Xe taxi cho người khuyết tật tại Hà Nội

Những chiếc xe taxi 7 chỗ sang trọng này sẽ được đưa vào sử dụng, phục vụ người khuyết tật.
Những chiếc xe taxi 7 chỗ sang trọng này sẽ được đưa vào sử dụng, phục vụ người khuyết tật.
Hãng taxi Thành Công – Hà Nội sẽ cho ra đời dịch vụ “taxi cho người khuyết tật”. Nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người khuyết tật trong việc di chuyển.

Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 5,1 triệu người khuyết tật, chiếm khoảng 6% dân số. Đa phần người khuyết tật có đời sống vật chất, tinh thần còn nhiều khó khăn. Ngoài ra, người khuyết tật còn gặp nhiều rào cản khi tiếp cận các dịch vụ công cộng và các phương tiện tham gia giao thông. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật trong việc đi lại, hãng Taxi Thành Công đã quyết định triển khai dịch vụ taxi dành cho người khuyết tật. Đây được coi là một hành động mang đầy tính nhân văn, nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân và người khuyết tật trong việc khuyến khích người khuyết tật (NKT) tham gia các hoạt động xã hội hòa nhập cộng đồng.

Trong điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông tại nước ta vẫn còn nhiều bất cập, nhiều công trình và loại hình phương tiện công cộng chưa được thiết kế thêm những tính năng đặc biệt giúp người khuyết tật có thể tiếp cận dễ dàng. Do vậy, Người khuyết tật còn gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại, tham gia giao thông. Với mong muốn mang lại niềm vui, và sự tiện lợi cho những số phận còn kém may mắn, hãng Taxi Thành Công sẽ đưa vào hoạt động dịch vụ taxi dành cho người khuyết tật.

Chia sẻ về ý tưởng hình thành dịch vụ đặc biệt mang nhiều ý nghĩa xã hội, ông Nguyễn Khương Duy- Giám đốc điều hành Taxi Thành Công cho biết: Ý tưởng đưa dịch vụ taxi dành cho người khuyết tật đã được đơn vị ấp ủ cách đây từ 2 năm, khi đó đơn vị đã chủ động xây dựng Đề án Taxi dành cho người khuyết tật và gửi một số cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt. Vì một số lí do nào đó vẫn chưa được phê duyệt.

Đến năm 2015 nhận thấy, người khuyết tật có nhu cầu đi taxi nhưng người ta chưa tiếp cận được hoặc chưa có đơn vị nào cung cấp dịch vụ dành riêng cho đối tượng này, công ty đã nghiên cứu thêm và thấy tính khả thi của dự án là có nên công ty quyết định từ mồng 1/3 sẽ triển khai dịch vụ dành cho người khuyết tật.

Theo kế hoạch, đề án taxi dành cho Người khuyết tật được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (bắt đầu từ quý I/2015) công ty sẽ tập trung vào việc đào tạo, tập huấn lái xe và tập trung phục vụ đối tượng khuyết tật dạng nhẹ(những người có thể tự vận động). Trong giai đoạn này, công ty chủ yếu sử dụng các loại phương tiện sẵn có với những xe có khoang xe rộng, cốp rộng. Ngoài ra, đơn vị cũng đầu tư thêm xe mới là dòng xe Toyota Innova 7 chỗ với nhiều trang bị hiện đại như có túi nôn, túi thuốc, ghế massage... nhằm phục vụ tốt hơn cho Người khuyết tật. Sang giai đoạn 2, taxi Thành Công sẽ có xe chuyên dụng (đặc biệt) để phục vụ Người khuyết tật dạng nặng, không có khả năng vận động.

Xe taxi cho người khuyết tật tại Hà Nội ảnh 1

Chiếc ghế massage phục vụ người khuyết tật trên xe.

Ông Hoàng Văn Lý- Phó Chủ tịch Hội người mù quận Hoàn Kiếm đánh giá cao về dịch  vụ taxi dành cho người khuyết tật và ý nghĩa nhân văn của nó.

Ông Hoàng Văn Lý cho biết: Tôi nghĩ rằng dự án Taxi dành cho người khuyết tật là một dự án rất là nhân văn. Thực tế là hiện nay người khuyết tật có nhu cầu rất lớn tham gia giao thông nhưng  những phương tiện có hình thức hỗ trợ cho người khuyết tật còn ít. Về ý tưởng, đây là 1 ý tưởng nhân văn mở ra cơ hội cho người khuyết tật được tham gia giao thông và được sử dụng dịch vụ đó phục vụ cho nhu cầu hàng ngày. Tuy nhiên. Điều lo ngại thứ nhất đây là lĩnh vực rất là mới mẻ ở Việt Nam và người khuyết tật có nhiều dạng khuyết tật khác nhau. Tôi băn khoăn không hiểu hãng taxi đó có những phương thức như thế nào để có thể đáp ứng được tất cả nhu cầu của người khuyết tật.

Hiện, thành phố Hà Nội có khoảng 90 nghìn Người khuyết tật với nhiều dạng khuyết tật khác nhau nên việc tiếp cận các dịch vụ xã hội và các phương tiện giao thông gặp những khó khăn riêng. Ông Lý cho biết, đối với người khiếm thị, việc tiếp cận taxi tương đối dễ dàng, tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất là sau khi gọi taxi, họ không thể phát hiện xe đến hay chưa. 

Do vậy, ông Lý cũng mong muốn, khi dịch vụ mới đi vào hoạt động, tài xế taxi sẽ phải chủ động hơn trong việc liên lạc với khách hàng của mình. Ngoài ra, có đến 80% Người khuyết tật phụ thuộc vào kinh tế của gia đình, thu nhập của họ cũng tương đối thấp nên vấn đề chi phí đi lại bằng taxi cũng là một vấn đề cần được tính đến.

Trong khi người khiếm thị có sự hỗ trợ từ gậy chỉ đường, gậy thông minh khi tham gia giao thông, thì đối với những người khuyết tật vận động, việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều phương tiện giao thông, điểm dừng xe buýt không bố trí đường lên xuống, tay vịn, trượt dốc, hay barie. Trong khi đó, tại một số cơ quan, trung tâm thương mại, không có chỗ đỗ xe dành cho xe ba bánh hoặc các thang máy quá nhỏ, không có hỗ trợ xe lăn nên Người khuyết tật rất khó tiếp cận.

Bên cạnh đó, khi tham gia giao thông, nhiều người khuyết tật không nhận được sự đón nhận, đặc biệt là các loại hình phương tiện công cộng. Trong khi một số lái xe, nhân viên phục vụ nhiệt tình giúp đỡ Người khuyết tật, thì một số người do không hiểu người khuyết tật nên trong phong cách phục vụ chưa đúng mực, gây tổn thương người khuyết tật.

Xe taxi cho người khuyết tật tại Hà Nội ảnh 2

Túi thuốc y tế ở phía sau xe.

Anh Nguyễn Xuân Khánh – Hội viên Hội khuyết tật quận Thanh Xuân bày tỏ mong muốn về dự án taxi dành cho người khuyết tật: Các bạn khuyết tật đi lại rất khó khăn. Đi ra ngoài không nhận được sự đón nhận của các hãng xe công cộng như xe buýt, lên xuống khó khăn thì xe taxi là một giải pháp giúp các bạn tiếp cận được vào các ngõ ngách, đi công việc , đi học hành rồi tham gia giao thông rất là tốt và mình rất hoan nghênh.

Về phần mình mình kỳ vọng làm sao triển khai bền vững, và làm sao tiếp cận đến người khuyết tật ở các quận huyện và các trường khuyết tật khác nhau. Nhiều khi dự án ban đầu khởi đầu rất tốt nhưng đến khi gặp vướng mắc, rào cản cần tháo dỡ dần. Bản thân mình, mình đề xuất, những đường dây nóng có thể phân loại được tốt các dạng tật. Các quận, huyện có thể làm thí điểm thế nào để có thể lan tỏa sang các hãng khác, thì chung tay cộng đồng sẽ tốt hơn cho người khuyết tật

Anh Khánh cũng đề xuất, phương tiện dành cho những người đi xe lăn thì phần cốp phải lớn, phần c bậc cửa ra vào, lên xuống cần được thiết kế hợp lý, cửa xe cần được mở rộng tối ưu để có thể đưa được xe lăn ra vào thuận lợi. Ngoài ra, nhân viên lái xe, nhân viên phục vụ cần có phong cách phục vụ nền nã và sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ Người khuyết tật khi họ cần.

