Nhiều năm nay, bà con đồng bào dân tộc Thái ở bản Xiềng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông (Nghệ An) đã xây dựng chuỗi giá trị thổ cẩm là cách làm thiết thực nhằm vực dậy nghề dệt thổ cẩm truyền thống nơi đây, kết nối với thị trường trong tỉnh, thậm chí trên cả nước.
Xây dựng chuỗi giá trị đối với nghề dệt truyền thống không chỉ giúp đồng bào Thái bảo tồn trang phục truyền thống mà còn thay đổi mẫu mã, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, giúp chị em nơi đây có việc làm, tăng thêm thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Việc xây dựng chuỗi giá trị thổ cẩm giúp phụ nữ miền núi Con Cuông, Nghệ An thoát nghèo |
Chị Hà Thị Hằng, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Môn Sơn - người góp phần khôi phục và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Thái ở bản Xiềng cho hay, nhận thấy tiềm năng cũng như mong muốn của nhiều người trong xã rất muốn khôi phục nghề dệt, chị đã đứng ra tổ chức thành lập hợp tác xã để liên kết các tổ sản xuất trên địa bàn.
Được sự hỗ trợ của chính quyền, đến nay hợp tác xã đã thu hút được 40 hộ tham gia và đi vào sản xuất ổn định, bước đầu đem lại thu nhập từ 2 - 2,5 triệu đồng người/tháng. Cùng với đó, sản phẩm làm ra cũng không ngừng tăng về số lượng. Trung bình mỗi năm bà con sản xuất trên 13.000 sản phẩm các loại.
“Ngoài bảo tồn trang phục truyền thống, chị em trong Hợp tác xã còn đa dạng hóa sản phẩm làm nên những chiếc túi, khăn, váy, áo, khăn trải bàn, khăn trải giường, rèm với nhiều hoa văn và màu sắc khác nhau phục vụ thị hiếu người tiêu dùng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường”, chị Hằng chia sẻ.
Ông Hoàng Sỹ Kiện, Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho hay: “Thay đổi mẫu mã, mở rộng thị trường là những yếu tố quyết định trong xây dựng chuỗi giá trị thổ cẩm. Đây cũng là hướng đi mà huyện hướng tới, vừa khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm vừa quảng bá sản phẩm truyền thống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển du lịch địa phương”