Xóa sổ mô hình giáo dục hiện hành

Xóa sổ mô hình giáo dục hiện hành
TP - Nếu muốn học điều gì đó, hãy tiếp xúc, thử nghiệm và phạm sai lầm. Nói cách khác, có một trào lưu sư phạm mới đang nổi lên trên thế giới phủ nhận lối học mài đũng quần trên ghế và thụ động lắng nghe lời rao giảng.

Chuyên gia sư phạm Brazil TS Paulo Freiren (1921-1997) gọi cách giáo dục phổ cập rộng rãi trên toàn thế giới đương đại là “nền giáo dục nhà băng”.

Theo ông, kiến thức trở thành sản phẩm không khác gì dòng vốn trong hệ thống ngân hàng. Với điều kiện nhất định nó sẽ chảy theo mặc định - từ đầu thầy cô giáo thông thái hơn vào cái đầu rỗng tuếch của học trò. Về nguyên tắc, học trò chỉ có nhiệm vụ ghi nhớ (học vẹt) và tái tạo dòng vốn khi cần thiết.

Nhà sư phạm Brazil cho rằng nền giáo dục nhà băng là ngành kinh doanh gây lãng phí thời gian và sức lực tuổi trẻ trong cả quá trình phát triển tiềm năng trí tuệ nhiều thế hệ. Ông đã đưa ra giải pháp nào thay thế? Ðó là kỹ năng học có tên “experiental education”, tức giáo dục qua thực nghiệm.

Nền giáo dục trại lính

Nền giáo dục hiện hành phổ cập trên toàn thế giới ra đời cách đây trên 200 năm tại Phổ (một phần CHLB Ðức ngày nay). Tham vọng và lòng tự trọng của Hoàng đế Phổ, ngài Friedrich Wilhelm III (1770-1840) đã thai nghén ra nó. Coi mình là đấng tối cao Châu Âu thời đó, Wilhelm III quyết chí phục thù sau thất bại trước Napoleon trong trận tử thủ Jena-Auertadt (10/1806).

Trên 12 nghìn lính Phổ đã thiệt mạng hoặc trọng thương. Ngót 15 nghìn trở thành tù binh. Vương quốc Phổ lọt vào ách cai trị của nước Pháp. Tình thế buộc kẻ trị vì vương quốc phải củng cố nhà nước, cách tân dân tộc. Cần phải tái xây dựng nước Phổ hoàn toàn mới, không thể bị chinh phục. Ðể làm điều đó cần phải dựa vào nhà nước với những binh lính và công chức tuyệt đối trung thành. Lấy ở đâu những người như vậy?

Xóa sổ mô hình giáo dục hiện hành ảnh 1

"Dạng vở bài tập trong đó nhiệm vụ của học trò “nối hai nửa câu có nghĩa”, “tô mầu” hoặc “cắt dán theo hình mẫu” là kỹ năng tái tạo nông cạn nhất”, TS Marzena Zylinska.

Cần phải đào tạo họ.

Vì thế, theo sắc chỉ của hoàng đế, tất cả trường học đều nằm dưới sự kiểm soát của Bộ Nội vụ. Hệ thống trường tư thục độc lập với nhà nước bị xóa sổ. Kể từ thời điểm này, tất cả giáo viên có nhu cầu hành nghề bắt buộc phải được nhà nước cấp chứng chỉ và công nhận.

Nghĩa vụ mọi công dân phải đi học được thực thi vào cuộc sống. Hệ thống trường phổ thông và đại học hoạt động theo chương trình nhà nước thống nhất quản lý. Bộ Nội vụ soạn thảo các bộ sách giáo khoa để đảm bảo tất cả công dân đều trung thành với vương triều. Chuông rung chia thời gian 45 phút/tiết học nhằm xác định nhịp học tập và giảng dạy tại các trường.  

Cuộc cách mạng giáo dục tại Phổ được thực hiện hết sức nghiêm ngặt, mang lại hiệu quả nâng cao trình độ dân trí nhanh chóng. Thời điểm đó, nó lan ra toàn Châu Âu. Thời gian sau, cùng với làn sóng di dân ồ ạt vượt Ðại Tây Dương, mô hình giáo dục mới của nước Phổ cũng thâm nhập vào nước Mỹ và mang lại sức sống cho các nhà công nghiệp bản địa.

