Xe buýt vào ngõ cụt

Xe buýt vào ngõ cụt
TP - Cho đến thời điểm này Hà Nội dường như chưa sẵn sàng đối phó với một thực tế có thể xảy ra: Xe buýt đang đi vào ngõ cụt.

>> Bài 1: Nỗi lo đông khách

Xe buýt vào ngõ cụt ảnh 1
Xe buýt bị mắc kẹt giữa các loại phương tiện cá nhân. Ảnh: Hồng Vĩnh

Xe buýt chuẩn, bao giờ?

Cách đây gần 10 năm khi Hà Nội chuẩn bị đầu tư xe buýt mới đã có ý kiến gay gắt: Xe buýt Hà Nội có cần điều hòa không, dùng điều hòa có lãng phí không?...

Gần 10 năm sau, người Hà Nội đã có những đòi hỏi khắt khe hơn khi đi xe buýt như: thái độ phục vụ văn minh, lịch sự; việc tiếp cận xe buýt phải dễ dàng, thuận tiện; chạy đúng giờ; xe luôn phải sạch sẽ và tiến tới có thể đọc báo trên xe...

Tiếc rằng, khi khách quá đông thì ngay cả nhu cầu được lên xe cũng chưa thể đáp ứng hết. Mỗi ngày có thể có đến cả trăm hành khách đã phải vừa tiếc nuối vừa giận hờn mỗi khi bị xe buýt bỏ rơi.

Hiện, Tổng Cty Vận tải Hà Nội có 800 xe buýt. Mặc dù doanh nghiệp rất chú trọng đến việc đầu tư, nâng cấp phương tiện, tuy nhiên về chất lượng xe vẫn nhiều điều phải bàn.

Trong số 800 xe chỉ có 467 xe có niên hạn dưới 5 năm, đặc biệt có đến 66 xe có niên hạn trên 10 năm. Trong số này có nhiều xe được ví như những “lò than tổ ong” di động trên phố. Số còn lại có niên hạn từ 5 đến 10 năm.

Trong khi đó, theo tiêu chuẩn của thế giới, xe buýt chỉ có niên hạn hoạt động 10 năm. Tại Hà Nội, do điều kiện hạ tầng yếu kém, xe buýt hoạt động luôn quá tải cộng với chất lượng phương tiện đầu vào kém đã làm cho những chiếc xe buýt nhanh chóng già trước tuổi.

Bên cạnh đó, thiết kế xe buýt Hà Nội còn nhiều bất cập do hầu hết xe buýt được dựng lên từ bộ khung của xe khách. Cửa lên xuống xe hẹp (60-80cm), trong khi tiêu chuẩn quốc tế, cửa xe phải đạt tối thiểu 1,2m.

Điều này dẫn đến việc lên xuống của hành khách khó khăn, mất nhiều thời gian, dễ gây ùn tắc giao thông. Bậc lên xuống xe buýt cao nên gây khó khăn cho người già, trẻ em và phụ nữ (mặc váy) mỗi khi lên xe buýt.

Được biết, tất thảy xe buýt của Hà Nội chưa thiết kế lối lên xuống cho người tàn tật. Điều này làm mất cơ hội đi xe buýt của người tàn tật cho dù thành phố có cấp thẻ đi xe buýt miễn phí cho đối tượng là thương binh, người tàn tật.

“Cửa” nào dành cho xe buýt?

Hà Nội có thể tăng thêm xe buýt để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và nâng cao chất lượng? Ông Nguyễn Trọng Thông, Phó TGĐ Tổng Cty Vận tải Hà Nội cho biết, với điều kiện hạ tầng như hiện nay thì 800 xe buýt là đã đạt ngưỡng.

Tại nhiều tuyến đường, xe buýt đã hoạt động với tần suất 1 phút/ lượt. Nếu tiếp tục đưa phương tiện vào hoạt động thì xe buýt lại góp phần gây nên ùn tắc.

Nhiều chuyên gia giao thông cũng có chung quan điểm: Một thành phố có hạ tầng  phát triển, xe buýt cũng chỉ đảm đương 15-20% nhu cầu đi lại. Và xe buýt Hà Nội dường như đã hoàn thành tốt nhiệm vụ!

Ông Thông cho biết, Tổng Cty đang có những giải pháp tức thì nhằm tăng chất lượng dịch vụ xe buýt, lên kế hoạch thay dần phương tiện cũ nát, sửa chữa nâng cấp một số xe và chú trọng thay đổi phương tiện đạt chuẩn về chất lượng khí thải; thiết kế cửa, bậc lên xuống hợp lý.

Tuy nhiên, việc đưa xe đạt tiêu chuẩn vào hoạt động tại Hà Nội cũng không hề đơn giản vì chất lượng đường sá chưa cao, nhiều ổ gà, ổ voi rất dễ sập gầm xe.

Trong trường hợp đường ngập, xe buýt tiêu chuẩn không thể hoạt động được. Hơn nữa hệ thống nhà chờ, điểm dừng đỗ, vỉa hè sẽ chưa thể tương thích với thiết kế của xe.

Mới đây Sở GTVT Hà Nội cũng có kế hoạch tổ chức tuyến xe buýt chạy thẳng vào giờ cao điểm, tức là xe buýt chạy từ điểm đầu đến điểm cuối và chỉ dừng lại ở một vài điểm dừng chứ không dừng lại tại tất cả các điểm. Thực hiện được kế hoạch này sẽ góp phần giải phóng khách nhanh nhưng rất dễ gây bức xúc khi khách không được lên xe và còn phá vỡ quy chế hoạt động buýt.

Sở GTVT cũng đang sắp xếp lại một số tuyến xe với hy vọng có thể đưa thêm xe buýt vào hoạt động.

Tuy nhiên, những giải pháp này cũng chỉ là tình thế. Mâu thuẫn gay gắt “khách đông, chất lượng kém nhưng không thể tăng thêm xe” vẫn chưa được giải quyết tận gốc.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu như Hà Nội tiếp tục để xe buýt tự vật lộn với xe máy và ô tô cá nhân thì cuối cùng xe buýt sẽ... “chết”. Chỉ tính khu vực Hà Nội cũ, một xe buýt đang phải vật lộn để giành đường đi với 250 ô tô và 2.500 xe máy. Rõ ràng đây là “cuộc chiến” không cân sức.

Trong lúc Hà Nội luôn coi trọng vận tải công cộng nhưng hầu như lại chưa có chính sách thoả đáng để phát triển loại hình này. “Nếu như, có hạ tầng cho xe buýt được cải thiện, thành phố có chính sách hạn chế xe máy, ô tô cá nhân, chắc chắn chúng ta vẫn có thể đưa thêm hàng trăm xe buýt mới vào hoạt động”- một chuyên gia giao thông khẳng định. Trong khi xe máy, ô tô cá nhân phát triển ào ạt, thì xe buýt vẫn đi trên đường chung.

Hà Nội liệu có cần phát triển xe buýt nữa hay thôi? Câu hỏi này rất cần lời giải của thành phố Hà Nội khi chưa quá muộn. 

MỚI - NÓNG