> Thiếu gia tỉnh lẻ vung tiền khoe đẳng cấp
> Tăng cường kiểm soát tiệm Internet gần trường học
Ở một quán chơi xèng tại Hà Nội. Ảnh: Xuân Phú. |
Gia sản chui lọt lỗ xèng
Trên mỗi máy điện tử xèng có một khe nhỏ đút vừa một xèng (đồng xu nhỏ), nhưng nói không ngoa khi nó có thể hút trôi rất nhiều thứ như: đồng hồ, điện thoại, xe máy… qua lỗ xèng.
Trung - một thanh niên ở làng Định Công đã nhét không biết bao nhiêu thứ qua lỗ xèng. Vốn là một trai làng thuần nông, sau khi quy hoạch khu đô thị, gia đình Trung có một khoản tiền lớn nhưng không còn ruộng để làm. Chỉ học hết phổ thông, Trung không xin được việc nên bố mẹ cấp cho cậu một khoản tiền để mở cửa hàng cầm đồ.
Cửa hàng của Trung nằm cạnh một quán nước nhỏ có đặt mấy chiếc máy điện tử xèng, ban đầu chỉ là sang uống nước những lúc rảnh rỗi và mua vài chục nghìn chơi cho vui. Sau thành quen, một ngày không chơi là thấy khó chịu. Ngày này, qua tháng khác, Trung cắm đầu vào thứ âm thanh leng keng ma quỷ và ánh đèn chạy vòng vòng như thôi miên, số tiền vốn bố mẹ cấp cho cứ mất dần.
Nhiều lần Trung còn mang xe máy hoặc các đồ khách gửi đi cắm ở hàng khác để lấy tiền chơi tiếp. Cho đến khi kiệt vốn, bố mẹ phải bỏ tiền ra đền cho khách, Trung mới tỉnh ngộ, xin bố mẹ lập gia đình rồi ở hẳn nhà phụ giúp vợ để tránh xa trò được là trời cho, không được là trò chơi kia.
Mạnh Quân, sinh viên khoa tiếng Anh của Viện ĐH Mở Hà Nội có cơ sở đặt trong khu đô thị Định Công. Khác với Trung, Quân là sinh viên thuê nhà ở gần trường để đi học, hoàn cảnh gia đình không khá giả. Vì thế Trung xin đi làm nửa ngày ở Câu lạc bộ bi-a gần nơi trọ, và ở đó cũng đặt 2 máy điện tử xèng với mục đích chính là khách đánh bi-a ngại lấy tiền thừa thì đổi ra xeng để đánh. Chứng kiến thấy một vài lần khách ăn, Quân thử vận may của mình và ngay trong lần đầu tiên, cậu thắng gần 200.000 đồng.
Một kết cục không thể khác dành cho Quân, do mải chơi, cậu bị đuổi việc. Tuy không còn đi làm nữa, nhưng hằng ngày Quân vẫn lang thang ở quán bi-a để đánh điện tử, khi không có tiền, cậu chỉ đến ngồi xem khách đánh cho đỡ vật. Đến một ngày, bố mẹ Quân phải vay tiền mang từ quê lên để trả nợ cho con.
Tín đồ của điện tử xèng không chỉ co thanh niên, một chủ quán nước tại Định Công cho biết, có một bác lớn tuổi, chắc về hưu rồi, gần như ngày nào cũng ra quán uống một chén nước và mua 20.000 đồng tiền xèng, chơi hết rồi về. Chẳng mấy khi thấy bác ấy thắng, vì cứ thắng thì bác đánh to hơn. Càng đánh càng cay, bệnh càng thêm nặng.
Máy đánh bạc công khai
Điện tử xèng được thiết kế đơn giản, chỉ là một hộp gỗ có màn hình điện tử và các nút bấm để người chơi chọn cửa, sau đó bấm nút start, trúng cửa nào thì người chơi được nhân điểm đặt cửa đấy. Cửa ở đây là các ô hình hoa quả: dưa, cam, táo… nếu người chơi đặt trúng cửa thì số điểm sẽ được nhân lên rất nhiều thậm chí là 100 lần nếu đánh vào ô đặc biệt (ô bar).
Tuy số tiền để có thể chơi không lớn, nhưng cứ thế chơi, thì chỉ cần nghe xong một đoạn nhạc là mất ít nhất 10.000 đồng và số tiền thua sẽ khó kiểm soát được.
Những chiếc điện tử xèng này cũng không tốn nhiều diện tích để duy trì hoạt động, mỗi máy chỉ to bằng chiếc tivi loại nhỏ nên một quán nước hay ki-ốt cũng có thể đặt được 4-5 máy. Chủ quán cũng không cần phải để mắt, trông coi, chỉ cần bán xèng cho khách rồi ngồi chờ, khách mà thắng thì đổi lại tiền thắng cho khách. Chỉ thế!
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi khu vực đều có một chủ đi đặt máy xèng cho các quán nước. Cứ đến cuối ngày, chủ máy sẽ đi một vòng kiểm tra số xèng ngày hôm đó thu được hoặc mất đi sau đó sẽ ăn chia lợi nhuận với chủ quán, tỷ lệ tùy theo thỏa thuận, thường là 40 - 60%.
Điều quan trọng nhất của các ông chủ máy là cuối ngày phải đi thay chip (một con IC nhỏ có chức năng như một bộ não của máy), ngoài việc ăn chia, chủ máy còn phải tính toán xem thả lại cho khách ở những máy nào. Với những máy có lượng khách chơi nhiều, cứ trung bình 10 lần đặt cửa, máy sẽ cho khách ăn khoảng 1-2 lần tùy theo chip của chủ đặt.
Trong hơn chục năm tồn tại, điện tử xèng đã nhiều lần bị truy quét, những địa điểm đặt máy nằm công khai tại các quán nước nhưng không thấy cơ quan chức năng nhắc nhở. Tuy không phát triển mạnh, nhưng những chiếc máy này vẫn len lỏi vào các khu dân cư đông người.
Ở nơi đặt nhiều điện tử xèng, người giàu thì đang bị hút dần tiền, kẻ nghèo thì lại càng nghèo hơn. Và không biết còn những hệ lụy nào đằng sau cái âm thanh leng keng kia…