ trong Nam ngoài Bắc liên tiếp được gửi tới. Để giảm chi phí, anh đích thân lái xe đi lấy hàng rồi tự đóng gói, gửi trực tiếp. “Hiện nay tôi chưa dám lấy nhiều hàng, giá bán vừa phải lại phải chi phí gửi hàng tương đối cao nên chưa có lợi nhuận nhiều. Nhưng tôi nghĩ trong lúc này, chỉ duy trì công ty cũng là tốt rồi. Chủ yếu là xây dựng mối quan hệ”- anh Vinh cho biết.

Anh Hoàng Ân - Giám đốc công ty du lịch Khám phá mới cũng lựa chọn đi bán các sản vật thiên nhiên ở các địa phương. Khi du lịch còn chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch, anh Ân thường tổ chức các tua lạ như Khám phá biển đảo; Con đường di sản miền Trung… đưa bạn bè đi thưởng thức đặc sản trái cây ở vùng Đông Nam bộ. Nhờ đó, anh có mối quan hệ tốt với các chủ vườn. Nghỉ làm vì dịch, anh Hoàng Ân xoay qua các mặt hàng thời vụ, khi thì bưởi da xanh cho dịp Tết Nguyên đán; lúc xoài, măng cụt cho Tết Đoan ngọ…

Theo báo cáo của sở Du lịch TPHCM, hiện nay có đến 90% doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ, doanh nghiệp lữ hành chuyên kinh doanh thị trường nội địa đã tạm ngưng hoạt động. Chỉ trong quý 1/2021, có 152 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành rút giấy phép kinh doanh dịch vụ. Ðể tồn tại, hầu hết các công ty du lịch vừa và nhỏ đều chuyển qua bán hàng online hay làm dịch vụ vận chuyển…

Mùa nào thức nấy, vì là trái cây tươi nên anh Hoàng Ân chỉ dám nhận khi có khách đặt hàng và trực tiếp đi giao tận nơi như một người giao hàng chuyên nghiệp. “Cũng không lời lãi được bao nhiêu nhưng dịch dã như vầy, tôi cố để duy trì công ty thôi”- Anh Hoàng Ân cho biết.

Cũng từ việc bán hàng online, anh Hoàng Ân dự tính một hướng đi mới với đặc sản cà phê. Từ những yêu cầu của khách hàng, anh đã tìm được nguồn cà phê có khẩu vị khá độc đáo và đang cùng với một nhãn hàng xây dựng chuỗi ca phê mang đi (Take Away).

“Dù hết dịch, du lịch có phát triển trở lại thì tôi nghĩ đây sẽ là một hướng đi song hành với hoạt động của công ty. Không thể biết trước điều gì trong tương lai nên tôi muốn phát triển thêm dịch vụ này để có thể tồn tại trong tình hình mới”- Anh Hoàng Ân cho biết.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG