Xin đừng lãng phí "tài sản quốc gia"

Xin đừng lãng phí "tài sản quốc gia"
TPO - Vấn đề được dư luận quan tâm là làm sao tạo ra được chính sách tiếp tục phát huy tài năng của họ - những học sinh đoạt giải quốc tế - để phục vụ đất nước, tránh tình trạng lãng phí thứ “tài sản quốc gia” vô cùng quí hiếm này. Ý kiến của bạn ?
Xin đừng lãng phí "tài sản quốc gia" ảnh 1

Một số đại biểu học sinh đoạt giải Quốc tế thời kỳ đổi mới. Ảnh: Hồng Vĩnh

Tối nay (12/7), tại Hội trường Ba Đình (Hà Nội) lần đầu tiên hơn 70 học sinh đoạt giải quốc tế trong thời kỳ Đổi mới sẽ đại diện cho 415 học sinh đoạt giải quốc tế từ năm 1974 đến 2005 được lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao kỷ niệm chương trong Lễ Vinh danh.

Trong số những học sinh đoạt giải quốc tế, đến nay đã có nhiều người thành đạt, nhưng cũng có không ít người chỉ ở mức “làng nhàng”.

Những nhân tài ngày ấy, bây giờ

Xin đừng lãng phí "tài sản quốc gia" ảnh 2
Hồ Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Cty Oracle khu vực Đông Dương. Ảnh : Hồng Vĩnh

Đúng thời điểm này 18 năm trước, Hồ Thanh Tùng và những người thân của anh đang tràn ngập trong niềm vui với thành tích giải Nhì cuộc thi Toán quốc tế. Bây giờ, anh đã là Tổng Giám đốc Cty Oracle khu vực Đông Dương.

Hồ Thanh Tùng là một trong số những học sinh đoạt giải quốc tế khá thành công trên con đường sự nghiệp của mình.

Tùng học chuyên toán từ lớp 3 rồi gia nhập “đội quân” chuyên toán của trường Hà Nội Amsterdam nổi tiếng. Năm lớp 12 (1988), anh lọt vào đội tuyển quốc gia thi Olympic toán quốc tế và giành giải Nhì.

Giải thưởng là tấm visa để anh sang Liên Xô học sau khi tốt nghiệp lớp 12. Tùng được nhận vào học ngành Toán ứng dụng tại ĐH Tổng hợp Kishinhov, nước CH Moldova thuộc Liên Xô.

Tốt nghiệp đại học, anh về nước năm 1994 và được nhận vào làm việc tại Cty Oracle, Cty công nghệ thông tin đầu tiên của Mỹ được Chính phủ Việt Nam cấp giấy phép hoạt động trong lĩnh vực này.

Trong thời gian làm việc tại đây, anh đã kịp lấy bằng thạc sỹ quản trị kinh doanh tại ĐH bang Washington (Mỹ). Để trở thành Tổng Giám đốc khu Đông Dương của một tập đoàn phần mềm danh tiếng như Oracle là cả một quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ của Hồ Thanh Tùng.

Anh đang tiếp tục công việc phát triển khách hàng, phát triển hệ thống đào tạo công nghệ cao cấp của Oracle. Đạt được chứng chỉ Oracle Certified Professional, lập trình viên của Việt Nam có thể đi làm việc ở bất cứ quốc gia nào.

Cùng lứa với Tùng, Phan Phương Đạt, học sinh đoạt giải toán quốc tế trong hai năm 1987, 1988 cũng đã tìm được chỗ đứng nhất định, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành CNTT nước nhà.

Xin đừng lãng phí "tài sản quốc gia" ảnh 3
Phan Phương Đạt - Giám đốc phụ trách nhân sự và đào tạo của Cty phần mềm FPT (FSoft).  Ảnh : L.H

Anh đang là Giám đốc phụ trách nhân sự và đào tạo của Cty phần mềm FPT (FSoft). Một lãnh đạo của FPT đã phải thừa nhận nếu không có Đạt, mục tiêu xuất khẩu phần mềm năm ngoái của FSoft là 9 triệu USD và năm nay là 18 triệu USD khó có thể đạt được.

