'Xóa tội' cho Panorama Mã Pì Lèng?

Công trình Panorama Mã Pì Lèng được cải tạo thành điểm dừng chân ngắm cảnh. Ảnh: HOÀNG DƯƠNG
Công trình Panorama Mã Pì Lèng được cải tạo thành điểm dừng chân ngắm cảnh. Ảnh: HOÀNG DƯƠNG
TP - Công trình sai phạm Panorama Mã Pì Lèng ồn ào nhiều tháng nay cuối cùng được “giải cứu” ngoạn mục. Không bị dỡ bỏ, cùng lắm chỉ cắt đi một tầng, đề xuất này của chủ đầu tư - nhận được sự hậu thuẫn lớn của tỉnh Hà Giang. 

Hợp thức hóa sai phạm

“Không phá dỡ công trình, biến thành điểm dừng chân ngắm cảnh và không khai thác lưu trú qua đêm”, đó là phương án do chủ đầu tư đề xuất, được sự đồng thuận của một số chuyên gia góp ý và định hướng của tỉnh Hà Giang. Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Trần Đức Quý, chủ trì cuộc họp lấy ý kiến tại Hà Nội cuối tuần qua. Cuộc họp chỉ có thành viên Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Viện Bảo tồn Di tích, Cục Di sản Văn hóa, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và “đóng cửa” với báo chí.

Bà Vũ Ngọc Ánh, chủ đầu tư của Panorama Mã Pì Lèng ngày 10/3 gửi văn bản báo cáo cải tạo chỉnh trang công trình thành điểm dừng chân ngắm cảnh với quy mô kiến trúc phù hợp. Trước đó 4/3, UBND tỉnh có công văn đề nghị các sở, ngành đôn đốc triển khai thực hiện trình tự, thủ tục đầu tư một số dự án trong đó có công trình này. Chủ đầu tư trình bày “nhận được sự giúp đỡ và hướng dẫn chu đáo chi tiết của cán bộ thuộc các ban ngành liên quan và nhận thức rõ kiến trúc do con người tạo ra, tồn tại phù hợp và hữu cơ với cảnh quan thiên nhiên”.

Từ lí luận đó, chủ đầu tư đề xuất cải tạo Panorama Mã Pì Lèng thành điểm dừng chân ngắm cảnh cho du khách với quy mô kiến trúc phù hợp cảnh quan, đồng điệu với kiến trúc truyền thống: Sử dụng các họa tiết, chi tiết dùng trang trí của các dân tộc địa phương vào công tác hoàn hiện công trình tạo cảnh quan gần gũi với môi trường xung quanh, đồng thời cũng là nơi giới thiệu văn hóa, các sản vật và đặc sản địa phương với du khách trong và ngoài nước.

“Về kết cấu, phần công trình trên cốt mặt đường nên giữ lại toàn bộ, chỉ thay đổi vật liệu hoàn thiện cho phù hợp như tiêu chí của Bộ VHTTDL. Lý do giữ lại  là vì phần nổi này chính là đối trọng neo giữ toàn bộ công trình. Toàn bộ công trình nằm trên một triền dốc đứng, nếu ta đập bỏ chính là làm nhẹ phần đối trọng của toàn bộ công trình, có thể gây trượt, nguy hiểm cho toàn bộ công trình. Phần cuối phía dưới của công trình cũng vậy, nếu đập bỏ sẽ làm mất đối trọng phần chân công trình khi chịu lực bên trên dồn xuống. Phần này như chốt chặn để công trình được ổn định và giữ cân bằng vị trí. Toàn bộ kết cấu trên được liên kết chặt chẽ, tạo sự ổn định cho công trình”, chủ đầu tư lí luận.

'Xóa tội' cho Panorama Mã Pì Lèng? ảnh 1
Bà Ánh cũng tìm tới một công ty tư vấn kiến trúc, cốt để đưa ra phương án cải tạo theo hướng giữ nguyên khối nhà, hứa hẹn tôn tạo và bổ sung cảnh quan xung quanh công trình, bằng việc trồng cây và hoa, đảm bảo hài hòa với thiên nhiên xung quanh.

