Xây đê bê tông 'chục tỷ', người dân vẫn lo ngập lụt

Một đoạn đê bê tông - Ảnh: Trường Phong
Một đoạn đê bê tông - Ảnh: Trường Phong
TP - Đê bê tông tả Bùi (Chương Mỹ, Hà Nội) cao hơn 2 mét đang được hoàn thiện để ngăn sự cố mùa mưa lũ, hạn chế nguy cơ mất an toàn cho nội thành Hà Nội. Trong khi đó, hàng nghìn người dân phía hữu Bùi vẫn phải chấp nhận sống chung với lũ lụt nếu nước dâng cao như các năm 2017 - 2018.

Sau hai trận lụt liên tiếp năm 2017 và 2018 xảy ra trên địa bàn huyện Chương Mỹ, UBND thành phố Hà Nội quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cấp bách chống sạt lở bờ tả sông Bùi với tổng mức đầu tư khoảng 37,3 tỷ đồng.

Theo đó, thành phố Hà Nội quyết định kè chống sạt lở bờ tả sông Bùi qua các xã Thanh Bình, Thủy Xuân Tiên, Đồng Phú, Hòa Chính với tổng chiều dài hơn 1,4 km, nhằm bảo vệ chống xói lở mái đê đảm bảo an toàn cho đê tả sông Bùi. Sở NN&PTNT Hà Nội được giao làm chủ đầu tư hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật và UBND thành phố về tính chuẩn xác, tính hợp pháp của các thông tin, số liệu trình bày trong hồ sơ báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư trình thẩm định, phê duyệt.

Theo ghi nhận của phóng viên, đơn vị thi công đang gấp rút hoàn thiện công trình này khi mùa mưa đang vào cao điểm. Đoạn đê xung yếu được đơn vị thi công nâng cấp theo kỹ thuật bê tông dự ứng lực. Từ mặt đê, công nhân đào sâu khoảng một mét, đổ cốt thép làm móng và dựng tường bê tông cao khoảng 2 mét so với bề mặt.

Khi tuyến đê bê tông này hoàn thiện gần như sẽ loại bỏ được nguy cơ nước dâng, tràn qua đê tả Bùi, gây ngập lụt cho một số địa bàn ngoại thành và nội thành Hà Nội. Tuy nhiên, các vùng dân cư nằm trong khu vực đê hữu Bùi vẫn sống trong nỗi lo ngập lụt. Trao đổi với báo chí gần đây, ông Đinh Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết, các hộ dân nằm trong khu vực đê hữu Bùi, là vùng thoát lũ của Hà Nội, nên khi mực nước trên 7m, được phép tràn qua đê, các hộ này sẽ phải chịu cảnh ngập lụt.

Do đó, UBND thành phố đã giao Sở QH&KT cùng chính quyền địa phương nghiên cứu, di dân các xã ra khỏi khu vực đê hữu Bùi. Tuy nhiên, quá trình di dân không đơn giản, liên quan đến phong tục, tập quán, nhu cầu sản xuất của người dân và đòi hỏi kinh phí lớn, nên đây được coi là biện pháp chiến lược, lâu dài.

“Khi nước tràn, người dân phải sống trong cảnh ngập lụt, chính quyền các cấp tập trung bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản của người dân; cung cấp nước uống, lương thực, cấp phát thuốc, chữa bệnh miễn phí. Sau khi nước rút, sẽ xử lý vấn đề môi trường để phòng, chống dịch bệnh, phục hồi sản xuất. Năm 2018, hơn 3.600 hộ dân của huyện phải sống trong cảnh ngập lụt 1 tháng, nhưng không có dịch bệnh nào xảy ra”, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết.

MỚI - NÓNG