Trường học theo hình mẫu nước Phổ mọc lên như nấm sau mưa bên cạnh các nhà máy nhằm đào tạo đội ngũ lao động đáp ứng nhu cầu nhân lực các dây chuyền sản xuất.

Và bất chấp nhiều thập kỷ trôi qua, thế giới đã thay đổi, kiến thức của các nhà giáo dục về chủ đề học sinh phong phú thêm rất nhiều, nền giáo dục trại lính vẫn không đổi. Dường như nó đã được bê tông hóa. Vẫn thể chế quan liêu, mang tính hình thức và xơ cứng. Hệ thống giáo dục được quản lý bởi đội quân đông đảo công chức.

Tế bào thần kinh đòi hỏi thay đổi

Thế kỷ XX được đánh dấu bằng sự xuất hiện số lượng khổng lồ các nhà tư tưởng lớn và sáng chế kiệt xuất. Cũng không ít đường nét mới nảy nở bị nền giáo dục bê tông hóa chống lại kịch liệt.

Một trong số khác biệt để lại dấu ấn sâu đậm nhất là ý tưởng mang tên giáo dục học thần kinh. Ðó là kỹ năng chuyển tải những phát hiện của nhà nghiên cứu về não bộ nổi tiếng thế giới do GS Manfred Spitzer (sinh năm 1958) áp dụng vào thực tế dạy học.

Tác giả người Ðức này nói về cái gọi là “sự truyền đạt kiến thức một cách thân thiện cho não”. Chuyên gia tâm lý khẳng định não của học trò là địa bàn lao động của thầy giáo.

Cách tiếp cận mới gợi ý giáo viên khám phá học sinh và khai thác những mặt mạnh não bộ của họ. Nhà giáo liên kết kiến thức với cảm xúc, cho phép học trò đặt ra những giả thiết và tự tìm kiếm giải pháp. Ðể công việc này diễn ra tốt đẹp, cần thiết phải tạo ra không khí an toàn và thân thiện trong suốt quá trình dạy học.

Coi dạy kiến thức là quá trình truyền đạt thông tin cho tế bào thần kinh, GS Spitzer đặc biệt nhấn mạnh sự hiểu biết về cấu tạo và cơ chế vận hành của não.

Nhà trường cần được tổ chức và vận hành theo cơ chế như mô hình trung tâm khoa học thay vì những cơ sở giáo dục như chúng ta mục sở thị. 

Nhà khoa học Ðức dẫn giải, não có khoảng 100 tỷ tế bào thần kinh, mỗi người tối đa sở hữu 10 nghìn khớp nối liên kết với những tế bào thần kinh khác và hoạt động liên tục. Hàng triệu xung điện thần kinh di chuyển trên mạng tế bào thần kinh hết sức phức tạp và đầy ắp thông tin.

Thông tin quan trọng bao giờ cũng được ưu tiên và được phép sử dụng kênh đặc biệt. Các tuyến đường được sử dụng nhiều nhất thường ổn định, hoàn hảo, có nhiều đường nhánh và đường giao nhau. Mạng lưới giao thông của não được nuôi dưỡng tốt, được củng cố bởi sự cung cấp liên tục các chất dẫn truyền thần kinh mới.

Cũng có khá nhiều con đường nhỏ bất ngờ xuất hiện và biến mất - hôm nay hoạt động, ngày mai không còn. Não không có chỗ dành cho những xa lộ không được sử dụng. Cơ chế trí nhớ cũng vận hành như vậy.

Tất cả sự kiện chúng ta muốn lưu giữ đều được ghi lại trong não bằng mô hình mới những liên kết giữa các tế bào thần kinh. Những con đường được sử dụng và quan trọng được xây dựng bền vững trong mạng tế bào thần kinh. Những con đường ít quan trọng, chất lượng xấu, ít được sử dụng sẽ biến mất.

Ðể các kết nối trong não ngày càng phong phú, chúng ta phải thường xuyên cung cấp yếu tố kích thích, cảm xúc và thông tin thú vị cho não. Chỉ làm được điều đó khi chúng ta tập trung chú ý vào yếu tố kích thích mới. Tế bào thần kinh đặc biệt thích tái tạo thông tin và khám phá những gì mới mẻ. Não sẽ hài lòng khi được thỏa mãn nhu cầu đó.