Cụ thể, với khối nhà nghỉ ngơi 1 tầng diện tích khoảng 207m2, tường và lan can sân trời được ốp vật liệu gỗ mô phỏng nhà truyền thống của người Mông…

Tạo tiền lệ xấu

Panorama Mã Pì Lèng khởi công 4/4/2017, khánh thành 30/4/2019. Tổng mặt bằng hơn 500m2, xây dựng 80% thì bị dừng. Trong suốt quá trình xây dựng, nó không hề bị kiểm tra, nhắc nhở. Mãi đầu tháng 10/2019, báo chí vào cuộc phản ánh về công trình giật cấp 7 tầng mọc trên đỉnh đèo Mã Pì Lèng, trong lòng cao nguyên đá Đồng Văn, chỉ khi ấy chính quyền huyện Mèo Vạc mới lập đoàn kiểm tra liên ngành.

So với quyết tâm phá dỡ hoàn toàn công trình 7 tầng này như những ngày đầu phát hiện sai phạm (theo đề xuất Sở Xây dựng tỉnh Hà Giang) thì quyết định mới, chỉnh trang công trình này chẳng khác nào nỗ lực giải cứu ngoạn mục và xóa tội cho Panorama Mã Pì Lèng của UBND tỉnh Hà Giang.

Còn nhớ, ngày 8/10/2019, Sở Xây dựng trong báo cáo gửi UBND tỉnh đã đề xuất cải tạo, chỉnh trang một phần công trình gồm một tầng âm và một tầng nổi sát mặt đất để phục vụ mục đích ngắm cảnh, toàn bộ 7 tầng giật cấp phía trên nhô ra phía sông Nho Quế sẽ bị tháo dỡ để cải tạo trồng cây xanh. Thế nhưng nay, UBND tỉnh làm mọi thủ tục để chủ đầu tư được trình bày kế hoạch sửa sai như không có chuyện vi phạm.

Khi dư luận mổ xẻ, chủ đầu tư chỉ trình ra được bản vẽ thiết kế chưa qua thẩm định, chưa được cơ quan chức năng phê duyệt về đầu tư, xây dựng. Mảnh đất xây dựng tòa nhà kiên cố này thực chất chủ sở hữu mới chỉ có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trồng cây hàng năm, chưa chuyển đổi mục đích sang đất thổ cư, đất xây dựng. Cho tới cuộc họp vừa rồi tại Hà Nội, UBND tỉnh Hà Giang không nhắc tới hình thức xử phạt đối với chủ đầu tư Vũ Ngọc Ánh.

Lãnh đạo tỉnh Hà Giang trong văn bản báo cáo Thủ tướng hồi tháng 10 năm ngoái từng khẳng định “không bao che sai phạm, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan, đồng thời khắc phục những sai phạm trong xây dựng công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama tại khu vực đèo Mã Pì Lèng”. Rốt cuộc cả hệ thống chính quyền tỉnh lật đật xuống tận Hà Nội xin ý kiến chuyên gia hòng hợp thức hóa sự tồn tại công trình.

GS.TS. Trương Quốc Bình từng nhắc đi nhắc lại hiện tượng nhờn luật, coi thường luật trong lĩnh vực di sản văn hóa. Chính vì thế việc sửa sai cho công trình vi phạm Panorama Mã Pì Lèng dễ tạo tiền lệ xấu, thậm chí vẽ đường cho nhiều công trình sai phạm tương tự.

Cần đánh giá tác động môi trường

Phương án cải tạo Panorama Mã Pì Lèng được tiếp tục chỉnh sửa để gửi các chuyên gia, Cục Di sản Văn hóa cho ý kiến trước khi cho chủ đầu tư cải tạo. Tuy nhiên, một số kiến trúc sư và chuyên gia nhấn mạnh: cần có báo cáo tác động môi trường của công trình. 

MỚI - NÓNG