Hướng đến cuộc đối thoại quan trọng và ý nghĩa này, nhiều bạn trẻ trong và ngoài nước bày tỏ mong muốn Chính phủ quan tâm đầu tư giáo dục đào tạo, hướng nghiệp, giúp thanh niên chủ động trong kỷ nguyên số 4.0.
BẠN MAI TUẤN MINH, SINH VIÊN ĐH CÔNG NGHỆ NANYANG, SINGAPORE: Cấp thiết giúp người lao động có kỹ năng trong kỷ nguyên 4.0
Việc củng cố giáo dục là rất cần thiết để đáp ứng yêu cầu trong kỷ nguyên số 4.0. Số lượng người Việt Nam có bằng đại học hiện còn thấp, chỉ đạt 8% trong tổng số lao động. Việc này dẫn đến đa số người Việt Nam làm những công việc thấp trong chuỗi cung ứng so với nhiều nước trong khu vực như Singapore, Malaysia và Thái Lan. Giới trẻ Việt Nam cần tiếp thu nhiều kiến thức để có thể phát triển theo được cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trước khi Việt Nam vào diện dân số già.
Nếu Việt Nam không đào tạo được nguồn nhân lực đủ nhanh thì trong khoảng thời gian ngắn, nhiều người có nguy cơ bị thất nghiệp vì robot. Robot và AI như ChatGPT đang trên đà phát triển nhanh và có dấu hiệu thay thế nhiều ngành nghề ở chuỗi cung ứng thấp. Dự tính trong 2 thập kỷ tới, 56% lao động tại Đông Nam Á bao gồm Việt Nam sẽ mất việc vì robot.
Qua diễn đàn đối thoại của Thủ tướng với thanh niên, tôi mong muốn Chính phủ có thể cân nhắc xây dựng các lớp học ngắn hạn ở các trường đại học để giúp cho người lao động có được kỹ năng cần thiết trong kỷ nguyên 4.0. Chương trình này nên được các doanh nghiệp trong và ngoài nước góp ý về nội dung, giúp cho việc nâng cao tính áp dụng. Thực tế, chương trình này đã được áp dụng tại Singapore với tên gọi là SkillsFuture.
Song song với đó, công nghệ 4.0 nên được đưa vào giáo dục phổ thông để giúp học sinh có nhìn nhận ban đầu, hiểu về sự ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Do điều kiện cơ sở vật chất ở các tỉnh, miền khác nhau và nhu cầu khác nhau, nội dung này nên được phổ biến khác nhau về mức độ để cho người học thấy được việc học sẽ đi đôi với hành.
ANH ĐOÀN NGỌC BẢO, GIÁM ĐỐC HỢP TÁC XÃ CAM BẢO PHƯƠNG: Khơi dậy khát vọng thanh niên nông thôn khởi nghiệp, lập nghiệp
Tốt nghiệp đại học, tôi được nhận vào làm việc tại một cơ quan nhà nước. Tôi từng ước mơ trở thành một cán bộ, viên chức thành đạt nhưng rồi quyết định rẽ ngang về quê khởi nghiệp với cam. Tôi được truyền lửa từ một doanh nhân thành đạt. Phải nói thời kỳ đầu tôi gặp vô vàn gian nan, vất vả, từ gièm pha của dư luận đến những thách thức trong hành trình khởi nghiệp. Đôi lúc tôi đã nghĩ đến bỏ cuộc. May mắn có sự đồng hành, hỗ trợ, giúp đỡ của nhiều người đã giúp tôi xây dựng nên sản phẩm cam Bảo Phương trên quê hương Vũ Quang, Hà Tĩnh. Từ câu chuyện bản thân và khi đi nói chuyện với các bạn trẻ, tôi nhận thấy các bạn thanh niên nông thôn rất mong muốn được khởi nghiệp, lập nghiệp, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Do nhiều yếu tố nên họ phải tha phương, đi làm công nhân, hay đi xuất khẩu lao động.
