Tình trạng các bộ, ngành "ôm” vốn đầu tư công vượt quá khả năng giải ngân liệu đã đến hồi kết thúc ?
Xin trả hơn 6.000 tỷ đồng
Chậm giải ngân vốn đầu tư công đã trở thành “căn bệnh kinh niên”. Năm 2020, nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, Chính phủ đôn đốc bộ, ngành kiên quyết đảm bảo giải ngân 100% vốn đầu tư công. Với các giải pháp quyết liệt, lần đầu tiên, bộ, ngành xin trả lại vốn.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, việc trả lại vốn là hiện tượng hy hữu.Từ trước tới nay, các đơn vị chỉ có xin thêm chứ “chưa có ai chê tiền trả lại”."Đã đến lúc cần xem xét trách nhiệm đơn vị lập dự án, dự toán để xin tiền và thẩm định dự án và bên phê duyệt dự án", ông Long lưu ý.
Tổng số vốn đầu tư công mà các bộ, ngành, địa phương xin trả lại hiện lên tới 6.338 tỷ đồng. Trong đó, vốn trong nước 341,6 tỷ đồng, vốn vay nước ngoài 5.996 tỷ đồng. Các bộ ngành xin trả vốn gồm: Bộ NN&PTNT, Bộ VHTT&DL, Bộ TN&MT, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp… Các địa phương xin trả lại vốn gồm: Lào Cai, Thái Nguyên, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP Cần Thơ. Một số dự án tiêu biểu như Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam đề nghị hủy kế hoạch sử dụng 300 tỷ đồng /400 tỷ đồng bố trí cho dự án Đại học KHCN Hà Nội do không thể giải ngân theo kế hoạch.
Theo Bộ KH&ĐT, báo cáo từ các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2020 cho thấy, khó khăn lớn nhất trong giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến nay là tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng, xác định nguồn gốc đất, lập thẩm định phê duyệt đơn giá đền bù.
Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết: Việc bộ ngành, địa phương xin điều chỉnh giảm, trả lại kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 là một trong những bước triển khai chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng trong việc điều hoà kế hoạch vốn, điều chuyển từ nơi không hiệu quả sang nơi hiệu quả hơn.
“Có nhiều nguyên nhân khiến các bộ, ngành trả lại vốn, trong đó có việc lập kế hoạch vốn ban đầu chưa sát với thực tiễn trong quá trình thực hiện và khó dự báo vấn đề phát sinh trong triển khai. Một số đơn vị khi rà soát thấy khả năng không giải ngân hết nên đề nghị xin giảm vốn. Đây là việc nên làm thường xuyên, kịp thời, nhanh chóng để sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công”, ông Phương nói.
Theo ông Phương, để giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đạt kế hoạch, cần phối hợp nhuần nhuyễn, chặt chẽ, hiệu quả của các bộ, ngành liên quan. Đặc biệt, các bộ có nhiều dự án lớn như Bộ GTVT, Bộ NN&PTNT phối hợp với các địa phương đẩy nhanh hơn nữa tốc độ giải ngân.
Không để vốn “đắp chiếu”
Trước đây, kế hoạch vốn đầu tư công được thực hiện và giải ngân trong 2 năm, nên các đơn vị thường không trả lại vốn mà sẽ tiếp tục thực hiện trong năm tiếp theo. Một số trường hợp đặc biệt, bộ ngành có thể xin kéo dài thời gian thực hiện.
Tuy nhiên, theo quy định mới của Luật Đầu tư công năm 2019, thời hạn thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công hàng năm chỉ đến hết ngày 31/1 (tức là 1 năm theo niên độ ngân sách).
“Nếu trước đây các cơ quan, đơn vị, địa phương thường có tâm lý xin được càng nhiều vốn càng tốt, không dùng hết thì giữ lại, xin gia hạn thì nay quy định gia hạn là rất chặt chẽ. Đây được coi là một quy định mang tính tăng cường kỷ luật tài chính…”, lãnh đạo Bộ KH&ĐT phân tích.
Theo TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, việc trả lại vốn đầu tư công là xu hướng tích cực. Việc các bộ, ngành, trả lại vốn đầu tư công năm 2020 sẽ tạo ra kỳ vọng hạn chế tình trạng chậm giải ngân trong thời gian qua. Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính cần có biện pháp để nâng cao trách nhiệm của người đứng ra xin vốn và trực tiếp thực hiện.
“Trước đây, nhiều bộ ngành xem đầu tư công là tiền chung, ai vơ vét được càng nhiều càng tốt. Bây giờ, cơ quan chức năng cần quy định chặt chẽ trách nhiệm giải trình, trách nhiệm tài chính.Người nào nhận vốn không đảm bảo hiệu quả giải ngân phải chịu trách nhiệm.Nhất là trong bối cảnh ngân sách nhà nước đang khó khăn”, ông Doanh nêu quan điểm.
Chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho rằng, phải tìm nguyên nhân dẫn tới việc trả lại vốn đầu tư công. Các bộ, ngành không thể giải ngân, không thể tháo gỡ những vướng mắc đã kéo dài nên mới phải tìm cách trả lại vốn.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, việc trả lại vốn là hiện tượng hy hữu.Từ trước tới nay, các đơn vị chỉ có xin thêm chứ “chưa có ai chê tiền trả lại”. "Đã đến lúc cần xem xét trách nhiệm đơn vị lập dự án, dự toán để xin tiền và thẩm định dự án và bên phê duyệt dự án", ông Long lưu ý.
“Để được chấp thuận rót vốn, các bên tính toán hết phương án thực hiện, tính khả thi của dự án. Vậy tại sao dự án lại không thể triển khai đến mức phải trả lại tiền? Điều này phải đặt ra một cách nghiêm túc, yêu cầu có chế tài xử phạt, chứ không phải cứ thích xin thì xin, để rồi ngâm vốn không làm được lại mang đi trả”, ông Long nêu vấn đề.
Có 18 bộ, ngành và địa phương đã xin trả lại 6.338 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2020. Một số bộ, ngành, địa phương có số lượng vốn trả lại nhiều như: Bộ NN&PTNT xin trả lại 1.800 tỷ đồng; tỉnh Lào Cai xin trả lại 531 tỷ đồng. Bộ TN&MT đề nghị giảm 330,5 tỷ đồng. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đề nghị hủy kế hoạch sử dụng 300 tỷ đồng/400 tỷ đồng dự kiến bố trí cho Dự án Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội do dự án giải ngân quá chậm...