TP - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu chấm dứt tình trạng trì trệ, sợ trách nhiệm, tâm lý nhiệm kỳ, kịp thời tháo gỡ khó khăn của các dự án để đẩy mạnh giải ngân…
Ngày 29/10, chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Tình hình thực hiện, giải ngân các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu chấm dứt tình trạng trì trệ, sợ trách nhiệm, tâm lý nhiệm kỳ, kịp thời tháo gỡ khó khăn của các dự án để đẩy mạnh giải ngân…
“Không có công trình dự án, không cải thiện đời sống người dân thì làm sao phát triển đất nước, nếu ai không làm được thì điều chuyển sang làm việc khác”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Có tiền không tiêu được
Phát biểu khai mạc hội nghị, yêu cầu làm rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng giải ngân vốn ODA vẫn chậm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Các đồng chí không nên ngại đụng chạm đến địa phương này hay địa phương kia khi nêu ý kiến. Mình phải nhìn nhận và biết yếu kém ở đâu thì mới thúc đẩy được giải ngân, mới gỡ các vướng mắc một cách thật sự. Địa phương nào không làm được thì báo cáo Thủ tướng điều chuyển vốn, cắt vốn, thậm chí sang năm 2021, 2022 không bố trí vốn nữa. Phải có chế tài mạnh mẽ”.
“Việc giải quyết thủ tục giải ngân ở địa phương còn chậm trễ. Cơ quan nào gây khó khăn, phiền hà về thủ tục ODA thì phải nói rõ. Bên cạnh thảo luận tình hình, nguyên nhân thì cần tập trung nêu rõ giải pháp, thẩm quyền của người nào, cơ quan nào, ban quản lý nào… Không đá “quả bóng” trách nhiệm từ tỉnh lên Trung ương. Phải xắn tay vào cuộc”, Thủ tướng nói.
Báo cáo về tình hình thực hiện giải ngân vốn ODA, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, ngay từ đầu năm, thành phố đã thành lập 6 tổ công tác để tăng cường rà soát, đôn đốc thực hiện giải ngân vốn. Tính đến hết ngày 28/10, Hà Nội giải ngân được 1.439,7 tỷ đồng vốn ODA, đạt 41,34% kế hoạch.
Đoàn tàu đầu tiên tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên đã về TPHCM nhưng dự án còn nhiều vướng mắc về vốn chưa được tháo gỡ Ảnh: Huy Thịnh
Theo ông Nguyễn Doãn Toản, dự án Tuyến đường sắt đô thị số 2 (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) gặp vướng mắc về thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án và liên quan đến quy hoạch ga ngầm C9 (sát hồ Hoàn Kiếm) nên không thi công được các gói thầu xây lắp…
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, đang triển khai thực hiện 9 dự án ODA, trong đó có 6 dự án nhóm A và 3 dự án nhóm B với tổng vốn đầu tư 123.000 tỷ đồng. Đối với nguồn vốn ODA được vay lại, TPHCM đã phân bổ 10.487 tỷ đồng cho 5 dự án. Đến nay, tỷ lệ giải ngân đạt 48,5%. Dự kiến đến hết năm 2020, tỷ lệ giải ngân sẽ đạt hơn 82%.
Tuy nhiên, TPHCM đang gặp khó khăn trong việc giải ngân vốn ODA cấp phát từ Trung ương. Hơn 5.000 tỷ đồng vốn ODA cấp phát, TPHCM đã phân bổ cho 6 dự án nhưng đến nay, tỷ lệ giải ngân mới đạt khoảng 30% và dự kiến cả năm 2020 chỉ đạt 40,8% do 2.185 tỷ đồng vốn ODA cấp phát cho dự án tuyến metro số 1 và tuyến metro số 2, đến nay TPHCM chưa giải ngân được, vì vướng tỷ giá đồng Yen Nhật và đồng Việt Nam. Nếu điểm nghẽn này được giải quyết, tỷ lệ giải ngân vốn ODA cấp phát từ Trung ương của TPHCM sẽ đạt 80-90%.
Quyết thay cán bộ yếu kém, tiêu cực…
Quyết thay cán bộ yếu kém, tiêu cực…
“UBND TPHCM đã nhiều lần có văn bản gửi Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính để xác định giá trị vốn vay ODA cấp phát từ ngân sách trung ương còn lại của dự án bằng tiền đồng Việt Nam. Kiến nghị đã được Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chấp thuận nhưng đến nay các bô, ngành liên quan vẫn chưa xác định giá trị vốn ODA cấp phát bằng tiền đồng cho các dự án metro”, ông Hoan nói và kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm giải quyết.
Trường hợp không giải ngân được trong năm nay thì cho phép điều chuyển và giải ngân vào đầu năm 2021.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, việc chậm giải ngân là do hầu hết hoạt động của các dự án gắn với yếu tố nước ngoài. Tiến độ thực hiện dự án ODA chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, từ khâu nhập máy móc, thiết bị cho đến huy động chuyên gia, nhân công, nhà thầu nước ngoài, tư vấn giám sát. Nhiều dự án do chuẩn bị đầu tư không kỹ, áp dụng các công nghệ nhanh thay đổi, dẫn đến phải điều chỉnh lại thiết kế, tăng chi phí, phải tiến hành các thủ tục gia hạn thực hiện dự án vì đang ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ, giải ngân vốn nước ngoài.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ giải ngân vốn đầu tư công trong 9 tháng mới đạt 60%. Từ nay đến cuối năm còn lượng vốn khoảng 41.000 tỷ đồng chưa được giải ngân, các bộ, ngành, địa phương tập trung xử lý dứt điểm tồn tại, vướng mắc để giải ngân tối đa khoản vốn này. Sau hội nghị, từng bộ, ngành, địa phương rà soát lại để làm rõ trách nhiệm, tháo gỡ khó khăn từng dự án.
“Cần chấm dứt ngay tình trạng trì trệ, sợ trách nhiệm, tâm lý nhiệm kỳ, quan liêu, nhũng nhiễu. Lãnh đạo các cấp trực tiếp đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tập trung xử lý dứt điểm tồn tại, vướng mắc các dự án đầu tư lớn để đẩy mạnh giải ngân”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh và khẳng định sẽ cương quyết thay đổi cán bộ không biết làm việc, không hoàn thành nhiệm vụ, có biểu hiện tiêu cực, lợi ích nhóm…