Xóa sổ mô hình giáo dục hiện hành ảnh 2

“Hãy cho trẻ cơ hội trải nghiệm hương vị chiến thắng và thất bại.”, GS Kurt Hahn.

Học qua hoạt động

Ngay từ thế kỷ trước, nhà triết học kiêm chuyên gia sư phạm Mỹ nổi tiếng, GS John Dewey (1859-1951), đã cho rằng nguồn gốc của chinh phục và lựa chọn kiến thức là sự trải nghiệm, còn việc học xuất hiện trên hệ quả của hoạt động.

Theo nhà khoa học Mỹ, việc dạy học cần diễn ra như nỗ lực kích hoạt những năng lực bẩm sinh của trẻ, như hoạt động làm giầu kinh nghiệm cho chúng. Cần đặt những vấn đề đòi hỏi chúng phải tự giải quyết. Trẻ phải tự gom nhặt thông tin khi tìm kiếm đáp án.

Bằng cách này, việc học liên tưởng đến quá trình nghiên cứu, trong đó đối tượng tự đặt ra giả thiết, sau đó kiểm tra chúng bằng thực nghiệm.

Theo ý tưởng của GS Dewey, nhà trường cần được tổ chức và vận hành theo cơ chế như mô hình trung tâm khoa học thay vì những cơ sở giáo dục như chúng ta mục sở thị.

Ðó là mô hình tuyệt vời - chuyên gia sư phạm nổi tiếng Ðức bình luận. Ông tên Kurt Hahn (1886-1974) và đã nghĩ ra lý thuyết gọi là giáo dục học phiêu lưu. Nền tảng của nó cũng dựa trên thực nghiệm nhưng có thêm cảm xúc và trải nghiệm. Tư tưởng chủ đạo lý thuyết mới khuyến khích học trò tham gia hoạt động làm thí nghiệm. Ðôi lúc mất phương hướng, học trò sẽ rút ra bài học từ sai lầm đã mắc. Ðó là cách dạy học tích cực, giải phóng trẻ thơ khỏi ghế nhà trường và buộc chúng tham gia hoạt động xã hội.

Nhà trường có nhiệm vụ tận dụng những quan tâm của học sinh, sở thích và sở trường của chúng. Cần vượt ra khỏi chương trình kinh điển và hãy tạo cho học sinh khả năng gom nhặt những thông tin hữu ích và năng lực thực hành.

Có lần GS Kurt Hahn đã phát biểu về vai trò của nhà trường: “Hãy cho trẻ cơ hội phát hiện bản thân. Cho phép chúng trải nghiệm hương vị chiến thắng và thất bại. Hãy cho trẻ cơ hội tập mộng mơ”.

Khởi đầu Thế kỷ XX, nhiều nhà cải cách giáo dục đã nghĩ tương tự. Họ hoạt động tại những quốc gia khác nhau và đi những kênh khác nhau. Nhờ họ, đã xuất hiện trào lưu giáo dục đào tạo mới hoặc giáo dục học cải cách.

Các nhà giáo dục như Maria Montessori, Rudolf Steiner, Celestyn Frinet, Alexander S. Neil hoặc John Holt bắt đầu nói về sự cần thiết dạy tập trung vào nhu cầu và những mối quan tâm của trẻ hay, nói cách khác, học qua hoạt động.

Học qua xúc giác

Tuy nhiên không phải tất cả yếu tố kích thích đều thu hút sự chú ý như nhau. Ðể được não quan tâm, đi kèm yếu tố kích thích phải có ba điều kiện gồm cảm xúc, hành động, và sự tham gia cùng lúc của nhiều giác quan.

Vì thế không nên kỳ vọng bài giảng dài hoặc tập hợp nhiều sự kiện nhưng khô khan sẽ mang lại cảm giác thú vị cho não. Sẽ tồn tại bao lâu trong đầu trẻ thơ giờ học, trong đó hoạt động chính của giáo viên là lấp đầy chỗ trống bằng những chữ cái còn thiếu hoặc lấp đầy những ô cửa cần phải điền đáp số bài toán?