Học trường Hà Nội – Amsterdam, Đạt đã 2 lần dự thi Olympic toán quốc tế và đoạt giải Ba năm 1987, giải Nhì năm 1988. Điều vinh dự là Đạt được 3 Thủ tướng tặng bằng khen. Anh cũng được cử đi học ngành Toán ứng dụng và sau đó lấy tấm bằng Phó tiến sỹ xuất sắc tại ĐHTH Kishinhov (Moldova).

Tuy nhiên, không phải nhân tài nào cũng thành đạt. TS Nguyễn Văn Khải – Giám đốc Trung tâm tư vấn tiết kiệm điện năng và dung dịch hóa, điện hóa Hà Nội kể từ năm 1951 – 1985, học viện quân sự Vacsava (Ba Lan), nơi ông theo học có 19 huy chương vàng trong các kỳ thi quốc tế. Trong số này, 11 huy chương là của các sinh viên Việt Nam.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, ông chưa thấy một người nào trong số các sinh viên trên thành đạt hay có tiếng vang trong làng khoa học. Phan Phương Đạt cho biết trong số những học sinh đi thi cùng anh trong hai đợt, chỉ có duy nhất Ngô Bảo Châu là trở thành nhà toán học có tên tuổi.

Đến 1/3 trong số này là những người “làng nhàng”, thậm chí có người vẫn đang vật lộn với cuộc sống ở Đông Âu. Tấm bằng Phó tiến sỹ coi như bỏ đi.

Và các nhân tài thời nay...

Xin đừng lãng phí "tài sản quốc gia" ảnh 4
Các thành viên đội tuyển Olympic Toán 2005 ôn luyện bài trước giờ lên đường. Ảnh : TPO

Sau khi mang vinh quang về cho Tổ quốc, hiện nay những học sinh đoạt giải quốc tế đều được thưởng một khoản tiền (15 triệu đối với HCV, 10 triệu với HCB…) và vào thẳng đại học theo nguyện vọng 1. Đó là tất cả những gì mà Bộ GD&ĐT dành cho họ. Sau đó, những tài năng này đi đâu, làm gì, học hành ra sao…, Bộ không nắm được.

Trần Trọng Đan (Hải Phòng), sinh viên lớp Cử nhân tài năng, khoa Vật Lý, Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), người giành huy chương bạc Toán học năm 2005 thẳng thắn: Giá như, chúng em được Bộ định hướng trong việc lựa chọn ngành học, phát triển chuyên môn thì sẽ đỡ lúng túng hơn.

Nguyễn Nguyên Hùng (Hà Nội) được vào thẳng lớp cử nhân tài năng Đại học Bách Khoa Hà Nội sau khi đoạt huy chương đồng quốc tế môn Toán năm 2005 tâm sự: “Nếu không có gì thay đổi, em sẽ du học trong thời gian tới”.

Bài liên quan :

>> Chúng tôi muốn được tạo điều kiện để học tập và cống hiến!
>> ĐT OlympicToán VN: Những chuyện cảm động và ngậm ngùi…
>> Ông Huỳnh Thanh Phong tặng mỗi học sinh đội tuyển Toán VN 300 USD

Còn Trần Chiêu Minh, sinh viên cử nhân tài năng khoa Toán – Tin, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP Hồ Chí Minh thì lên kế hoạch: Huy chương bạc Toán Olympic quốc tế mới chỉ là sự bắt đầu. Em sẽ du học tự túc tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) để đi sâu theo chuyên ngành nghiên cứu khoa học cơ bản mình thích. Em cũng dự định học chương trình Tiến sĩ ở nước ngoài.

Được biết, bằng sự nỗ lực của bản thân, Minh đã được trường NUS cấp học bổng ASEAN, du học Singapore trong vòng 4 năm.

Cùng mục đích ra nước ngoài tìm cơ hội tự phát triển khả năng, Trần Trọng Đan tiết lộ: Em sẽ du học cuối năm nay. “Em muốn tìm một môi trường mới để phát triển chuyên môn”.