Về phía cơ quan bảo trợ cho người khuyết tật cho rằng dự án taxi dành cho người khuyết tật sẽ giải quyết phần nào nhu cầu đi lại của người khuyết tật. Tuy nhiên, để cho dịch vụ này đem lại hiệu quả và cơ thể tiếp cận đến mọi đối tượng Người khuyết tật.

Bà Hoàng Diệu Tuyết- Phó Chủ tịch Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ em đề nghị: Đây là một việc làm có ý nghĩa rất là lớn đối với người khuyết tật. Để muốn cho việc này tốt, Bên taxi cũng nên đưa ra một số biện pháp như có vé hàng tháng, thường xuyên cho Người khuyết tật có ký hiệu riêng của taxi Thành Công.  Thông báo những điểm dừng, taxi Thành Công thông báo bao nhiêu điểm đỗ để đón Người khuyết tật và Người khuyết tật sẽ đến đấy tập trung. Chúng tôi mong muốn Công ty Taxi phối hợp với Hội ở Trung ương và tỉnh thành để các phương tiện này đến tận cơ sở để phục vụ cho người khuyết tật.    

Trong quá trình chuẩn bị, Taxi Thành công cũng đã nghiên cứu, tiếp cận với nhiều Hội khuyết tật trên địa bàn thủ đô Hà Nội để nắm bắt nhu cầu, mong muốn của những đối tượng Người khuyết tật khác nhau và đưa ra những giải pháp phù hợp. Theo đó, đối với những Người khuyết tật dạng nhẹ, vẫn có thể giao tiếp được, công ty sẽ cấp cho họ những chiếc thẻ quẹt, trong đó có toàn bộ những thông tin về khách hàng, dạng khuyết tật và số điện thoại liên hệ. 

Tổng đài của công ty sẽ sử dụng một phần mềm danh bạ điện thoại di động, khi khách hàng gọi điện đến, nhân viên tổng đài đã nắm bắt toàn bộ những thông tin về người khuyết tật. Đối với người khiếm thính, công ty sẽ trang bị một đường dây nóng nhận tin nhắn , khi đó khách hàng tương tác bằng tin nhắn như điện thoại bình thường. Ngoài ra, hãng taxi Thành Công cũng sẽ hỗ trợ khách hàng là Người khuyết tật mức giá ưu đãi từ 10-30% đối với khách hàng thường xuyên và từ 5-10% đối với khách hàng vãng lai.

Trong thời gian tới, công ty sẽ tập trung trong công tác đào tạo, tập huấn kỹ năng cho lái xe trong việc phục vụ và hỗ trợ Người khuyết tật nhằm đem lại dịch vụ cho Người khuyết tật một cách tốt nhất.

Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Khương Duy nói: Các lái xe của taxi Thành Công trước khi ra hoạt động đều được đào tạo tập huấn những kỹ năng phục vụ khách hàng. Để có thể phục vụ tốt cho khách hàng, công ty sẽ tổ chức thêm những lớp tập huấn riêng, bổ túc thêm. Ngoài những giao tiếp phục vụ bình thường còn có một số kỹ năng phục vụ cơ bản . Dự kiến trong tháng 2 sẽ đào tạo 100% lái xe và không phân biệt nhóm lái xe. Chúng tôi chỉ mong muốn sẽ có những hỗ trợ thêm từ các cơ quan chức năng để làm sao khi các đối tượng này sử dụng dịch vụ sẽ có những ưu đãi lớn nhất

Với nỗ lực đem lại những tiện ích hơn cho người khuyết tật trong việc tiếp cận các phương tiện giao thông công cộng, dự án taxi dành cho người khuyết tật nhận được sự hưởng ứng của đông đảo Người khuyết tật. Tuy nhiên, để dự án có thể phát huy hiệu quả, công ty cũng cần xem xét và đầu tư những phương tiện phù hợp, phương pháp tiếp cận gần gũi. Đặc biệt, công ty cũng cần xây dựng đội ngũ lái xe có phong cách phục vụ chuyên nghiệp  và thái độ phục vụ nền nã, tránh làm tổn thương Người khuyết tật.

Theo Theo VOV Giao Thông
MỚI - NÓNG