Tính hiệu quả của công việc dạy học trước hết phụ thuộc vào động cơ của học sinh, thời gian dành cho vấn đề cụ thể và sự tái tạo sâu sắc thông tin. Trong khi sự tái tạo thông tin gắn với hoạt động, hoạt động đòi hỏi sự tham gia cùng lúc của nhiều giác quan trong đó có thính giác, thị giác, và xúc giác.

Giác quan cần lưu tâm hơn cả là xúc giác - giác quan nguyên thủy nhất. Chúng ta khám phá thế giới bắt đầu từ nỗ lực động chạm. Xúc giác bắt đầu phát triển ngay trong tháng thứ bẩy cuộc đời phôi thai, khá sớm trước khi hình thành đôi mắt (thị giác) hoặc hai tai (thính giác).

Theo nghĩa đen, xúc giác là hoạt động có tiềm năng phong phú nhất trong các giác quan. Các thụ cảm của cơ quan xúc giác nằm trên da, bộ phận có diện tích lên tới trên dưới hai mét vuông. Những cảm giác động chạm cũng được tiếp nhận ưu tiên trong não. Vỏ não đảm bảo nhiệm vụ giải mã tín hiệu xúc giác cung cấp trải khắp não bộ.

Hãy tưởng tượng não trở nên năng động thế nào khi chúng ta hoạt động bằng tay. Trong khi đó, càng nhiều cấu trúc não được kích hoạt trong lúc học, càng tốt. Thông qua cải biến thông tin, tái tạo chúng, và sử dụng thông tin vào những tình huống khác nhau, chúng ta đã đưa chúng vào bộ nhớ vĩnh viễn, không cần vã mồ hôi học vẹt.

Xóa sổ mô hình giáo dục hiện hành ảnh 3

Trẻ sẽ nhớ lâu những gì bản thân chúng đã làm, Jean Jacques Rousseau.

Giáo dục hiện hành cản trở việc học

Cho đến nay phần lớn kiến thức nền giáo dục hiện hành chỉ sử dụng một kênh chuyển tải. Ðó là bằng lời. Nhà trường đặt trẻ ngồi ghế và giáo viên giảng bài.

Trong khi đó, ngay từ Thế kỷ thứ IV trước công nguyên, triết gia Hy Lạp Heraclitus (khoảng 535– 475 TCN) đã phát biểu: “Dạy học là thổi bùng ngọn lửa chứ không phải đổ đầy nước vào chiếc chum rỗng”.

Còn Aristoteles (384-322 TCN) dạy học trò của mình bằng cách bắt chúng dạo bộ. Nhà hiền triết cổ đại đã chứng tỏ linh cảm tuyệt vời về tác động của vận động.

Ngày nay, nhiều nghiên cứu của các nhà sinh lý học thần kinh chứng minh hoạt động thể chất dẫn đến sự tạo ra hợp chất có tên yếu tố tăng trưởng não bộ, “dưỡng chất dành cho tế bào thần kinh”, nhất là tại những địa bàn liên quan đến chức năng nhận biết.

Vận động cũng cải thiện sự phối hợp hoạt động tay-mắt, phát triển trí tưởng tượng không gian và củng cố mối liên kết giữa hai bán cầu não, tức thúc đẩy nhanh hơn dòng chảy thông tin.

“Khi dạy học, chúng ta hãy nhớ, kiến thức có cấu trúc riêng”, chuyên gia sư phạm đã nhiều năm quảng bá thành quả của giáo dục học thần kinh tại Ba Lan, TS Marzena Zylinska, nói.

Kiến thức phải được xây dựng như một ngôi nhà, phải có nền móng và trên nó là những bức tường với hệ thống cửa ra vào, cửa sổ. Nền móng trong giáo dục là những trải nghiệm cơ thể. Trải nghiệm thể chất thế giới.

Chúng ta không học khái niệm thông qua định nghĩa. Không bà mẹ nào có thể dạy con thơ, thế nào là “nóng” là “dễ chịu” bằng lời một cách thuyết phục. Trẻ chỉ có thể cảm nhận những khái niệm đó qua thực tế.

 Mẹ đặt con vào bồn tắm và vặn vòi nước ấm, miệng hỏi: “Nước ấm không?” hoặc “nước nóng/hoặc lạnh quá không?”. Và trẻ bắt đầu hiểu thế nào là ấm, nóng, và lạnh.

