Nuôi gà đen đặc sản giúp bà con vùng cao thoát nghèo

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Mạnh dạn trong cách nghĩ, đổi mới cách làm, người dân miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An) đã nuôi giống gà đen theo mô hình an toàn sinh học mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp bà con thoát nghèo.

Xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An nơi được ví như cổng trời của xứ Nghệ. Đời sống người dân nơi đây vẫn còn khó khăn, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nương rẫy.

Với ý chí khát vọng dám vươn lên thoát nghèo, ông Vừ Tổng Pó (SN 1970, trú tại bản Mường Lống 1, xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn) đã bắt đầu chăn nuôi giống gà đen, một giống gà quý của đồng bào người Mông. Tuy nhiên, dù siêng năng cần cù, thức khuya dậy sớm chăm sóc cho đàn gà, nhưng chăn nuôi sản xuất theo hướng truyền thống, khiến ông nhiều lần thất bại. Cái nghèo vì thế vẫn cứ đeo đẳng.

Nuôi gà đen đặc sản giúp bà con vùng cao thoát nghèo ảnh 1

Nuôi gà đen đặc sản giúp gia đình Vừ Tổng Pó thoát nghèo

“Năm 2018, tôi được tham gia dự án Phát triển mô hình chăn nuôi gà đen theo hướng an toàn sinh học do Hội Nông dân tỉnh Nghệ An tổ chức. Từ những kiến thức đã được tập huấn, tôi bắt đầu chăm sóc đàn gà giống theo phương pháp, kỹ thuật. Đàn gà đen phát triển tốt, từ 350 con lên 1.200 con trên diện tích 500 m2. Gà được nuôi theo mô hình an toàn sinh học nên ít bệnh, tăng trọng đều, nuôi đến đâu bán sạch đến đó”, ông Pó chia sẻ.

Nhận thấy nhu cầu của thị trường về giống gà đen bản địa, ông Pó đã vay vốn ngân hàng chính sách xã hội 70 triệu đồng để mua máy ấp trứng, máy phát điện tạo cơ sở cung cấp giống cho toàn huyện. Từ năm 2019 đến nay, mỗi năm gia đình cung cấp hàng nghìn con gà giống cho thị trường, mang lại thu nhập trung bình 350 triệu đồng/năm.

Nuôi gà đen đặc sản giúp bà con vùng cao thoát nghèo ảnh 2

Mỗi năm gia đình ông Pó cung cấp ra thị trường hàng nghìn con gà giống

Hiện, ông Pó là chi hội trưởng chi hội nghề nghiệp đầu tiên của Kỳ Sơn, tập hợp các hộ chăn nuôi gà đen ở Mường Lống với 15 hộ và 32 thành viên, quy mô đàn phát triển 7.000 - 10.000 con.

Phát huy điều kiện lợi thế của địa phương, ông Pó còn phát triển kinh tế trang trại, trồng hơn 2 ha cỏ voi, chăn nuôi đàn trâu, bò vỗ béo, mỗi năm thu lãi từ 60 - 80 triệu đồng. Ông Vừ Tồng Pó cũng tiên phong đăng ký xây dựng nhà trọ cộng đồng phục vụ khách du lịch đến Mường Lống.

MỚI - NÓNG