Xóa ách tắc trong giải ngân vốn ODA

0:00 / 0:00
0:00
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sử dụng vốn vay ODA chậm tiến độ, đội vốn nhiều lầnẢnh: Lê Hữu Việt
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sử dụng vốn vay ODA chậm tiến độ, đội vốn nhiều lầnẢnh: Lê Hữu Việt
TP - Những năm qua, giải ngân vốn ODA ở mức thấp, chưa đạt yêu cầu, gây lãng phí trong khi nguồn vốn vay “đắp chiếu” ở ngân hàng. Để giải quyết tình trạng này, Bộ KH&ĐT đang tìm cách hóa giải thông qua xây dựng Dự thảo Nghị định quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

Giải ngân chỉ đạt 75% kế hoạch

Thống kê của Bộ KH&ĐT cho thấy, luỹ kế đến năm 2019, Việt Nam tiếp nhận trên 85 tỷ USD vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Trong đó, 7 tỷ USD là vốn viện trợ không hoàn lại; trên 70 tỷ USD là vốn vay với lãi suất dưới 2% và 1,7 tỷ USD vốn vay lãi suất thấp hơn vốn vay thương mại. Tổng vốn giải ngân đạt gần 65 tỷ USD. Giai đoạn 2016-2020, huy động vốn ODA và vốn vay ưu đãi đạt 12,5 tỷ USD. Khoảng 80% nguồn vốn ODA của Việt Nam được huy động từ 6 ngân hàng, gồm: Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc, Cơ quan phát triển Pháp (AFD) và Ngân hàng Tái thiết Đức.

“Tỷ lệ giải ngân thấp và chậm là hạn chế lớn nhất và cũng là một trong những nguyên nhân làm giảm hiệu quả thu hút vốn ODA vào Việt Nam. Tính đến 2019, tỷ lệ giải ngân đạt khoảng 75% tổng vốn ODA và vay ưu đãi (đã ký kết). Riêng trong giai đoạn 2016-2020, theo kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2016-2020, vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài được điều chỉnh theo nghị quyết của Quốc hội là 360.000 tỷ đồng. Đến hết năm 2019, tổng số vốn đã giao trong dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) của giai đoạn 2016-2019 là 244.300 tỷ đồng, bằng 67,9% kế hoạch điều chỉnh của cả giai đoạn. Số đã giải ngân, lũy kế từ năm 2016 đến 2019 là 133.042 tỷ đồng, bằng 54,5% kế hoạch”, báo cáo của Bộ KH&ĐT chỉ ra.

Tiến độ giải ngân vốn ODA chậm không chỉ làm phát sinh chi phí, ảnh hưởng tới việc thực hiện dự án, mà có thể dẫn tới tranh chấp hợp đồng với nhà thầu, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam cũng như quyết định đầu tư của các nhà tài trợ.

Dù chính quyền các cấp, bộ ngành đều nỗ lực thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công (trong đó có vốn ODA) sang năm 2020, lần đầu tiên, một số bộ, ngành xin trả lại vốn ODA do không thể giải ngân. Tổng vốn ODA bị trả lại lên tới 5.996 tỷ đồng.

Đề xuất tháo gỡ 10 điểm nghẽn

Trước thực trạng này, Bộ KH&ĐT xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài. Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 56/2020/NĐ-CP đưa ra 10 nội dung sửa đổi, bổ sung liên quan việc đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục, rà soát vướng mắc về quản lý tài chính, dự toán liên quan đầu tư xây dựng. Cùng với đó, dự thảo nghị định có thêm các quy định về sử dụng vốn dư cho những dự án đang thực hiện và dự án mới để tăng hiệu quả và tính bền vững; giải ngân, thanh toán dự án vừa cấp phát ODA vừa vay lại.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, tỷ lệ giải ngân vốn ODA thời gian qua không đạt yêu cầu một phần do vướng mắc thủ tục, quy định. Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 56 do Bộ KH&ĐT đang xây dựng sẽ nhằm hóa giải ách tắc trong giải ngân vốn đầu tư công, tránh lãng phí như vừa qua.

“Sau khi có Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 56, ban soạn thảo sẽ đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, trong đó tham vấn ý kiến nhà tài trợ ODA và trình ban hành theo quy định của Bộ Tư pháp về quy trình ban hành văn bản pháp luật. Chúng tôi cố gắng thực hiện xong dự thảo nghị định sửa đổi trong năm 2021”, ông Phương cho biết.

Một số dự án đầu tư công sử dụng vốn vay ODA bị đội vốn nhiều lần so với kế hoạch ban đầu như: 3 dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội (Yên Viên - Ngọc Hồi; Cát Linh - Hà Đông; Nhổn - Ga Hà Nội và Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) và 2 dự án metro ở TPHCM (Bến Thành - Suối Tiên; Bến Thành- Tham Lương). Tổng mức đầu tư sau khi được điều chỉnh tăng so với kế hoạch duyệt lần đầu với 5 tuyến đã lên tới hơn 178.000 tỷ đồng (chưa gồm tuyến Yên Viên - Ngọc Hồi của Hà Nội, do chưa phê duyệt vốn đầu tư toàn tuyến). Nếu tính cả tuyến Yên Viên - Ngọc Hồi theo mức đầu tư của tư vấn đề xuất, tổng số vốn đầu tư cho 6 tuyến này lên tới trên 243.400 tỷ đồng.

Theo TS Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Chính sách công (Đại học Fulbright Việt Nam), việc thực hiện dự án đầu tư từ vốn ODA thời gian qua đã bộc lộ nhiều hạn chế. Tiêu biểu như dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) để lại những bài học thấm thía về quản trị nhà nước trong câu chuyện sử dụng vốn vay ODA.

“Việt Nam đang triển khai 5 dự án đầu tư công lớn sử dụng vốn ODA và phải chịu điều kiện ràng buộc của nhà tài trợ, gồm: 3 dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và 2 dự án metro ở TPHCM. Cả 5 dự án này đội vốn gấp nhiều lần so với dự toán ban đầu và chậm tiến độ. Chúng ta đều biết, vay ODA bị ràng buộc, đặc biệt là ODA song phương. Vì vậy không thể tổ chức đấu thầu cạnh tranh mà chỉ có thể đấu thầu hạn chế, thậm chí chỉ định thầu từ khâu thuê tư vấn, thiết kế, tổng thầu”, ông Thành cho biết.

Theo ông Thành, trước thực trạng sử dụng vốn ODA không hiệu quả, việc sửa đổi quy định pháp luật để tăng hiệu quả đầu tư, tăng tỷ lệ giải ngân là cần thiết. Việc sửa đổi phải cập nhật theo tình hình thực tế và tuân thủ quy định của pháp luật. Trong đó, bài học từ hậu quả triển khai các dự án ODA nhất là trong lựa chọn nhà thầu, khâu chuẩn bị dự án, khâu thực hiện rất quan trọng. Chỉ như thế mới có thể góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA trong thời gian tới.

MỚI - NÓNG