Xây dựng nền giáo dục, đào tạo ở biên giới Lạng Sơn ngày càng phát triển

Chiều 30/6, Tỉnh ủy Lạng Sơn tổ chức “ Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của BCH Trung ương Đảng Khóa XI nhằm đánh giá kết quả thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Tham dự hội nghị có ông Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, bà Đoàn Thị Hậu, Chủ tịch HĐND tỉnh Lạng Sơn cùng đại diện lãnh đạo các ban ngành chức năng trung ương, địa phương.

Theo báo cáo, Nghị quyết số 29-NQ/TW là một chủ trương lớn của Đảng về giáo dục và đào tạo nhằm tiếp tục khẳng định quan điểm xuyên suốt - Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân.

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các ban, bộ, ngành Trung ương; sự phối hợp, vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, nhất là sự chung tay, tâm huyết của cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên ngành giáo dục trong toàn tỉnh, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, sự nghiệp giáo dục, đào tạo của tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng, kết quả phổ cập, xóa mù chữ được giữ vững ở 100% xã, phường, thị trấn; tỷ lệ huy động các cấp học đạt kết quả cao và ổn định. Công tác duy trì sỹ số được chú trọng, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học. Môi trường giáo dục từng bước được cải thiện, công bằng xã hội trong tiếp cận giáo dục được nâng lên. Hệ thống trường, lớp được quy hoạch, sắp xếp phù hợp, đáp ứng đầy đủ nhu cầu học tập của nhân dân; cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư, bổ sung hàng năm, các điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018 đảm bảo theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được nâng lên tạo điều kiện thuận lợi cho nâng cao chất lượng giáo dục và xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia ở các cấp học.

Xây dựng nền giáo dục, đào tạo ở biên giới Lạng Sơn ngày càng phát triển ảnh 1

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lạng Sơn Hoàng Văn Nghiệm nhấn mạnh, các cấp các ngành địa phương tiếp tục quan tâm, phối hợp để sự nghiệp GD &ĐT tỉnh nhà ngày càng phát triển .Ảnh: Duy Chiến

Xây dựng nền giáo dục, đào tạo ở biên giới Lạng Sơn ngày càng phát triển ảnh 2

Đồng chí Phùng Quang Hội, Ủy viên Thường vụ tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Lạng Sơn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Duy Chiến

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn; góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh từ 39% năm 2013 lên 60% năm 2022. Bên cạnh việc dạy và học văn hóa, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Lạng Sơn cũng chỉ đạo các các cơ sở giáo dục tăng cường việc giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống cho học sinh thông qua việc dạy lồng ghép vào các môn văn hóa, các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, để xây dựng, hình thành những thế hệ học sinh phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ. Chất lượng giáo dục toàn diện, tỷ lệ học sinh khá giỏi các cấp học được nâng lên; tỷ lệ tốt nghiệp Trung học phổ thông được duy trì mức cao. Những kết quả đạt được đã góp phần quan trọng phát triển giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí trên địa bàn tỉnh và cả nước.

Xây dựng nền giáo dục, đào tạo ở biên giới Lạng Sơn ngày càng phát triển ảnh 3

Đại diện ngành GD &ĐT tỉnh, bà Hà Khánh Vân- Phó giám đốc sở tham luận. Ảnh: Duy Chiến

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một hạn chế, khó khăn, vướng mắc: công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành có lúc chưa đồng bộ; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn nhiều bất cập về cơ cấu, số lượng và chất lượng; một bộ phận nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục. Sự gắn kết giữa đào tạo nghề và nhu cầu sử dụng chưa đảm bảo, năng lực nghề nghiệp người lao động sau đào tạo chưa đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường lao động...

Tại Hội nghị đã có 11 ý kiến tham luận nhằm làm rõ nét thêm những thuận lợi, khó khăn trong công tác giáo dục, đào tạo trên địa bàn biên giới Lạng Sơn, đồng thời hiến kế, kiến nghị các chế độ, chính sách và những khó khăn, bất cập, nhát là đối với vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số trong quá trình công tác nhằm đưa sự nghiệp trồng người, dạy nghề địa phương ngày càng phát triển.

Xây dựng nền giáo dục, đào tạo ở biên giới Lạng Sơn ngày càng phát triển ảnh 4

Đông đảo lãnh đạo tỉnh, sở ban ngành Lạng Sơn tham dự hội nghị. Ảnh: Duy Chiến

Kết luận Hội nghị, ông Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy Lạng Sơn nhấn mạnh: Báo cáo tổng kết và những nội dung thảo luận tại Hội nghị hôm nay có ý nghĩa hết sức quan trọng, đã đánh giá kết quả đã đạt được; đồng thời, nhìn nhận nghiêm túc nguyên nhân tồn tại, hạn chế, khó khăn; đề xuất được nhiều giải pháp để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị đã thể hiện sự nhất trí cao với nội dung của báo cáo kết quả 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời cũng làm rõ thêm một số vấn đề trong quá trình 10 năm thực hiện Nghị quyết vừa qua. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo đúng tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy Lạng Sơn gợi mở, đề nghị 5 vấn đề để các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong thời gian tới tập trung triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trong thời gian tới. Nhất là Sở GD &ĐT tỉnh tiếp tục chủ trì, phối hợp với các ban, sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố: Xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ ưu tiên cần triển khai thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Xây dựng nền giáo dục, đào tạo ở biên giới Lạng Sơn ngày càng phát triển ảnh 5

Khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc. Ảnh: Duy Chiến

“Sinh thời, Bác Hồ kính yêu đã khẳng định vai trò vô cùng to lớn của giáo dục: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây; vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Giáo dục và Đào tạo được xem là một trong những quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển.Vì vậy, tôi mong muốn rằng các thế hệ Nhà giáo, các đồng chí cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục hãy phát huy niềm tự hào về vị trí của nhà giáo, tiếp tục đóng góp trí tuệ và cống hiến sức lực cho sự nghiệp giáo dục, tiếp tục đổi mới sáng tạo, mạnh mẽ, làm cho ngành giáo dục tỉnh nhà phát triển lên tầm cao mới, xứng đáng với niềm mong mỏi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn”, Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy Hoàng Văn Nghiệm chia sẻ.

Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đã tặng Bằng khen cho 22 tập thể, 14 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

“Ngành GD &ĐT Tăng cường tham mưu, đề xuất: Bố trí ngân sách Nhà nước cho lĩnh vực GD &ĐT; xây dựng chính sách khuyến khích, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục; xây dựng, bổ sung hoàn thiện chính sách hỗ trợ giáo dục vùng đặc biệt khó khăn; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng; chính sách thu hút, tuyển dụng cán bộ quản lý, giáo viên giỏi, nhân lực chất lượng cao phù hợp điều kiện, khả năng của tỉnh”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Văn Nghiệm.

MỚI - NÓNG