Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Ðào Trọng Tứ, Trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho rằng, ông chưa hình dung ra được về việc làm đê bê tông sẽ như thế nào. Ðứng về mặt kinh tế, để nói về việc kiên cố hóa tất cả đê bằng bê tông là khó khả thi bởi khối lượng của đê rất lớn, còn nói là bê tông hóa mặt đê hoặc mái đê thì cũng tốn kém. “Nếu nói là 50 tỷ 1km còn là quá ít, tiền đầu tư 1km còn hơn thế rất nhiều. Nếu Hà Nội thực sự làm thì cần tham khảo ý kiến các chuyên gia”, TS Tứ nhận định.
Chia sẻ thêm về đê bê tông, TS Tứ cho rằng, người ta chỉ có thể làm đê bê tông ở một số đoạn đô thị, còn cả tuyến sông ngoại thành làm đê bê tông thì "thực sự chưa thấy ở đâu làm".
Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Đào Xuân Học cho rằng, đối với những sông bé như sông Bùi, kể cả có nạo vét thì khi xảy ra lũ lớn vẫn phải có giải pháp tràn đê. Vì vậy, Hà Nội cần quy hoạch lại vùng dân cư ven sông Bùi, trong đó tính toán phương án di dời dân khỏi vùng thường xuyên ngập úng, xây nhà chống lũ, hỗ trợ người dân sản xuất nông nghiệp, sản xuất một vụ… Đặc biệt, cần sớm rà soát tổng thể hành lang thoát lũ, tiếp tục đầu tư củng cố hệ thống đê điều.
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho biết, đợt lũ đang diễn ra ở Chương Mỹ do lũ ở ven đường Hồ Chí Minh đổ xuống, đổ ra các sông qua Ninh Bình và đổ ra sông Đáy. Một phần lũ ở sông Hoàng Long dâng cao nên cửa thoát của sông Đáy bị hạn chế. Ngoài các lý do nêu trên, có một vấn đề đáng quan tâm là trong quá trình phát triển, nhiều hệ thống cơ sở hạ tầng đã lấn ra hành lang thoát nước của các sông, làm giảm khả năng thoát lũ. “Việc này không chỉ xảy ra ở sông Bùi mà ở nhiều sông khác trên cả nước”, lãnh đạo Bộ NN&PTNT nói.
“Chúng ta phải lồng ghép vấn đề phòng chống thiên tai vào hoạt động quản lý đất, xây dựng cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ. Khi làm đường, xây dựng đô thị… phải chú ý đến thoát nước”, ông Thắng nhấn mạnh.
Chánh Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội Đỗ Đức Thịnh cho hay, sau khi kiểm tra hiện trường ngày 30/7 và sau khi họp với Ban Thường vụ Thành uỷ, Chủ tịch UBND Thành phố đã thống nhất cho triển khai tôn cao và kiên cố hệ thống đê tả Bùi qua Chương Mỹ. Việc nâng cấp đê là cụ thể hóa Quyết định 1821 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt quy hoạch phòng chống lũ và đê điều hệ thống sông Đáy. Theo ông Thịnh, việc triển khai thực hiện cần thời gian, từ khâu khảo sát thiết kế vì khu vực đó hết sức phức tạp, từ địa bàn, địa hình… quan trọng nhất là nguồn lực bởi việc nâng cấp dự kiến thấp nhất là 50 – 70 tỷ đồng/km, có chỗ khó lên tới 100 tỷ đồng/km.
Tại buổi làm việc với UBND huyện Chương Mỹ ngày 30/7, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất phương án kè các đoạn đê xung yếu của sông Bùi theo hướng bền vững. Vật liệu được sử dụng để kè đê sông Bùi theo ông Chung cho biết là bê tông dự ứng lực, có các bản rộng từ 40-60 cm. “Nếu được Bộ NN&PTNT cho phép, Hà Nội sẽ làm ngay các đoạn đê xung yếu bằng bê tông cốt thép”, ông Chung nói.