Vì vậy, tôi mong Chính phủ quan tâm hơn nữa, có chính sách hỗ trợ thanh niên nông thôn khởi nghiệp, lập nghiệp, phát triển các sản phẩm đặc sản quê nhà. Đó là chính sách hỗ trợ về tư liệu sản xuất; hỗ trợ nguồn vốn vay. Làm sao giúp thanh niên tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn, giảm bớt các thủ tục hành chính, lãi suất thấp và nguồn vốn vay nhiều hơn. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách phải phù hợp với từng địa phương. Đồng thời, Chính phủ cần tăng cường các chương trình truyền thông, tuyên truyền để khơi dậy khát vọng, thôi thúc các bạn thanh niên nông thôn tự tin khởi nghiệp, lập nghiệp tại quê nhà.
LƯU TRINH (ghi)
ANH BÙI TUẤN KIỆT, ỦY VIÊN BAN THƯỜNG VỤ ĐOÀN TRƯỜNG ĐH QUY NHƠN, BÌNH ĐỊNH: Xây dựng các sàn thị trường lao động điện tử
Kỷ nguyên 4.0 với sự phát triển vũ bão của khoa học, công nghệ đặt ra yêu cầu nguồn nhân lực có chuyên môn bài bản, kỹ năng mới, khả năng thích ứng làm việc trong môi trường số, không gian ảo. Việc giáo dục đào tạo cần đổi mới phương thức và nội dung mà vẫn ổn định, có tính kế thừa; tăng tính thực hành, ứng dụng gắn liền với thực tiễn.
Tôi rất mong Chính phủ, các bộ ngành, địa phương có những chính sách, giải pháp khuyến khích người người lao động, nhất là những người trẻ làm việc đúng chuyên môn, lĩnh vực đào tạo; học xong trở về quê hương lập thân lập nghiệp, cống hiến cho quê hương, nhất là vùng sâu vùng xa. Có các cơ chế, chính sách đãi ngộ để người có tay nghề cao được trọng dụng, phát triển bản thân.
Tôi cũng rất mong đẩy mạnh xây dựng các sàn thị trường lao động điện tử để cập nhật, cung cấp dữ liệu về tuyển dụng việc làm (số lượng, yêu cầu, lĩnh vực chuyên môn...) của các doanh nghiệp; tư vấn, định hướng xu hướng ngành nghề, lĩnh vực cho người trẻ. Điều này sẽ giúp không chỉ người lao động mà cả những người trẻ ngồi trên ghế nhà trường, những người chuẩn bị bước vào thị trường việc làm chủ động học tập, rèn luyện trang bị các kỹ năng, kiến thức cần thiết. Đồng thời sớm có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở trường, sở thích, điều kiện.
XUÂN TÙNG (ghi)
ĐẠI ÚY PHƯƠNG VĂN THÀNH, VĂN PHÒNG CƠ QUAN CẢNH SÁT ĐIỀU TRA, GƯƠNG MẶT TRẺ CÔNG AN THỦ ĐÔ TIÊU BIỂU 2022: Ưu tiên học các kỹ năng về công nghệ
Để xây dựng được một nguồn lực chất lượng cao cho lực lượng vũ trang nói riêng và đất nước nói chung, tôi cho rằng, mỗi cán bộ, chiến sĩ trẻ phải đi đầu và hoàn thành xuất sắc từ những nhiệm vụ nhỏ nhất. Không ngại khó, không ngại khổ, nhận nhiệm vụ khó khăn để tự tôi luyện bản thân, phát huy tinh thần mưu trí, dũng cảm.
Trong cuộc đua chuyển đổi số, tôi kỳ vọng, các chiến sĩ công an trẻ sẽ được ưu tiên dành nhiều thời gian hơn để học các kỹ năng về công nghệ, được tham gia nhiều lớp bồi dưỡng, hướng dẫn sử dụng ứng dụng công nghệ trong hoạt động tuyên truyền, điều tra hình sự và hệ thống phần mềm quản lý hồ sơ nghiệp vụ. Khi được làm việc và rèn luyện trong môi trường số, mỗi chiến sĩ công an trẻ như tôi sẽ rút ngắn được thời gian làm những công việc lặp đi lặp lại để tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm, gian khó hơn.