Đừng lãng phí “tài sản quốc gia”

Trò chuyện với Tiền phong, nhiều người từng đoạt giải cao trong các kỳ thi Olympic quốc tế cho rằng đó là điều rất bình thường ở các nước khác. Đối với họ, số lượng giải quốc tế không phản ánh thực trạng nền giáo dục.

“Không nên xem số giải toán quốc tế hàng năm là thành tích giáo dục – Phan Phương Đạt nói – Đây chính là căn bệnh thành tích đã tồn tại rất nhiều năm nay trong ngành giáo dục”.

Theo Đạt, các giải thưởng học sinh giỏi quốc tế đơn thuần là việc làm khuyến khích học tập ở cấp quốc tế. “Tôi dám chắc với đề thi học sinh giỏi quốc tế mà chúng tôi từng làm, một nửa số học sinh chuyên toán Amsterdam có thể đoạt ít nhất giải Ba”.

“Chú trọng đến việc đào tạo học sinh thi học sinh giỏi quốc tế cũng là cần thiết, nhưng cần thiết hơn là phải có chính sách giúp các học sinh này phát huy được tài năng của mình” - Tổng Giám đốc Oracle khu vực Đông Dương kiến nghị.

Theo anh, trước đây, học sinh đoạt giải quốc tế đồng nghĩa với việc cầm chắc tấm visa đi nước ngoài học tập. Tuy nhiên, hiện nay học sinh đoạt giải chỉ có một cơ hội duy nhất: Được lựa chọn một trong số các trường đại học trong nước.

“Những người đoạt giải quốc tế hay không đoạt giải hiện nay đều có cơ hội ngang nhau. Cho nên Bộ GD&ĐT cần định hướng và tạo điều kiện cho các em bằng cách trực tiếp đứng ra liên hệ học bổng ở những trường danh tiếng thế giới chứ không nên để các em tự mày mò”.

Rõ ràng, trong khi chúng ta chưa có chính sách cụ thể hậu thuẫn nhân tài thì nhiều tổ chức, trường đại học nước ngoài sẵn sàng cấp học bổng, mời gọi học sinh giỏi của Việt Nam. Và như một hệ quả tất yếu, những “tài sản quốc gia” cứ lần lượt “đội nón ra đi”.

Theo ông Văn Đình Ưng, Phó Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT, từ năm 1974 đến 2005, Bộ GD&ĐT đã cử 532 học sinh thi quốc tế và khu vực. Trong đó có 484 học sinh tham dự các kỳ thi quốc tế. Số học sinh đoạt giải trong các kỳ thi Olympic quốc tế là 415 (Huy chương vàng: 95, huy chương bạc: 141, huy chương đồng: 154 và bằng khen: 24).

Trong kỳ thi Olympic quốc tế môn Hóa học năm 2006, thông tin từ Hàn Quốc báo về cho biết, đoàn học sinh Việt Nam (gồm 4 em) tham dự kỳ thi Olympic quốc tế môn Hóa học lần thứ 38 đã giành thắng lợi với 2 huy chương vàng, 2 huy chương bạc.

Huy chương vàng thuộc về các em Đặng Tiến Đức, Từ Ngọc Ly Lan. Các em Nguyễn Hoàng Minh, Trần Nam Trung đạt huy chương bạc.

Trong 4 HS trên, chỉ có Trần Nam Trung là HS lớp 12 trường THPT Năng khiếu Trần Phú (Hải Phòng), 3 em còn lại đều là HS lớp 12 khối THPT chuyên Hóa trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội).

MỚI - NÓNG
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
Sau kỳ nghỉ 5 ngày, chứng khoán diễn biến ra sao?
TPO - Kết thúc kỳ nghỉ lễ 5 ngày, chứng khoán trong nước sẽ trở lại giao dịch vào ngày mai (2/5). Dù VN-Index đã lấy lại mốc 1.200 điểm, nhưng chuyên gia cho rằng nhịp điều chỉnh chưa xác nhận kết thúc. Thị trường sẽ có các nhịp rung lắc, nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn có thể tranh thủ nhịp hồi phục sắp tới để cơ cấu, hạ tỷ trọng về mức an toàn.