“Chúng ta cần dạy trẻ đúng như vậy”, TS Marzena Zylinska khuyến nghị. “Quan trọng là trải nghiệm thế giới, cải biên hóa bằng những chi tiết cụ thể. Chỉ dựa vào nền tảng đó chúng ta có thể xây dựng sự hiểu biết những gì trừu tượng”.

Thực tế nền giáo dục đương đại vẫn kiên trì đường lối truyền đạt kiến thức theo lối học vẹt và dạy cách lắp ghép dữ liệu thô thiển, chuyên gia giáo dục cảnh báo.

Nếu luyện cách lắp ghép dữ liệu một cách máy móc, chúng ta vô tình cản trở nỗ lực học tập của não trẻ. Dạng vở bài tập trong đó nhiệm vụ của học trò “nối hai nửa câu có nghĩa”, “tô mầu” hoặc “cắt dán theo hình mẫu” là kỹ năng tái tạo nông cạn nhất.

Trẻ sẽ làm những bài tập như vậy. Thời gian trôi đi nhưng dấu vết trí nhớ mờ nhạt đến mức tất cả sẽ biến mất sau thời gian cực ngắn.

Học qua thao tác thủ công

Sẽ sai lầm nếu ai cho rằng học qua thao tác thủ công chỉ cần thiết đối với những môn học mang tính thực nghiệm như tự nhiên, hóa học hoặc vật lý. Thực tế không hoàn toàn như vậy. Từ học tập đọc, làm bốn phép tính, và tập viết, đều cần qua các thao tác thủ công.

Ngày nay nhiều người bĩu môi ai cần kỹ năng viết bằng tay trong thế giới ipad, laptop, smartphone.

Chúng ta học kỹ năng gõ trên bàn phím, bỏ qua nhiều ngày đau mỏi bã tay bởi những giờ học tập viết. Sự thật viết bằng tay là hoạt động trí tuệ phức tạp, các chuyên gia đã chứng minh. Vấn đề là kỹ năng viết không có giới hạn và đấy là việc học qua thao tác thủ công, dạng hoạt động phát huy tác dụng kích hoạt não bộ.

Kết quả nghiên cứu cho thấy những trẻ được dạy kỹ năng viết bằng tay các bài tiểu luận hoàn thành bài tập nhanh hơn và chất lượng cao hơn so với bạn học viết trên bàn phím máy vi tính.

Vấn đề không phải là bản thân quá trình tái tạo thông tin mà là năng lực sáng tạo cấu trúc nội dung bài viết và tạo diện mạo cho bài viết. Lao động viết bằng tay diễn ra chậm hơn nhưng nó giúp cải thiện tư duy, GS Virginia Berninger thuộc Ðại học Washington, nhà khoa học chuyên nghiên cứu tâm lý học giáo dục, bình luận. 

Người ta cũng có thể nhớ lâu hơn những gì đã viết bằng tay. Có được kết quả đó là bởi dấu tích trí nhớ trở nên sâu đậm hơn khi chúng ta huy động số lượng nhiều hơn tri giác tham gia học tập.

Chính hiệu ứng tuyệt vời này giúp chúng ta giành kết quả tối đa khi tự tay ghi chép bài giảng, tự tay tổng kết bài học trong thời gian học thi. Tái tạo những suy nghĩ hoặc ý tưởng bằng dấu hiệu ký tự chữ viết, công việc đòi hỏi sự chú ý và nỗ lực thể chất, làm cho chúng ta nhớ lâu và chính xác tất cả nội dung.

Khi viết tay, số lượng nhiều hơn tế bào thần kinh trong đầu buộc phải quan tâm xung quanh thông tin nhất định và chúng ta phải tái tạo thông tin nghiêm túc hơn. 

“Cuộc sống không chỉ là nỗ lực hít thở. Cuộc sống là sự vận động” - ngay từ Thế kỷ XVIII cha đẻ triết học khai sáng Jean Jacques Rousseau (1712-1778) đã viết.

“Với tất cả các bộ môn, các bạn phải học nhiều hơn thông qua hoạt động chứ không phải thông qua lời nói. Trẻ dễ quên những gì bản thân chúng đã phát ngôn và những gì người khác nói cho chúng nghe. Nhưng trẻ sẽ nhớ lâu những gì bản thân chúng đã làm” - nhà tư tưởng Pháp khẳng định.

Theo Theo Nauka
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.