Đề nghị làm rõ cơ sở lựa chọn phạm vi quy hoạch
Cho ý kiến về Đồ án quy hoạch khu vực ga Hà Nội và phụ cận của UBND TP Hà Nội, Bộ GTVT thống nhất về các lý do và sự cần thiết phải lập quy hoạch, nhất là việc xác định ga Hà Nội và vùng phụ cận cần được xây dựng một cách thống nhất, đồng bộ và là cơ sở để tổ chức thực hiện quy hoạch.
Tuy nhiên, Bộ GTVT đề nghị làm rõ cơ sở lựa chọn phạm vi quy hoạch, phân khu chức năng và tính cấp thiết của việc lập quy hoạch.
Theo Bộ GTVT khu vực ga Hà Nội và vùng phụ cận là trung tâm và là cửa ngõ giao thông quan trọng của thành phố, vì vậy Đồ án cần có sự so sánh đối chiếu cụ thể các chỉ tiêu và các tác động của Đồ án với quy hoạch chung của thành phố.
Đề cập về vấn đề giao thông, Bộ GTVT đề nghị cần rà soát các số liệu điều tra khảo sát hiện trạng về dân cư, mật độ giao thông trên các tuyến đường trong khu vực quy hoạch cũng như các tuyến giao thông kết nối vùng quy hoạch với khu vực lân cận để đảm bảo liên thông vận tải toàn thành phố; phân tích tính toán kỹ về dự báo nhu cầu vận tải khu vực quy hoạch để đảm bảo tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông, cũng như năng lực đáp ứng của các loại hình vận tải so với nhu cầu hành khách tham gia giao thông.
Đi ngược với quy chế, quy hoạch vừa ký
Với phạm vi khoảng 98 ha đất 'vàng' nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại về mục tiêu giãn dân nội đô để giảm ùn tắc giao thông của Hà Nội không thành hiện thực mà chỉ phục vụ cho nhóm lợi ích về bất động sản
Đặc biệt, theo Bộ GTVT một số nội dung của Đồ án chưa phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội (tại Quyết định số 1259 ngày 26/07/2011) và Quy hoạch phát triển GTVT Thủ đô Hà Nội (tại Quyết định 519 ngày 31/3/2016) của Thủ tướng Chính phủ (như gia tăng mật độ dân cư tại khu vực trung tâm, quy hoạch tuyến đường Trần Hưng Đạo...). Bộ này đề nghị UBND TP Hà Nội nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, có ý kiến chỉ đạo đảm bảo đồng bộ, thống nhất giữa các Đồ án quy hoạch.
Không chỉ ý kiến của Bộ GTVT, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại về mục tiêu giãn dân nội đô để giảm ùn tắc giao thông của Hà Nội không thành hiện thực mà chỉ phục vụ cho nhóm lợi ích về bất động sản khi Đồ án đề xuất xây dựng những cao ốc cao từ 40-70 tầng tại khu vực này. Đi ngược với quy chế, quy hoạch mà chính UBND TP Hà Nội vừa ký.
Theo Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô Hà Nội do Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung ký Quyết định số 11 ban hành tang 4/2016 áp dụng trên khu vực có quy mô diện tích khoảng 3.881ha, thuộc địa giới hành chính của 5 quận: Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, một phần phía Bắc quận Hai Bà Trưng và một phần phía Nam của quận Tây Hồ.
Theo đó, việc quản lý, kiểm soát về quy hoạch kiến trúc đối với các công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử được thực hiện trên cơ sở đảm bảo đúng định hướng quy hoạch chung xây dựng Thủ đô với chiều cao tối đa tùy từng tuyến phố từ 9 -13- 21- 24 -27 đến 39 tầng.
Đối với khu vực xung quanh ga Hà Nội là khu vực điểm nhấn đô thị nên khi nghiên cứu xây dựng công trình cao tầng phải thông qua Hội đồng Kiến trúc Quy hoạch thành phố Hà Nội, đảm bảo các điều kiện phù hợp với quy hoạch phân khu ga Hà Nội, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố cũ.
Theo quy chế này, các tuyến phố chính như phố Lê Duẩn (đoạn từ đường Hai Bà Trưng đến Khâm Thiên) được xây dựng tối đa 9 tầng (tương đương 32m) với điều kiện phía Tây tuyến đường đảm bảo phù hợp cảnh quan khu vực, nghiên cứu bảo tồn công trình ga Hà Nội. Đặc biệt, Quy chế quy định về khu vực điểm nhấn đô thị xung quanh khu vực ga Hà Nội với chiều cao công trình tối đa là 18 tầng (tương đương 65m) và kèm theo là những điều kiện như: Đảm bảo giảm mật độ xây dựng; phù hợp với quy hoạch phân khu, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố cổ…
Tuy nhiên, Đồ án quy hoạch khu vực ga Hà Nội và phụ cận cũng được lãnh đạo TP Hà Nội vừa ký lấy ý kiến các bộ, ngành lại đi ngược lại với những quy định của quy chế trên. Đơn cử, khu vực đất liền ga Hà Nội (nhà máy nước Ngô Sỹ Liên-PV), được đề xuất thành khu nghỉ dưỡng đô thị ký hiệu UTPT1 từ chiều cao tối đa là 54m (18 tầng) lên 100-120m; Khu Văn Chương (khu nhà ở); Khu ga Hà Nội từ quy định chiều cao tối đa là 65m thành khu lối sống mới, khu ga đường sắt cao 100m. Đặc biệt, khu hồ Linh Quang từ quy định chiều cao tối đa là 54m nay đề xuất thành những công trình điểm nhấn chọc trời cao 200m (tương đương 70 tầng).
Theo KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội KTS Việt Nam, nếu chiếu với quy chế thì Đồ án này đề xuất đã đi ngược lại với quy chế mà chính lãnh đạo thành phố Hà Nội đã ký. “Đồ án này đã thể hiện kỳ vọng quá lớn, bắt khu vực ga Hà Nội và hạ tầng khu vực phải gánh quá nhiều vấn đề như: trung tâm tài chính, trung tâm thương mại, khu nghỉ dưỡng đô thị, khu lối sống mới… với chiều cao từ 40-70 tầng (tương đương 100-200m). Nó không chỉ đi ngược lại với quy hoạch chung, quy chế quản lý nhà cao tầng mà còn gây nhiều hệ lụy”, KTS Tùng cho hay.
Đây là Đồ án quy hoạch có tác động lớn đến việc bảo tồn kiến trúc cổ, ảnh hưởng lớn cảnh quan và cấu trúc đô thị Hà Nội, vì vậy Bộ GTVT đề nghị UBND thành phố Hà Nội làm việc hoặc tham khảo ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học về kiến trúc, quy hoạch và lịch sử để hoàn thiện Đồ án.